Chàng tiến sĩ mê bài tarot

Có bằng tiến sĩ tại Pháp năm 27 tuổi, đi làm hai năm tại Pháp xong mới trở về quê nhà Cần Thơ, chàng trai Ngô Hồ Anh Khôi đã khiến bạn bè và người thân ngạc nhiên vì suốt năm 2017, anh chỉ ở nhà và loay hoay lo sửa chữa nhà cửa, đặt làm tủ kính và hình thành một... 'bảo tàng' ngay tại nhà mình rộng gần 150 mét vuông.

Khôi bị bạn bè bảo là khùng, chỉ có ba mẹ là vui vẻ không nói gì, còn chuyển sang ở ngôi nhà khác để Khôi thỏa sức xây dựng cho mình một chỗ chơi kỳ lạ trưng bày toàn là tủ kính chứa các viên đá và những bộ bài cũ kỹ.

Có cha làm kinh doanh, mẹ dạy học, Khôi có đủ điều kiện học lên cao. Năm 2011, học xong khoa Công nghệ thông tin Đại học Cần Thơ, Khôi sang Pháp học thạc sĩ tại Đại học La Rochelle, sau đó lấy tiếp bằng tiến sĩ Đại học Francois Rabelais Tours năm 2015.

Anh được học để nghiên cứu khoa học trí tuệ nhân tạo (AI), chuyên ngành thị giác thông minh (intelligence computer visions), đã có một số bài nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế. Ra trường, anh ở lại Lyon làm việc tại Viện Lyris chuyên nghiên cứu về ảnh và phân tích ảnh dữ liệu.

Nhưng, cuộc đời có những lối rẽ bất ngờ mà nguồn cơn là một đam mê nằm sâu bên trong. Do ngành học là trí tuệ nhân tạo, đề tài tiến sĩ là “Ứng dụng trong máy scan thông minh dành cho tư liệu cổ”, một đề tài mà anh cộng tác với Thư viện Quốc gia Pháp (BNF), Khôi tiếp cận với nhiều tài liệu cổ nên thấy được vẻ đẹp và hàm lượng kiến thức tích lũy của người xưa. Điều đó dẫn anh đến với ý định sưu tập Kinh thánh và sách thánh.

Sau đó, khi phong trào tìm hiểu tarot nở rộ tại Việt Nam, khoảng năm 2009 mà Khôi là một trong những người khởi xướng, anh mới có ý định sưu tập chuyên về bài tarot cổ.

Khi quyết định sưu tập loại hình này, Khôi có những suy tính riêng. Trước hết, vì đề tài tiến sĩ liên quan đến chất liệu giấy cổ, anh thấy mình ít nhiều có hiểu biết về thể loại này. Thứ hai, anh có ước mơ thành lập bộ sưu tập tarot, một loại hình văn hóa tâm linh, huyền bí phương Tây đã lan rộng cả thế giới và trở thành một phần của đời sống tinh thần của nhiều nước phương Tây và Trung Đông.

Còn nghĩ xa hơn, nếu làm được điều đó, anh có thể tạo dựng được một bộ sưu tập đáng kể để lúc nào đó có thể hiến tặng cho một viện bảo tàng trong hay ngoài nước, như anh đã thấy một số người làm được khi anh đến thăm Bảo tàng Louvre tại Paris. Xác định như vậy, anh thấy tarot đúng như mong muốn là thể loại sưu tập không “đụng hàng”, ít người sưu tập, nhưng lại có giá trị nhất định, đã được công nhận là di sản quốc gia của một số nước…

Bên cạnh đó, tarot là thể loại phù hợp với sở thích riêng của anh hồi học đại học, tại Việt Nam thời điểm 2008 khi anh chuẩn bị sang Pháp học vẫn chưa nhiều người biết. Lý do cuối cùng, thể loại này hầu như không có nhiều đồ giả, do kén người chơi, và về mặt kỹ thuật tương đối khó làm giả, hoặc giá làm giả khá cao trong khi giá trị tối đa của nó cũng không quá lớn (hiếm có hiện vật tarot nào vượt quá 10.000 USD).

Ở các nước, thú sưu tập bài cổ (trong đó tarot là một phần) là phong trào tương đối xưa, từ khoảng thế kỷ XVII. Những bộ sưu tập cá nhân, sau này đều trở thành một phần của tài sản quốc gia, và cũng là niềm tự hào của quốc gia đó. Nếu chỉ xét riêng về tarot và oracle (là những thể loại bài dùng trong tiên tri và ma thuật), là những thể bài bói, thì hiện chỉ có bốn bảo tàng tarot trên thế giới, đều là bảo tàng tư nhân.

Trong đó có bộ sưu tập của Guido Gillabel, hình thành nên Bảo tàng Tarot ở Mechelen, Bỉ. Bộ sưu tập của Luna Gorton (khoảng 200 hiện vật) được hiến cho bảo tàng này vào năm 2016. Bộ sưu tập của Ricardo Salas Soler, hình thành nên Bảo tàng Tarot ở Madrid, Tây Ban Nha. Bộ sưu tập của Morena Poltronieri và Ernesto Fazioli, hình thành nên Bảo tàng Tarot ở Milan. Bộ sưu tập của il Meneghello, hình thành nên Trung tâm Il Meneghello House (tương tự hình thức bảo tàng).

