Chặng đường gian nan

Các nhà lãnh đạo châu Âu đặt thời hạn chót để thông qua các biện pháp cải cách Khu vực đồng euro (Eurozone) vào tháng 6 tới, nhưng tiến trình này dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. mới đây, Thủ tướng Đức A.Merkel đã đến Paris, thảo luận với Tổng thống E.Macron kế hoạch thổi làn gió mới cho Eurozone.

Các nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Đức A.Merkel tiếp tục dành ưu tiên cho những vấn đề của châu Âu. Thực tế cho thấy, bà Merkel luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng thúc đẩy các ý tưởng thay đổi vì một châu Âu đoàn kết và mạnh mẽ hơn. Thủ tướng Đức đặt mục tiêu, từ nay đến cuộc họp Hội đồng châu Âu diễn ra vào tháng 6 tới, Pháp và Đức sẽ kề vai sát cánh, đề xuất một lộ trình cải cách Eurozone rõ ràng cùng nhiều tham vọng.

Bà Merkel nhấn mạnh, mục đích của tiến trình cải cách là ổn định Eurozone, trong đó có việc thiết lập liên minh ngân hàng giữa 19 quốc gia thành viên và lên kế hoạch cho cơ chế bảo hiểm tiền gửi duy nhất. Nhất trí với ý tưởng “thay máu” Eurozone, Tổng thống Pháp Macron khẳng định, việc cải cách có vai trò quan trọng, trong bối cảnh châu Âu đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự kiện Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit và sự hiện diện ngày càng lan rộng của chủ nghĩa cực đoan. Ông Macron hy vọng, trách nhiệm và sự đoàn kết trong Eurozone sẽ được tái lập.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, dù chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề, giữa hai nhà lãnh đạo vẫn có những khác biệt. Về phần mình, Tổng thống Pháp mong muốn xây dựng một EU gắn kết sâu sắc hơn, theo hướng có những chính sách tài chính thống nhất và chặt chẽ. Ông Macron ủng hộ kế hoạch thiết lập ngân sách chung Eurozone và bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính khu vực. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của những sáng kiến nói trên, vì e ngại việc này có thể làm suy yếu các cường quốc trong khu vực. Nhiều chuyên gia lo ngại, những khác biệt chưa được giải quyết có thể gây cản trở tiến trình cải tổ mà hai nhà lãnh đạo hướng đến.

Bên cạnh đó, cái bắt tay giữa bộ đôi lãnh đạo quyền lực Pháp - Đức là chưa đủ để mang đến sự chuyển biến hoàn toàn cho Eurozone, bởi còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều giữa các nước thành viên về kế hoạch này. Mới đây, tám quốc gia thành viên EU đã ký một văn kiện chung phản đối các dự án cải tổ Eurozone, do Tổng thống Pháp khởi xướng. Theo đó, mặc dù ủng hộ nỗ lực thay đổi nhằm hoàn thiện liên minh ngân hàng, thiết lập quỹ tiền tệ chung châu Âu và tuân thủ các quy định về ngân sách, nhưng các quốc gia này không nhất trí với đề xuất của Pa-ri về ngân sách chung và Bộ trưởng Tài chính Eurozone.

Có thể thấy, cải tổ đang là vấn đề cấp thiết hàng đầu đối với Eurozone. Trên thực tế, ngay từ cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố tầm nhìn về cải tổ Eurozone. Tuy nhiên, những tháng qua, kế hoạch này vẫn chưa được thúc đẩy, một phần là do những bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới tại Đức, quốc gia có tiếng nói quan trọng đối với những cải cách chiến lược của EU.

Xu hướng ủng hộ cải cách Eurozone tiếp tục tăng, khi niềm tin vào sự phục hồi kinh tế khu vực đang ở mức cao nhất trong gần hai thập kỷ qua. Cụ thể, năm 2017, kinh tế Eurozone tăng trưởng 2,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất trong cùng thời điểm. Những thông tin lạc quan nói trên mang đến hy vọng kinh tế khu vực sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng những năm tiếp theo, song giới phân tích hoài nghi khả năng tăng trưởng bền vững của khu vực này, do những biến động kinh tế, chính trị của mỗi nước thành viên, nhất là sau sự kiện Brexit. Nền kinh tế Eurozone tăng trưởng tốt cũng gây sức ép, buộc các nhà hoạch định chính sách khu vực có những bước đi quyết liệt, nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương lai và tạo những cú huých mới duy trì sự thịnh vượng của khu vực.

Từ nay đến tháng 6 tới là khoảng thời gian khá gấp gáp để các nhà lãnh đạo khu vực thống nhất phương hướng cải cách Eurozone. Chặng đường sắp tới dự kiến sẽ nhiều gian nan, đòi hỏi sự kề vai sát cánh của các quốc gia thành viên, bởi hành trình tìm kiếm một thỏa thuận làm vừa lòng tất cả các bên không hề dễ dàng.

HIẾU THIỆN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/35969902-chang-duong-gian-nan.html