Chàng kỹ sư 10 năm lên núi vận động xây trường cho trẻ

10 năm qua, chàng kỹ sư Nguyễn Bình Nam cùng những người bạn của mình miệt mài vận động các nguồn lực để 'thay áo' 13 điểm trường tạm cho trẻ em vùng cao.

“Ở đâu cũng có người khó khăn nhưng so với miền xuôi thì trẻ em miền núi khó khăn hơn bội phần. Có những bạn nhỏ mồ côi cha mẹ từ sớm, mấy anh em nheo nhóc dựa nhau sống. Nhiều em không có quần áo lành để mặc, không có vở để viết, phải học trong những lớp học tồi tàn, sập xệ.

Mình đã không thể ngăn được những giọt nước mắt khi nhìn thấy đám nhỏ chân trần, lem luốc ăn cơm với muối ớt nhưng đôi mắt lấp lánh vui sướng. Phải làm gì đây để giúp các con có điều kiện học hành tốt hơn? Đó là điều mà tụi mình đau đáu trong suốt một thời gian dài” – anh Nam bộc bạch.

Anh Nam hiện là chủ nhiệm của câu lạc bộ (CLB) Bạn thương nhau, thành lập năm 2010 với mục tiêu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào lũ lụt dọc dải đất miền Trung.

Tuy nhiên, từ năm 2013, CLB chuyển hướng, tập trung xây trường cho học sinh vùng hẻo lánh nhất với phương châm “Đi thật xa - Nơi thật khó - Đến tận nơi - Trao tận tay". Bởi trong lần tổ chức chương trình tết vùng cao tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), mọi người đều nhói lòng khi thấy một lớp học tạm bợ, xập xệ cheo leo trên triền núi. Lớp dựng bằng gỗ, lợp mái tôn thủng lỗ chỗ, nền đất lầy lội, bàn ghế cũ kỹ. Tấm bảng rách chia đôi, một bên dành cho lớp một, một bên của lớp hai.

“Mình tin bất cứ ai chứng kiến cảnh đó đều không thể làm cầm lòng. Nó ám ảnh và thôi thúc tụi mình phải làm một điều gì đó giúp các em. Và sau khi thảo luận, nhóm quyết định sẽ vận động xây dựng một điểm trường kiên cố tại thôn Nước Ui, xã Trà Mai để các con có điều kiện học hành tốt hơn” – anh Nam cho hay.

Dù gặp không ít khó khăn nhưng điểm trường đầu tiên đã hoàn thành trong gần 2 tháng với chi phí khoảng 200 triệu đồng.

Nhìn cô trò rạng rỡ trong lớp học mới, anh Nam nghĩ bụng, muốn thay đổi mảnh đất nghèo này cần phải bắt đầu từ những đứa trẻ. Mang đến một gói kẹo, một ký gạo hay cho họ 500 ngàn rồi cũng hết, quần áo mặc rồi sẽ cũ. Chi bằng tính cách để các em có điều kiện học hành tốt hơn, khi lớn lên, các em sẽ thay đổi nhận thức và từ đó đổi thay cuộc sống của chính mình.

Vậy là anh và CLB chuyển hướng lên vùng cao, vừa từng bước xóa điểm trường tạm, vừa tìm cách cải thiện cuộc sống cho giáo viên và học sinh nơi đây.

Tính đến nay, CLB đã xây mới 13 điểm trường khang trang ở những vùng khó khăn nhất ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình… Riêng năm 2017, nhóm đã vận động xây dựng được ba điểm trường kiên cố, trong đó có nơi được đầu tư hơn 500 triệu đồng. Ngoài phòng học, nhóm còn xây thêm phòng nghỉ, bếp và khu vệ sinh cho giáo viên. Số tiền này được vận động từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu thông qua mạng xã hội.

Anh Nam cho hay nếu xây một phòng học cấp bốn ở dưới xuôi chỉ mất khoảng hai tuần thì trung bình trên núi phải mất gần hai tháng. Một phần vì những cơn mưa rừng, một phần vì đường bị sạt lở, xe không đi được nên phải vận chuyển vật liệu xây dựng bằng sức người.

Trong đó, cực và nản nhất có lẽ phải kể đến điểm trường Ông Deo (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), mất gần một năm mới hoàn thành. Nhớ lại thời điểm đó, anh bảo, điểm trường ấy rất xa, mọi người phải “cõng” tôn, thép, gạch, cát… đi bộ gần hai tiếng, vượt qua hai, ba ngọn núi mới đến nơi. Nếu không có dân thì không thể làm được.

