Chàng nhân viên Việt Nam được 'thừa kế' công ty từ ông chủ Nhật

Nguyen Duc Truong (34 tuổi) vốn là một thực tập sinh Việt Nam đến Nhật Bản từ năm 2005. Anh đã được ông chủ Nhật Bản chọn làm 'người thừa kế' công ty Nagao Shiko.

Ông Yasutaka Nagao (phải) và anh Nguyen Duc Truong đứng tại xưởng công ty ở quận Nishi, tháng 2/2019.

Theo báo Mainichi, các công ty nhỏ ở Nhật chủ yếu được điều hành theo kiểu "cha truyền con nối" và rất hiếm khi chọn người kế nhiệm là người ngoài chứ đừng nói đến là người nước ngoài. Đây được coi là trường hợp tiên phong trong bối cảnh Nhật Bản càng ngày lệ thuộc lực lượng lao động nước ngoài.

Ông Yasutaka Nagao (72 tuổi) thành lập công ty Nagao Shiko vào năm 1969 với mong muốn phục hồi công việc kinh doanh mà cha ông từng thất bại.

Khi đó phần lớn đơn hàng của công ty là màng chất dẻo dùng trong việc sản xuất tã giấy. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh này lại bị đe dọa khi các nhà sản xuất chuyển sang dùng sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Nagao đã tận dụng kỹ năng kỹ thuật cao của mình để chuyển hướng làm ăn với các nhà sản xuất ôtô và công nghiệp thực phẩm.

Hiện công ty Nagao Shiko đang hoạt động tốt nhờ sản xuất màng nhiều lớp sử dụng trong pin xe hơi và loại màng dùng đóng gói các phần thực phẩm bán trong các cửa hàng tiện lợi.

Công ty của ông hiện có 6 nhân công, đặt tại quận Nishi của Nagoya, thành phố lớn thứ tư và là thành phố phồn vinh thứ ba ở Nhật Bản.

Công ty hiện vẫn đang vận hành tốt và có lợi nhuận, tuy nhiên bài toán khiến ông Nagao “đau đầu” là phải tìm người kế vị cho mình. Con trai cả của ông làm việc ở nơi khác và không quan tâm đến việc tiếp quản công ty

Sau nhiều lần suy nghĩ cẩn trọng, ông Nagao đã đưa ra một quyết định khá bất ngờ khi chọn một nhân viên trẻ người Việt Nam là anh Nguyen Duc Truong sẽ là người “thừa kế” công ty.

Anh Truong (34 tuổi) tới Nhật Bản từ năm 2005 với vai trò là một thực tập sinh kỹ thuật. Anh được thường trú vĩnh viễn sau khi cưới một phụ nữ Nhật Bản.

Năm 2008, sau khi tìm thấy công ty qua văn phòng giới thiệu việc làm “Hello Work”, anh Truong bắt đầu vào nhà máy làm việc. Mặc dù ban đầu thiếu kinh nghiệm song Truong tỏ ra là một người có năng lực, tay nghề giỏi và học rất nhanh.

Ông Nagao nhanh chóng quý mến, rồi tin tưởng tuyệt đối người thợ tới từ Việt Nam bởi anh tận tụy với công việc, làm được nhiều việc từ sửa chữa máy móc bị hỏng, đến bất kỳ hỏng hóc gì khác trong nhà xưởng.

Cách đây vài năm, khi được Nagao hỏi liệu anh có sẵn lòng tiếp quản công ty, Truong tỏ ra ngạc nhiên đồng thời cũng cảm thấy nhiều áp lực. “Nhưng tôi rất vui khi thấy ông Nagao đặt nhiều niềm tin cho mình, và tôi quyết định bảo vệ công ty này”, Truong chia sẻ.

Ông Nagao khẳng định sẽ “tiếp tục làm việc miễn là còn đủ sức khỏe”, nhưng ông hy vọng rất nhiều vào anh Truong.

“Một khi vẫn còn khách hàng, thì tôi phải có trách nhiệm duy trì công ty. Tôi cảm thấy an tâm khi giờ đã lựa chọn người thừa kế’, ông chủ Nagao Shiko chia sẻ với Mainichi.

Công ty Nhật “khan hiếm” người thừa kế

Khoảng 95% các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản là doanh nghiệp gia đình. Câu hỏi cấp thiết ai sẽ là người thừa kế công việc kinh doanh luôn gây khó cho những người quản lý hiện nay.

Từ năm 2007 đến 2016, số lượng công ty tuyên bố phá sản tại Nhật giảm 40%, trong khi đó, tỷ lệ công ty tự tuyên bố đóng cửa lại tăng với tỷ lệ tương đương (gần 30.000 trong năm 2016).

Khoảng 95% các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại "đất nước Mặt trời mọc" là doanh nghiệp gia đình.

Khoảng 95% các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại "đất nước Mặt trời mọc" là doanh nghiệp gia đình.

Theo nhà kinh tế học Toshiya Miyawaki của đại học Tokuyama (Nhật Bản), xu hướng tự đóng cửa là điều đáng lo ngại hơn. Trong một khảo sát mà chính phủ Nhật Bản thực hiện vào tháng 4/2017, 37% các công ty tự tuyên bố đóng cửa cho biết nguyên nhân của việc này là tình trạng kinh doanh tồi tệ và 33% cho biết họ không tìm được người kế nghiệp.

Theo nhà phân tích Sakamaki thuộc tập đoàn tài chính Nomura, tới năm 2040, mỗi năm sẽ có khoảng 40.000 công ty lâu đời của Nhật phải chật vật tìm người lãnh đạo mới.

Đa số sẽ chọn phương án đơn giản là đóng cửa, giới phân tích nhận định. Và khi có ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng cửa, cơ hội để thu hút những người kế nghiệp từ thành phố về quê hương để tiếp quản gia nghiệp sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Tuy vậy, điều đáng nói là đa số những doanh nghiệp này thuộc loại “có lợi nhuận” hoặc “lợi nhuận cao”. Như vậy có nghĩa là, những công ty làm ăn tốt phải đóng cửa chỉ vì không tìm được người lãnh đạo mới, Bộ Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản kết luận.

Theo khảo sát của Tokyo Shoko Research năm 2016-2017 đối với 4.303 công ty vừa và 3.984 công ty nhỏ Nhật Bản, có 30,9% công ty vừa và 32,4% công ty nhỏ thừa nhận không có ứng cử viên kế nhiệm hoặc chưa quyết định làm gì với người kế nhiệm. Khoảng 2,1% các công ty vừa và 17,2% các công ty nhỏ cho biết thế hệ lãnh đạo hiện tại sẽ là thế hệ cuối cùng của các công ty.

Bloomberg dẫn nhận định của giáo sư Miyawaki cho biết: “Trong hai mươi năm tới, cơn lốc đóng cửa sẽ tràn tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nhật bởi những ông chủ già nua không thể tìm được người tiếp quản kinh doanh”.

Minh Đăng

Theo Mainichi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chang-nhan-vien-viet-nam-duoc-thua-ke-cong-ty-tu-ong-chu-nhat-20180504224221762.htm