Nửa triệu một kg cần biển không nhãn mác, giới nhà giàu Việt xếp hàng nửa tháng chờ mua

Rau cần biển khô đang 'gây sốt' thị trường thực phẩm nhà giàu Việt với mức giá 500.000 đồng/kg. Điều đáng nói, muốn mua loại rau này không dễ, bởi phải chờ nửa tháng và rau không có tem hay bất kì nhãn mác nào.

Muốn mua rau cần biển phải chờ nửa tháng

Được nhiều người bán mệnh danh là sản phẩm tiến vua với đa dạng cộng dụng, rất tốt cho sức khỏe như có lợi cho hệ tiêu hóa, chống táo bón… Và nổi bật hơn cả là công dụng dưỡng thai cho bà bầu và hỗ trợ giảm cân, giữ dáng. Rau cần biển đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ những bà nội trợ. Tuy nhiên, muốn mua được loại rau này không dễ, phải chờ nửa tháng mới có hàng và người mua phải đặt trước tiền. Cùng với đó, rau cần biển đa số chỉ được bán trên chợ online.

Cần biển khô như rơm được bán với giá nửa triệu/kg - Ảnh NVCC.

Trên rất nhiều hội nhóm bán hàng online trang mạng xã hội Facebook, rau cần biển là một trong những mặt hàng rao bán gây được chú ý. Đây là loại rau được miêu tả với hình dạng “khô như rơm”, màu xanh nhợt. Nhưng khi mua về chế biến chỉ cần cắt khúc và ngâm với nước, rau sẽ nở ra tươi mới như chưa từng có dấu hiệu bị khô trước đó.

Theo chị Phạm Thanh Hải (Chủ nhân tài khoản Facebook Phạm Hải) – một người bán rau cần biển cho biết, đây là loại rau mọc ở ven bờ biển.

“Rau cần biển khó thích ứng với nước ngọt, có thân lá đôi. Tức là lá và thân là một và luôn chỉ có hai nhánh, có hình như một loại rễ củ. Thân lá mềm nhưng dai, có kích cỡ thường bằng ngón tay út hoặc có thể to hơn. Đó là ý do vì sao mà thân rau lúc trước lại nhìn vừa giống thân cây mềm, lại vừa giống rễ cây mọc dưới nước. Rau cần biển bán hiện nay là cần biển khô. Nhưng, chỉ cần rửa sạch, cắt khúc dài bằng 2 đốt ngón tay rồi ngâm nước 1 – 2 giờ là có thể chế biến thành đủ các món như cần biển xào thịt bò, nộm cần biển, gỏi cần biển”, chị Hải tư vấn.

Tuy nhiên, chị Hải cho biết, chị cũng không phải là người sản xuất ra rau cần biển hay tận tay sơ chế khô loại rau này. Bởi chị Hải cũng chỉ là một người đi buôn và nhập hàng từ nước ngoài về. Còn nhập cụ thể ở đâu chị Hải không tiết lộ.

Muốn mua được một túi rau cần biển của chị Hải thì người dùng phải đợi khoảng nửa tháng thì mới có hàng. Và giá chị Hải đang rao bán là 490.000 đồng/kg. Người mua phải đặt trước 300.000 đồng và số tiền còn lại khi rau về, chị Hải giao hàng sẽ thanh toán nốt.

Ngoài rau cần biển khô, trên thị trường còn bán rau cần biển muối với giá 100.000 đồng/túi. Ảnh NVCC.

Cũng giống như chị Hải, anh Nguyễn Thanh Thắng (Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội), chủ một cửa hàng bán rau sạch cũng là chủ tài khoản Thanh Thắng (bán online trên Facebook) cho biết, rau cần biển hiện tại ở Việt Nam không có mà hầu hết những người bán như anh Thắng phải nhập ở nước ngoài. Có thể từ Thái Lan, có thể từ Hàn Quốc. Ngoài việc bán rau cần biển khô với giá 500.000 đồng/kg, anh Thắng cũng có sản phẩm rau cần biển muối với giá bán 100.000 đồng/túi.