“Đường mòn rất nhỏ, một bên là vách đá, một bên là vực, xe không đi được. Mình mất một tháng để vận động người dân hỗ trợ, bốn tháng để mọi người gùi từng viên gạch, bao xi măng đến điểm tập kết”.

“Có thời điểm việc vận chuyển rơi vào bế tắc vì người dân đi vài ngày thì mệt, không đi nữa. Nhiều người rất nhiệt tình vì con cái họ sắp có nơi học hành tử tế, nhưng đi như vậy thì họ không có thời gian đi rừng, vợ con bị đói. Sau đó nhóm mình hỗ trợ thêm mỳ tôm, tiền cho bà con nhưng vẫn không ổn. Lúc này một số người đề nghị chuyển sang xây trường gỗ nhưng mình không đồng ý vì đã quyết thì sẽ làm đến cùng”- anh Nam cho hay.

Cuối cùng, điểm trường này cũng hoàn thành sau hai tháng khởi công. Hiện nơi đây có khoảng 70-80 học sinh, trong đó có 40 em tiểu học, còn lại là bậc mầm non. Sau khi xây dựng xong, anh vẫn thường xuyên giữ liên lạc với thầy, cô giáo tại các điểm trường để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Nhóm cũng thường đón các em học giỏi xuống phố chơi, dẫn các em đi tắm biển, ngắm cầu Rồng và mua quần áo mới.

Trong những năm qua, anh Nam và CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa dành cho thầy và trò như én nhỏ vùng cao, bữa cơm vùng cao, sữa cho trẻ em vùng cao, tủ sách vùng cao.

Nhóm còn bảo trợ, kịp thời giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có em Trần Xuân Hưng, học sinh lớp 6 ở Quảng Nam. Em Hưng dẫm phải bẫy sắt trong một lần vào rừng hái rau nhưng cha mẹ chủ quan, không đưa đi cấp cứu. Hưng nằm nhà, mê man suốt 10 ngày. Nhận được tin, anh Nam đã thông qua các mối quan hệ quen biết để đưa em đi cấp cứu tại BV Sản- Nhi Đà Nẵng.

“Em nhập viện trong tình trạng hôn mê nặng, mất nhiều máu, hai chân tím bầm, mất cảm giác. Bác sĩ tiên lượng rất xấu. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã đến sau 15 ngày kiên trì điều trị. Em Hưng đã có những phản xạ đầu tiên và nhận biết được cha mẹ. Những trường hợp này nếu ở TP thì xử lý rất đơn giản nhưng với các em vùng cao thì rất khó khăn”- anh tâm sự.

Ngoài các em nhỏ, cải thiện cuộc sống của những “người lái đò” ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhất miền Trung cũng là mục tiêu, động lực để các thành viên trong CLB hướng đến.

Anh kể, có cô giáo mới 24 tuổi, đang mang bầu nhưng ở tút hút trong núi, không điện, không sóng điện thoại. Vào đêm khuya nọ, cô vừa soạn xong bài thì bị động thai. 20 thanh niên trong bản được huy động để khiêng cô giáo đi cấp cứu. Trời tối, đường gập ghềnh đất đá, cô giáo nằm võng, hai người khiêng hai đầu. Cứ 5 phút lại đổi người khiêng, đi từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng thì đến trung tâm y tế xã. May mắn là cả cô giáo và đứa con trong bụng sau đó đều được an toàn.

Một trường hợp khác là người thầy giáo trẻ ở điểm trường biên giới Quảng Trị. Theo dự định, thầy chỉ đến công tác ở đây trong thời gian ngắn nhưng về sau đã xin ở lại vì tình cảm dành cho tụi nhỏ quá lớn.

“Mình nhớ điểm trường đó có khoảng 18 học sinh, thầy giáo mới 20 tuổi. Trước khi về xuôi nghỉ hè, mấy đứa nhỏ cứ níu tay thầy, nhao nhao hỏi thầy có lên với tụi con nữa không? Bạn ấy nghẹn giọng, hứa với tụi nhỏ là nhất định sẽ trở lại. Vì lời hứa ấy mà bốn năm liên tiếp thầy gắn bó với điểm trường này. Sau đó, bạn ấy có suất trở về xuôi nhưng đã từ chối để tiếp tục sứ mệnh gieo chữ tại các điểm trường dọc biên giới Quảng Trị cho đến giờ” – anh kể.

Chia sẻ thêm về thầy cô, anh Nam bảo dưới xuôi, 20, 21 tuổi, chúng ta bước chân ra khỏi nhà thì có quán cà phê, quán nhậu, có wifi để lướt web. Mấy ai biết rằng, ở những vùng xa xôi, hẻo lánh có biết bao người trẻ sẵn sàng hy sinh thanh xuân để mang con chữ đến với các em nhỏ.