Bộ sưu tập của Stuart Kaplan, hình thành nên bộ sưu tập thư viện US.Games (tương tự hình thức bảo tàng). Bộ này đã được bán lại cho sàn đấu giá Christies năm 2006.

Anh Khôi trong một lần lang thang qua các bảo tàng tarot châu Âu

Anh Khôi trong một lần lang thang qua các bảo tàng tarot châu Âu

Ban đầu, Khôi muốn ở lại Pháp làm việc và hình thành bộ sưu tập. Nhưng sau khi thấy ở xứ người quá tốn kém để làm được điều đó, Khôi nghĩ đến chuyện trở về quê nhà. Từ đó, cứ mỗi năm về Cần Thơ thăm gia đình, anh xách nhiều valy về trong chứa những viên đá, những dĩa gốm cổ và những bộ bài cổ. Đến khi về hẳn, Khôi có đủ các thứ mình cần để tạo nên bộ sưu tập riêng, hình thành Bảo tàng Tarot Việt Nam (bán chính thức, điều hành bởi Công ty TNHH MTV Tarot do Khôi lập ra).

Hiện tại số lượng hiện vật về tarot của Khôi vào khoảng 2.000 bao gồm nhiều chủng loại: bài cổ giấy, ngà, xương, đá, bài in mộc bản, thạch bản, vẽ tay, bản khắc in, bản chưa cắt, tranh về tarot, sách cổ về bài tarot, tác phẩm nghệ thuật liên quan tarot... Cụ thể, khoảng 1.000 bộ tarot và bài đủ thể loại (vẽ tay, in mộc bản, in thạch bản, in nén) từ thế kỷ XVIII - XX, 50 bản chưa cắt các thể loại tarot và bài, từ thế kỷ XVIII - XX, 100 bản khắc các thể loại tarot và bài, từ thế kỷ XVIII - XIX, 500 sách và tư liệu giấy về tarot và bài, từ thế kỷ XVII đến XX và nhiều thể loại khác về nghệ thuật tarot, khoảng 100 món…

Bộ sưu tập của Khôi chưa phổ biến vì anh chưa có thời gian giới thiệu bằng những cách thức chuyên nghiệp. Tuy vậy, khi thông báo các bộ tarot độc lạ, những người bạn trong giới sưu tập bảo tàng trên thế giới đều cổ vũ ít nhiều. Khôi ý thức rằng trên thế giới có nhiều nhà sưu tập đạt được mức độ của mình, nhưng vẫn tự hào đây là một trong những bộ sưu tập không thua kém quá nhiều so với tầm cỡ khu vực và thế giới. Ở mức châu Á, người sở hữu bộ sưu tập tarot cỡ này hiện đếm trên đầu ngón tay.

Còn ở Việt Nam, Khôi khẳng định đây là bộ sưu tập lớn nhất hiện nay.

Một góc bộ sưu tập của Anh Khôi trong gian phòng được thiết kế theo phong cách châu Âu

Sưu tập bài cổ tarot, cũng giống như nhiều ngành sưu tập khác, trước hết là một thú vui tri thức. Sưu tập nói chung, đều gắn liền với ngành thư viện học, bảo tàng học, sử học, khảo cổ học và cổ học, bản thân tarot đóng góp cho những ngành này và nhiều ngành liên quan. Bài cổ liên quan đến đời sống của đại chúng một thời nên khi được nghiên cứu, nó đóng góp vào kho kiến thức về văn hóa và văn minh thế giới.

Mục đích dài hạn của Khôi trước sau vẫn là thành lập được bảo tàng tarot chính thức, để giao lưu bạn bè cùng sở thích… và sau này đóng góp cho một bảo tàng chuyên ngành. Kinh doanh, nếu có, chỉ được xem là biện pháp cuối khả dĩ để nuôi và duy trì bảo tàng cũng như bộ sưu tập. Nguồn kinh doanh chính của bảo tàng sẽ là xuất bản sách, bài tarot, làm sự kiện…

Khôi là một trong những người đem trào lưu tarot về Việt Nam. Đến nay, từ một trào lưu xa lạ, sách về tarot đã được xuất bản chính thức như cuốn Tarot nhập môn của Kim Huggens do Công ty Nhã Nam phát hành đầu năm 2017, và sắp tới vài ấn phẩm khác sẽ ra đời. Mới đây, đã có một chương trình riêng về tarot tại Việt Nam tên là Oh My Sign do Ngô Kiến Huy làm MC. Tarot đã xuất hiện trên báo online thành chuyên mục riêng, cả trên báo giấy (xuất hiện lần đầu trên báo Mực Tím).

Hiện tại, Tarot Huyền Bí do Khôi sáng lập có 27.000 thành viên, fanpage Hội Tarot Huyền Bí có 40.000 like… cho thấy sức hút từ tarot trong giới trẻ.

Hiện nay, trong lúc chờ đợi một công việc phù hợp với bộ môn theo học bấy lâu nay, Khôi đang tập trung vào sự phát triển tarot học thuật: xây dựng cộng đồng người nghiên cứu và viết về tarot, xây dựng cộng đồng sưu tập tarot chuyên nghiệp. Khôi đang hạnh phúc, vì đã học bộ môn mình muốn học và đang làm điều gì đó có ý nghĩa mà mình thích, thể hiện cách nghĩ và tìm kiếm hạnh phúc của những người trẻ hiện nay.

Bài: Đăng Chương - Ảnh: NVCC

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chang-tien-si-me-bai-tarot-12509.html