Chàng nghệ nhân Origami Việt được nhiều báo nước ngoài ca ngợi

Những sáng tạo về Origami của Nguyễn Hùng Cường (thạc sĩ ngành kỹ thuật điện tử, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã được nhiều trang báo lớn như Huffingtonpost, Thisiscolossal, ABCnews… đưa tin giới thiệu.

Cơ duyên đưa Hùng Cường đến với nghệ thuật gấp giấy Origami bắt nguồn từ cuốn sách hướng dẫn gấp giấy động vật tiền sử do bố mẹ anh mua tặng. Cường bắt đầu sáng tác từ năm 10 tuổi. Đến nay, anh đã có hơn 22 năm kinh nghiệm gấp giấy. Dù vậy, Hùng Cường vẫn cần 1-2 tháng để hoàn thiện một mẫu gấp phức tạp.

Nghệ nhân Origami Nguyễn Hùng Cường

"Bất cứ hình ảnh nào cũng có thể gấp được từ một tờ giấy vuông không cắt. Việc sáng tạo nên một mẫu gấp giống như giải một câu đố. Khi giải được câu đố đó, nhất là bằng cách giải hay, tôi cảm thấy cực kỳ hứng khởi", Cường bộc bạch.

Theo Cường, gấp Origami tốt cần khả năng tư duy, sự kiên nhẫn và khéo léo. Để tạo nên một tác phẩm đẹp, người gấp còn cần có khả năng quan sát và kinh nghiệm sống. Khi một ý tưởng lóe lên, Cường luôn cố gắng nắm bắt nó và hiện thực hóa thành tác phẩm.

Tác phẩm Origami phức tạp và mất thời gian nhất của Cường là tác phẩm Bọ cạp - rắn. Đó là hình một con bọ cạp với một con rắn quấn quanh đuôi.

Mẫu gấp phức tạp nhất mà Cường từng sáng tác là Bọ cạp và rắn

“Khi gấp, mình luôn chú trọng đến những chi tiết nhỏ và sự hài hòa với tổng thể. Việc gấp một chú đại bàng với đầy đủ lông cánh, móng vuốt hay một con cá mập với bộ răng sắc nhọn không phải quá khó với một người thiết kế Origami có kinh nghiệm. Cái khó nhất là làm sao tất cả những chi tiết đó hợp thành một tác phẩm cân đối, sống động khiến người xem chăm chú tới từng chi tiết. Để truyền tải được thông điệp của tác phẩm tới người xem, trước hết người gấp phải có một ý tưởng rõ ràng, kỹ thuật tốt để thể hiện ý tưởng đó. Khi hoàn thành tác phẩm, khâu sắp đặt bố cục và chụp hình tác phẩm hoàn thành cũng rất quan trọng, góp phần làm nổi bật điều mà người gấp muốn trình bày”, Hùng Cường chia sẻ.

Trong các tác phẩm Origami của Cường, sự khác biệt dễ thấy nhất là việc dùng chất liệu giấy dó để gấp. Anh tìm hiểu chất liệu này từ năm 2009. Giấy dó mỏng, dai nhưng không được mọi người chọn để gấp vì rất mềm. Đến năm 2012, Cường xử lý giấy dó bằng cách phết một lớp keo mỏng. Sau khi khô, giấy trở nên cứng hơn và giữ nếp tốt hơn nhiều. Kỹ thuật này anh biết được khi đọc sách và một số bài viết của tác giả trên thế giới.

Với giấy dó đã qua được xử lý keo, anh có thể gấp được rất nhiều tác phẩm đẹp, tạo hình tốt hơn nhiều loại giấy công nghiệp. Hầu hết các tác phẩm hiện tại của Cường đều được gấp từ giấy dó. Một nguyên nhân nữa khiến Cường sử dụng giấy dó vì muốn tăng thêm giá trị cho chất liệu giấy truyền thống của Việt Nam. Sau khi xem mẫu Origami của Cường, nhiều tay gấp của Việt Nam và thế giới cũng thử nghiệm với giấy dó nhiều hơn.

Khi các báo quốc tế giới thiệu tác phẩm của Hùng Cường, anh khiêm tốn nói: “Mình nghĩ việc các tác phẩm Oirgami của mình có mặt trên các trang báo nước ngoài là bước đầu cho thấy thế giới đã biết đến và trân trọng nghệ thuật Origami. Mình tự thấy những gì đạt được chưa là gì so với những nghệ nhân lớn trên thế giới. Mình phải luôn luôn tìm tòi, khám phá, thử nghiệm thêm nữa để nâng cao khả năng của bản thân”.

Tác phẩm Khỉ đột của Hùng Cường còn được nghệ nhân Origami nổi tiếng thế giới Robert J.Lang đánh giá là 1 trong 2 tác phẩm mà ông yêu thích nhất tại triển lãm của Hội Origami Mỹ (OUSA), Mỹ. Với Cường, điều đó là động lực rất lớn để anh tiếp tục công việc mình yêu thích.

Tác phẩm Khỉ đột của Cường được nghệ nhân hàng đầu thế giới Robert J.Lang đánh giá cao

Trong nhiều năm làm nghề, Hùng Cường thẳng thắn chia sẻ: “Thu nhập của công việc này không thể gọi là cao và ổn định. Các nghệ nhân Origami trên thế giới cũng rất ít người sống được bằng nghề này. Nhưng những thiết kế ứng dụng kỹ thuật gấp giấy Origami ngày một phổ biến. Do vậy, tiềm năng của bộ môn nghệ thuật này trong tương lai rất lớn. Mình có bán tác phẩm trong một số triển lãm ở nước ngoài và nhận đặt hàng của các cá nhân, công ty trong nước, nước ngoài. Mình và các bạn bè trong nhóm Origami Việt Nam (Vietnam Origami Group - VOG) đã cùng xuất bản 2 cuốn sách về Origami”.

Bạn đọc có thể xem thêm các tác phẩm Origami của Hùng Cường tại địa chỉ flickr.com/photos/blackscorpion.

THUẬN TÙNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chang-nghe-nhan-origami-viet-duoc-nhieu-bao-nuoc-ngoai-ca-ngoi-14116.html