Với họ, hạnh phúc đơn giản là khi thấy các em nhỏ biết đọc, biết viết, là lúc nhận được vài bó củi khô của đồng bào hay những bó rau rừng, hoa dại của học trò mỗi dịp 20-11.

Hào hứng, sôi nổi khi nói về CLB nhưng chàng kỹ sư điện người Đà Nẵng thường tỏ ra ngại ngùng mỗi khi kể về mình. Nói về cơ duyên đến với trẻ em vùng cao, anh Nam bảo hồi còn sống, mẹ anh là chủ tịch Hội khuyến học của phường. Hằng ngày, bà vẫn thường lọc cọc đạp xe đi vận động, xin sách vở cho học sinh khó khăn, học giỏi. Năm 2002, mẹ anh Nam mắc bệnh hiểm nghèo và phải cần đến một khoản tiền lớn cho các ca phẫu thuật.

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, một người bạn đã âm thầm chụp hình anh Nam đang chăm mẹ trong bệnh viện đăng lên Facebook để kêu gọi sự giúp đỡ. Và thật bất ngờ, chỉ trong thời gian ngắn, hình ảnh cảm động đó đã lan tỏa và nhận được sự chia sẻ rất lớn của cộng động mạng. Chi phí cho cuộc phẫu thuật nhanh chóng được giải quyết, chỉ tiếc rằng mẹ anh sau đó vẫn không thể qua khỏi.

“Mẹ nằm xuống, đúng lúc mình suy sụp thì rất nhiều người lạ đã đến an ủi và phụ lo mai táng cho mẹ khiến mình thực sự cảm động", anh nhớ lại.

Ngày đầu bắt tay vào việc xây trường, anh Nam đi rừng như cơm bữa. Mỗi khi biết điểm trường nào cần giúp đỡ, anh đều tranh thủ cuối tuần để trực tiếp đến xác minh. Có những chuyến đi anh và bạn của mình phải đối mặt với không ít nguy hiểm, thậm chí đánh cược bằng tính mạng.

“Đó là chuyến trao quà cho học sinh các điểm trường biên giới Quảng Trị. Lúc nhóm mình ra khỏi rừng thì đèn pin đã yếu, lương thực, nước uống không còn. Mọi người tách ra làm hai nhóm nhỏ rồi men theo đường mòn đi cho dễ. Một bên là vách núi, một bên là vực, ở giữa thì bùn lầy, đi phải chống gậy. Cả nhóm đang đi thì nghe thấy những tiếng cách rách. Rồi tiếng một người thất thanh: “Anh, chạy!”.

Chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng ai nấy dùng hết sức kéo nhau đi nhanh nhất có thể. Vài giây sau, một tảng đá to bằng chiếc ô tô từ trên cao lăn xuống đúng vị trí mà nhóm vừa bước qua, làm bay vạt đường xuống vực. 12 giờ đêm ra khỏi rừng mới biết mình còn sống, nhiều bạn xúc động chạy đến ôm nhau khóc. Đó là chuyến đi đầy cảm xúc, một kỷ niệm mà mình không thể nào quên. Sau lần đó mình rút ra kinh nghiệm là đi đâu cũng phải có lực lượng biên phòng đi cùng”- anh Nam kể.

Là thủ lĩnh của CLB Bạn thương nhau 10 năm qua, anh Nam bảo điều mừng nhất là bắt đầu thấy cuộc sống của các em nhỏ vùng cao được cải thiện nhờ sự quan tâm, chung tay của xã hội.

Anh tin tưởng, rồi mai đây sẽ có thêm nhiều điểm trường kiên cố ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên mọc lên thay thế cho những điểm trường tạm bợ, sập xệ. Các em nhỏ sẽ có thêm thịt, thêm sữa trong mỗi bữa cơm, có thêm quần áo mới trong những ngày đông giá lạnh.

Còn với riêng anh Nam, điều lớn nhất mà anh nhận được chính là niềm tin mà mọi người dành cho mình. Minh chứng là mỗi khi đăng bài vận động trên mạng xã hội, anh luôn nhận được sự chia sẻ, lan tỏa, ủng hộ của rất nhiều mạnh thường quân. Có những người anh chưa bao giờ biết mặt nhưng vẫn đều đặn gửi tiền ủng hộ để bữa cơm của các em có thêm thịt. Có những người vừa lãnh lương hưu đã chuyển toàn bộ tiền ủng hộ CLB.

Thực hiện: TÂM AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/emagazine/chang-ky-su-10-nam-len-nui-van-dong-xay-truong-cho-tre-921832.html