Chàng thợ xây và điều kỳ diệu ở châu Phi

Các chàng trai Việt bưng mâm lễ, sánh bước cùng các cô gái châu Phi, cùng với loa đài, pháo giấy… tạo nên một đám cưới vô cùng đặc biệt. Đó là một trong những điều kỳ diệu do chàng thợ xây người Việt thực hiện trên đất Angola xa xôi.

Quang Linh cùng những người bạn phát quà, tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo Angola

Quang Linh cùng những người bạn phát quà, tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo Angola

Những điều rất Việt trên đất Phi châu

Cặp đôi Lindo (24 tuổi) cùng cô vợ Cilia (18 tuổi) yêu nhau được 2 năm nhưng gia đình khó khăn, đám cưới gặp nhiều trở ngại. Để giúp Lindo, Nguyễn Quang Linh cùng nhóm bạn người Việt chuẩn bị mâm lễ, pháo giấy, tìm lá dừa kết cổng để đám cưới của chàng trai người Angola được diễn ra thuận lợi nhất. “Biết Lindo có ý định làm đám cưới, mình nảy ra ý tưởng đem nhiều nét văn hóa của Việt Nam đến gần hơn với người dân bản địa. Hai bên gia đình cô dâu - chú rể rất hào hứng với phong tục bê lễ của Việt Nam. Người dân ở đây bất ngờ, tò mò và đến xem rất đông”, Linh nói. Đây là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất của Nguyễn Quang Linh cùng nhóm bạn đang thực hiện tại châu Phi.

Năm 2016, tốt nghiệp phổ thông, Linh rời vùng đất Nghệ An đến Luanda, Thủ đô Angola làm thợ xây. Đến vùng đất mới, khác văn hóa, màu da, Linh gặp nhiều khó khăn. May mắn, Linh được Lindo giúp đỡ nhiệt tình, hai người trở nên thân thiết. Thời gian trôi qua, công việc dần ổn định, có thêm nhiều người bạn châu Phi, cộng thêm khoản tiền tích cóp được, Quang Linh quyết định nghỉ nghề xây dựng, chuyển sang kinh doanh nước đá. Lâu thành quen, Linh dần cảm thấy gắn bó với nét văn hóa độc đáo, người dân thân thiện, hiếu khách nơi đây.

Bailundo, quê hương Lindo là một trong những địa phương nghèo nhất của Angola. Thiếu nước sạch luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu được lấy từ các giếng đào quanh làng. Ngày đầu đến nhà Lindo chơi, thấy các em nhỏ sử dụng nước bẩn, Linh quyết định hành động.

Sáng chủ nhật, dù khá mệt sau một tuần làm việc ở xưởng nước đá, nhưng Linh cùng nhóm bạn vẫn thức dậy sớm, dùng xe chuyên dụng chở máy móc từ Luanda đến Bailundo khoan giếng cho người dân. Nhìn thấy những người bạn Việt Nam từ xa, hàng chục người dân reo lên sung sướng. Họ giơ bàn tay lên rồi cụp dần từng ngón, ý nói đã đếm ngược từng ngày chờ Linh đến.

Gần nửa ngày thăm dò, tìm địa điểm, nguồn nước được tìm thấy trong sự vui mừng của toàn bộ dân làng. Quang Linh còn hướng dẫn mọi người làm nền xi măng và phải bơm trong 2-3 ngày liên tục mới sử dụng được vì giếng mới khoan nên nước còn đục, chưa sạch hoàn toàn. Anh còn chuẩn bị 1 chiếc bình chứa lớn để người dân dự trữ nước.

Đến Angola làm thợ xây, từng sống rất khổ cực nên Quang Linh rất đồng cảm với người dân nơi đây. “Quãng thời gian đầu luôn rất khó khăn, quá nhiều điều khác biệt, nhớ gia đình nhưng người dân nơi đây đã giúp đỡ mình rất nhiều. Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng họ sống rất tình cảm, sẵn sàng, chia sẻ giúp đỡ những người nước ngoài như mình”, Linh nói.

