'Chàng thi sĩ' 85 tuổi ra mắt thơ

Sáng 12/8, tại Manzi Art Space, cuốn sách “Dương Tường thơ” chính thức ra mắt bạn đọc nhân 85 năm ngày sinh của tác giả. Không ai gọi Dương Tường là “lão thi sĩ”, họ gọi ông là “chàng”.

Dù được đánh giá là khó đọc, buổi ra mắt “Dương Tường thơ” vẫn kín chỗ, rất nhiều khán giả phải đứng. Ảnh: Trần An.

Cùng thời điểm, một triển lãm tranh mang tên “Dương Tường trong mắt bạn bè” tại Mai Gallery trưng bày 36 bức tranh của nhiều tên tuổi quen thuộc. Cùng thời Dương Tường có Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Trịnh Công Sơn… Gần hơn có Nguyễn Quân, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân… Trẻ nữa có Lý Trần Quỳnh Giang. Mỗi một chân dung Dương Tường dù khác nhau về bút pháp, chất liệu, thời gian… nhưng giống nhau ở “thần thái mơ mộng của chàng” (theo nhà văn Châu Diên – bạn thân của Dương Tường).

Dương Tường làm thơ từ trẻ nhưng đến năm hơn 40 tuổi ông mới xuất bản tập thơ đầu tay cùng Lê Đạt có tựa đề “36 bài tình”. Trong đó có một bài “Bella” đề tặng “những ai sống làm vợ khắp người ta” bị dư luận cùng thời “vùi dập” mạnh nhất, cho là khiêu dâm, đồi trụy v.v… “Bella” trong từ gốc tiếng Pháp nghĩa là đẹp (belle), Dương Tường không gọi “các cô gái điếm buồn” bằng những tên thông thường xã hội đặt cho họ, mà biến âm thành “Bella”. Bài thơ đến nay, sau mấy chục năm vẫn mới: “Em/ chấm nhỏ/ đường khuya/ chợ ái ân/ loang lổ/ đèn đường/ mủ đêm/ Em đi/ môi mọng/ đùi mọng/ vú ấm/ tim trống/ đầu trống/ Em đi – nhớt đêm/ Em đi – mưa xiên/ Em đi – trời nghiêng/ Em đi – đời bỏ quên” (1963).

Nhà văn Châu Diên nói về Dương Tường: “So với hôm khai mạc triển lãm tranh: xung quanh đầy con cháu, học trò, bạn hữu, còn có bà Trinh (phu nhân Dương Tường) ngồi trước mặt thỉnh thoảng nhìn nhau cười âu yếm, thì hôm nay (ra mắt thơ) Dương Tường rất cô đơn. Nhưng thân phận nhà thơ là thế: luôn cô đơn, luôn một mình, luôn luôn tự vấn chính mình”.

Trong mắt nhà văn Châu Diên, Dương Tường lúc nào cũng là một “cậu bé con”. Khi Dương Tường là thanh niên, xuống nhà thấy mẹ ăn phở vẫn bảo: “em miếng!”. Khi ông trịnh trọng mặt comple đến nhận Huân chương Officier des Arts et des Letters (năm 2009) do Chính phủ Pháp tặng, ông vẫn chỉ là một “cậu học trò tiểu học” và rằng “mặc thế trông xinh chứ không oai”. Dương Tường xác nhận: “công nhận mình trẻ con thật, vì khi ấy vợ con cũng chuẩn bị hết cho mình, còn sơ-vin hộ, con gái vẫn gọi mình là baby”. Trong một phát biểu sau đó, ông nhấn mạnh: “tôi là cái thằng trẻ con, nàng thơ bắt tôi làm gì tôi làm nấy. Tôi hơi bị vâng lời nàng thơ”. Ông kể, trong quãng thời gian cơm đùm cơm nắm đóng đô ở thư viện quốc gia để dịch thuê kiếm sống, có những ngày ông ngồi không, không dịch được trang nào bởi vì “hồn bị nàng thơ bắt mất”.

Bìa sách “Dương Tường thơ”.

Nhận xét về thơ Dương Tường, nhà văn Châu Diên cho rằng, thơ ông khó đọc, không phải loại dành cho số đông. Và Dương Tường thuộc loại nhà thơ ngơ ngác, nhưng có học nên ông tư duy không phải chỉ bằng tiếng mẹ đẻ.

Bản thân Dương Tường coi phần “thơ thị giác” là một thể nghiệm quan trọng của cuộc đời. Xuất xứ của giai đoạn này bắt đầu từ Trần Dần (một bạn văn lớn của Dương Tường): “Hồi ấy Trần Dần ở phố Vũ Lợi, tôi ở Phan Huy Chú, ông ấy bị tai biến, không đi xe đạp được, mà chỉ lù rù đi bộ qua chỗ tôi uống nước chè. Có lần, nói chuyện về thơ thị giác, ông Dần phân công: tao làm thơ không lời, mày làm thơ ngoài lời”. Sau đó, Dương Tường viết “Mắt”, “Ngày” và “Đàn”, Trần Dần viết “Thơ không lời” và “Mây không lời”. Thời bấy giờ, có tôi và Trần Dần thể nghiệm hình thức thơ này. Nó phản ảnh sự chuyển dịch ngôn ngữ của thơ sang các ngôn ngữ nghệ thuật khác. Như vậy, thơ trở nên siêu ngôn ngữ, và không có một hạn chế nào cho sự phát triển của thơ. Lúc đó không có giao lưu nào với các nhà thơ ngoài biên giới, nhưng về sau lại phát hiện ra suy nghĩ của chúng tôi trùng với nhiều nhà thơ trên thế giới khi thực hành thơ thị giác. Ví dụ nhà thơ Henri Michaux của Bỉ với tập “Mowvemenss”.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Sông Hương từ 1990, Dương Tường xác định: “Vật liệu chính của thơ tôi không phải con chữ mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác và tôi là ở chỗ họ làm việc ngôn ngữ trên nhiều “biểu nghĩa” (signifié), còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều “năng nghĩa” (signifiant). Những gì ở thơ họ là “đã” thì ở tôi là “đang”. Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn “thẳng” còn tôi là ở mặt chữ nhìn “nghiêng”. Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở mặt chênh đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Tôi muốn đi theo một thi pháp âm bồi nếu có thể gọi thế. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi.”

Xuất hiện ở cuối buổi ra mắt, nhà thơ Đỗ Thị Tấc cho biết: tối qua bà mới ngồi ô tô xuống Hà Nội để bày tỏ lòng yêu mến với một đàn anh thơ. Chung ý kiến với nhà văn Châu Diên, nhà thơ Đỗ Thị Tấc cũng cho rằng thơ Dương Tường không dễ đọc. “Tôi đã từng ngồi trong băng, trong tuyết để đọc thơ Dương Tường. Đọc thơ anh Tường phải có một tầng cảm xúc thanh âm của vũ trụ. Thơ Dương Tường chỉ có thể đọc bằng thơ chứ không thể đọc bằng chính trị hay đạo đức.”

Kết thúc buổi ra mắt, nhà văn Châu Diên “chúc bạn Tường từ nay đến già nghĩ về mình về đời bằng những lời líu lo thơ”.

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/chang-thi-si-85-tuoi-ra-mat-tho-1176659.tpo