Anh Thắng cho biết: “Đây là loại rau không cần chất bảo quản. Bởi, đặc tính của nó người ta sẽ không sử dụng các chất bảo quản hay thuốc bảo vệ thực vật vì cây dễ sống, dễ thu hoạch và dễ bảo quản. Chính vì vậy, nhiều người gọi nó là rau sạch trong các loại rau nên tìm mua rau tiến vua nhiều để sử dụng. Hơn nữa, loại rau này cũng để được thời gian rất dài mà không lo sợ hỏng”.

Rau cần biển bán online không hề có tem, nhãn mác khiến người tiêu dùng bất an

Với mức giá đắt đỏ như vậy và phải chờ nửa tháng mới có hàng nhưng rau cần biển được bán trên thị trường online cũng không hề có tem, nhãn mác.

Theo đó, chị Mai Thị Thiêm (Trung Văn – Bắc Từ Liêm – Hà Nội) sau khi đợi chờ nửa tháng chị cũng mua được 2kg rau cần biển trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, khi nhận rau chị Thiêm khá bất ngờ và thất vọng. Bởi, chị Thiêm nghĩ rằng, với mức giá đắt đỏ như rau cần biển và mất công đợi chờ lại được quảng cáo là hàng ở nước ngoài thì phải được đóng hộp hay ít nhất cũng đóng túi có nhãn mác. Ai ngờ, sản phẩm chị Thiêm nhận được là một chiếc túi nilon với 1 bó rau cần biển khô như bó rơm.

“Mình định mang đi biếu người quen 1kg, nhưng mà khi nhận được hàng thấy để nguyên trong túi nilon mà không có tem nhãn mang đi biếu cũng ngại. Thế nên, đành để ở nhà ăn dần và mua sản phẩm khác để đi biếu. Thực ra, mình đã chế biến món rau cần biển xào thịt bò ngay sau khi mua. Đúng như lời giới thiệu, rau nở ra như chưa hề có dấu hiệu của phơi khô. Ăn rất ngon, giòn, sần sật và hợp khẩu vị của mọi người. Nhưng mình cũng rất lo ngại, với việc rau không bao bì, nhãn mác như vậy có sợ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trà trộn không. Ăn thì ngon nhưng vừa ăn vừa lo”, chị Thiêm nói.

Rau cần biển được tư vấn trên mạng xã hội Facebook không có tem nhãn, nguồn gốc - Ảnh chụp màn hình.

Cũng tâm lý như chị Thiêm, bà Nguyễn Thị Bình (Giáp Bát – Hoàng Mai – Hà Nội) khi nghe được quảng cáo rau cần biển tốt cho phụ nữ mang thai bà đã mua về cho con dâu đang mang bầu cháu đích tôn dùng thử. Nhưng sau khi người bán chuyển rau đến nhà thì bà không dám cho con dâu ăn vì lo sợ nguồn gốc không rõ ràng.

“Phụ nữ mang thai là phải được bảo vệ tối đa về sức khỏe, tôi ban đầu không hỏi kĩ, cứ nghĩ là rau nhập khẩu sẽ có tem truy nguồn gốc. Nhưng đến khi người ta mang đến lại thấy chỉ có một túi nilon với bó rau khô. Thế nên cũng không dám cho con dâu ăn. Với lại, hàng mua trên mạng ăn rồi có làm sao biết đâu mà tìm?”, bà Bình nói.

Dù rằng công dụng của cần biển có tốt như thế nào đi chăng nữa, nhưng người tiêu dùng vẫn nên cẩn trọng và mua sản phẩm có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017 của Chính phủ thì ngoại trừ những hàng hóa như: Bất động sản; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa;... còn lại thì tất cả hàng hóa còn lại bắt buộc phải có nhãn hàng hóa.

Vấn đề xử phạt đối với hành vi bán hàng nhà làm không có nhãn mác được quy định tại Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
a) Hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa;
b) Hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng không ghi nhãn hàng hóa;
c) Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo;
d) Hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa.
2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa theo đúng quy định đối với vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Căn cứ đưa ra các mức xử phạt như trên dựa theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CPnhãn hàng hóa.
Cụ thể là ngoại trừ những hàng hóa như: Bất động sản; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa;... còn lại thì tất cả hàng hóa còn lại bắt buộc phải có nhãn hàng hóa.

Hoàng Dương

Nguồn Dân Việt: http://vietq.vn/nua-trieu-mot-kg-can-bien-khong-nhan-mac-gioi-nha-giau-viet-xep-hang-nua-thang-cho-mua-d133049.html