Chàng bếp phó bỏ phố lên Đà Lạt dựng nhà

Trà Văn An quyết định từ bỏ công việc gắn bó suốt 6 năm ở TP.HCM để thực hiện ước mơ của mình trên vùng đất cao nguyên.

“Trước khi lên Đà Lạt tôi làm vị trí bếp phó cho một nhà hàng ở TP.HCM”, Trà Văn An (1993) bắt đầu câu chuyện của mình bằng một quyết định có phần liều lĩnh - xin nghỉ việc giữa mùa dịch.

An quyết định từ bỏ công việc gắn bó suốt 6 năm để theo đuổi ước mơ của mình. Ảnh: NVCC.

An quyết định từ bỏ công việc gắn bó suốt 6 năm để theo đuổi ước mơ của mình. Ảnh: NVCC.

Nghỉ việc, về rừng

Đầu năm 2020, dịch Covid -19 khiến ngành du lịch và dịch vụ rơi vào khủng hoảng. Các nhà hàng gặp không ít khó khăn, công việc của An ảnh hưởng không ít. Sau một thời gian suy nghĩ, An quyết định nghỉ việc để tìm một cơ hội mới.

“Tôi nghĩ tới Đà Lạt. Hồi mới đi làm tôi đã có ý định sẽ lên Đà Lạt làm việc vì thích thiên nhiên và không khí ở đó. Nhưng mọi người khuyên còn trẻ thì nên ở thành phố làm việc, lấy kinh nghiệm. Sau 6 năm đi làm, tôi đã đủ tự tin để thực hiện ước mơ riêng”, An tâm sự.

An dùng số tiền dành dụm sau nhiều năm để làm một homestay kết hợp với đam mê nấu nướng. Xa gia đình từ năm 13 tuổi, An vốn quen với việc sống tự lập và tìm kiếm cơ hội cho mình, dẫu vậy chuyện khởi nghiệp ở một vùng đất mới có không ít thử thách. An bảo Đà Lạt nhiều cơ hội mà cũng lắm gian nan.

“Mọi người nhìn bên ngoài thì nghĩ làm homestay chắc là 'chill' lắm, thảnh thơi lắm. Không sai, nhưng không hoàn toàn đúng”, An nói.

Không đơn thuần là mang tiền đi thuê căn nhà rồi trang trí, chỉ trong 10 ngày đầu lên Đà Lạt, An ốm xuống 5 kg, đôi lúc căng thẳng không thể ngủ được.

“Phải đóng bếp, sửa nhà, sơn nhà, hốt xà bần, dọn nhà, giặt đồ... tự tay làm hết. Ngày xưa làm bếp trải qua rất nhiều áp lực nhưng áp lực lần này gấp mấy lần như vậy”, Văn An kể.

Mất một tháng công việc mới đi vào nề nếp.

An dành 1 tháng để sửa chữa và trang trí cho căn nhà.

Dựng nên một căn nhà khó, duy trì căn nhà càng khó. Trước đây chỉ việc chuyên tâm vào việc nấu món ăn ngon cho thực khách, bây giờ làm quen với việc thức khuya dậy sớm đón khách, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho khách mỗi khi ghé nhà.

“Sau tất cả những gian nan ban đầu, là lúc được sống những ngày thật vui", An cười nói.

"Mỗi ngày gặp gỡ, làm quen với những con người mới, được tự đi chợ nấu những món mình thích. Khi mình hết lòng với mọi người cũng là lúc nhận lại điều tích cực”.

Giữ gìn Đà Lạt

“Mùa dịch đúng là gian truân, nhưng cũng vui. Có thời gian thư giãn, trang trí lại nhà, đi loanh quanh Đà Lạt hay mấy nơi lân cận”, An kể.

“Chủ nhà gọi bảo không thu tiền nhà trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, trong khi tôi chưa hề than hay nài nỉ gì. Rồi bạn bè giúp đỡ rất nhiều, thường xuyên sang nhà để phụ giúp”, theo Văn An, bước qua gian khó, mới càng thấy trân trọng tình cảm người với người.

Những vị khách cũng như người thân đến thăm nhà.

Điều khiến An cảm thấy buồn nhất là Đà Lạt ngày càng bị mất chất. “Thành phố dần mất đi vẻ đẹp của thiên nhiên. Chỗ nào cũng đua nhau “ngoại hóa”, “tây hóa”, từ vườn Nhật, cổng trời Bali đến phố Hong Kong... nhưng thật ra giá trị cốt lõi của Đà Lạt là rừng thông, là thiên nhiên trong lành”, An nói.

Chính vì vậy An luôn cố gắng xây dựng căn nhà của mình thật gần gũi để mỗi vị khách đến đều cảm nhận được không khí bình yên của phố núi. Vốn là một đầu bếp, nên An chăm sóc bữa ăn cho khách chu đáo, nếu có thời gian anh còn đồng hành cùng khách đến các điểm vui chơi ở Đà Lạt, mọi người gặp gỡ nhau như những người thân trong gia đình, chứ không đơn thuần là điểm lưu trú.

“Ngày trước đi Thái, tôi cảm nhận họ làm du lịch rất hay, thực tế và hữu ích. Du lịch ở mình thì hay bị khôn lỏi, nhiều lúc còn lừa gạt. Tôi cảm thấy làm gì cũng phải có tâm, thì mới bền vững”, An nói.

Toàn Nguyễn

Ảnh: Trà Văn An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chang-bep-pho-bo-pho-len-da-lat-dung-nha-post1200234.html