Mỗi lần ra vùng ngoại ô Thủ đô Luanda, hay về quê hương của Lindo, những ngôi nhà nhỏ bé, xiêu vẹo, cũ kỹ hiện ra, những đứa trẻ con nheo nhóc luôn ám ảnh Quang Linh. Lũ trẻ sống kham khổ nên gương mặt gầy guộc và rất khó tìm thấy nụ cười ở chúng. Trong những chuyến đi đó, cậu thường ghi lại những khoảnh khắc chân thực về đời sống hằng ngày của người dân nơi dây. Những video này được bạn bè thích thú, chia sẻ, đây cũng chính là bước đệm để Linh bén duyên với công việc làm YouTube vào năm 2019.

Giúp đỡ người khác để bản thân hạnh phúc

Ngày nhận ngôi nhà mới từ những người bạn Việt Nam, mẹ Lindo xúc động: “Tôi năm nay 87 tuổi, nhưng chưa được thấy ngôi nhà nào đẹp đến thế. Trong số các con của mình, chưa ai dám mơ về một ngôi nhà đẹp như vậy. Vậy mà một người Việt Nam xa lạ đã xây tặng”.

Thời điểm đầu nhóm tự bỏ tiền túi, mua nhu yếu phẩm, thức ăn để giúp đỡ những người dân bản địa, trẻ em nghèo. Công việc kinh doanh dần ổn định, những hoạt động thiện nguyện được nhiều người biết đến, ủng hộ nên Linh và nhóm có nhiều cơ hội để hỗ trợ người dân nơi đây. Sống và làm việc với người dân, Quang Linh đồng cảm và tìm cách để giúp đỡ họ, anh nhận nhiều người dân bản xứ vào làm việc tại xưởng của mình. Anh tổ chức các lớp học tiếng Việt, vui ngày Trung thu cho trẻ em, làm món ăn Việt, chương trình thi ca nhạc để tạo niềm vui cho người nghèo.

Bằng sự cởi mở, chân thành, Quang Linh được người dân cả vùng yêu mến. “Nhìn thấy những người dân vui vẻ mình cũng vui theo. Thấy mình ở ngoài đường, họ đều giơ tay chào và không quên nói những câu tiếng Việt đơn giản như “cảm ơn”, “tạm biệt”. Mình hy vọng rằng người dân Angola sẽ có cái nhìn thiện cảm với người Việt Nam”, Linh nói.

Hiện tại, ngoài việc kinh doanh, Quang Linh cùng nhóm bạn tiếp tục phát triển kênh YouTube để có thêm kinh phí hỗ trợ người dân. Các video chỉ được quay trong những ngôi nhà lụp xụp, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí không qua chỉnh sửa hay thêm hiệu ứng nhưng lại được khán giả yêu thích bởi sự mộc mạc và giản dị và chân thành. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua việc Quang Linh luôn rất biết cách tương tác với những người bản địa thân thiện, mang tới sự thú vị trong từng sản phẩm của mình.

Quang Linh khoan giếng tặng người dân Bailundo

Xem video của Linh, nhiều người bày tỏ sự thích thú, tự hào, bởi dẫu đặt chân đến bất cứ nơi nào, dù cuộc sống vẫn còn vất vả, nhưng người trẻ Việt Nam vẫn luôn biết tương thân tương ái và sẵn sàng giúp đỡ đồng loại. Việc làm, nghĩa cử tốt đẹp của chàng trai xứ Nghệ giúp anh được mọi người yêu thương, chú ý. Chỉ hơn 1 năm tạo kênh đã có khoảng 1,6 triệu người theo dõi. “Mục tiêu tiếp theo của nhóm là hỗ trợ được các em nhỏ đến trường, bởi chỉ có giáo dục mới giúp cuộc sống của họ bớt nghèo”, Linh tự tin.

Khác với những lần tác nghiệp trước, khoảng cách giữa người viết và nhân vật là hơn 10.000 km, nhưng trong câu chuyện, qua màn hình điện thoại thông minh, chúng tôi cảm nhận rõ được tinh thần tươi mới, sự lạc quan của chàng thanh niên mới bước qua tuổi 24. “Mặc dù có học tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ chính của người Angola - PV) nhưng đôi khi tôi vẫn không hiểu họ nói gì. Tuy vậy, tôi cảm nhận được sự hạnh phúc trong tiếng cười, ánh mắt của họ, đó là điều mình cảm thấy ấm áp nhất”, Linh nói thêm.

Bằng sự cởi mở, chân thành, Quang Linh được người dân cả vùng yêu mến

Võ Hóa

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chang-tho-xay-va-dieu-ky-dieu-o-chau-phi-post1322500.tpo