Chặn trục lợi chính sách Người có công

Với quyết tâm bảo đảm công bằng trong thực hiện chế độ cho nạn nhân da cam dioxin 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 43 – CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam'.

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 43, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã tích cực tham gia tạo thế chân kiềng chặt chẽ, nhờ đó việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Bài 1: Dấu ấn từ việc triển khai Chỉ thị

Nhờ triển khai tốt Chỉ thị 43, Hải Phòng đã giải quyết triệt để hơn 6.000 hồ sơ tồn đọng.

Nhờ triển khai tốt Chỉ thị 43, Hải Phòng đã giải quyết triệt để hơn 6.000 hồ sơ tồn đọng.

Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam nhiều năm nay đã được toàn xã hội quan tâm, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả thiết thực.

Đột phá từ sự phối hợp

Hải Phòng, mảnh đất chịu nhiều đau thương của chiến tranh khi có hơn 17.000 người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam, trong đó có hơn 10.000 người hoạt động kháng chiến, 6.664 người là con đẻ của họ. Chiến tranh đã đi qua, hòa bình lập lại nhưng nỗi đau da cam vẫn sẽ mãi đeo bám những người con đất Cảng đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho bình yên của Tổ quốc.

Thấu hiểu nỗi đau đó, công tác chăm sóc và công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị khám giám định cho những người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học rất được Hải Phòng quan tâm.

Đặc biệt là khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 43, Thành ủy, HĐND TP, UBND TP Hải Phòng đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các sở ngành, cơ quan, địa phương, thực hiện công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị khám giám định cho những người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học.

Kết quả thực hiện Chỉ thị số 43 cho thấy: Chỉ trong 2 năm 2015, 2016, thành phố đã giải quyết gần 6.000 hồ sơ tồn đọng của nhiều năm trước; năm 2017 những hồ sơ nào có đủ điều kiện thì đều được giám định, đến tháng 3/2018 toàn bộ những hồ sơ tồn đọng đều đã được giải quyết dứt điểm.

Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra những đối tượng hưởng không đúng đã bị loại khỏi danh sách, những khiếu kiện của người dân xung quanh việc làm hồ sơ NCC đều được giải quyết triệt để. Đến nay, Hải Phòng là tỉnh duy nhất đã giải quyết xong không để tồn đọng về hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Có được kết quả trên, theo Đại tá Nguyễn Hữu Ý- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hải Phòng, khi có Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương và Thông tri số 22-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy với quyết tâm giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng, UBND TP đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm MTTQ TP, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ngành y tế và ngành LĐTB&XH.

Theo đó các thành viên tham gia Ban Chỉ đạo cùng phối hợp đề xuất các phương thức giải pháp triệt để hồ sơ tồn đọng. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, việc giám định y khoa cho các đối tượng được đẩy mạnh. “Nếu như trước đó mỗi năm chỉ tiến hành giám định y khoa được 2 đợt với số lượng từ 100 đến 200 hồ sơ thì nay mỗi tháng tiến hành 2 đợt giám định y khoa với số lượng 200 hồ sơ. Chỉ sau 2 năm triển khai Chỉ thị số 43, toàn bộ hơn 6.000 hồ sơ tồn đọng đều được giải quyết dứt điểm, không có bất cứ một khiếu kiện nào của người dân xung quanh việc giám định y khoa đối với những hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học” – Đại tá Nguyễn Hữu Ý cho biết.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Ý, bên cạnh việc rà soát hồ sơ tồn đọng thực hiện Chỉ thị số 43, việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách cũng được Hội triển khai có hiệu quả. Theo đó, thành phần Ban giám sát gồm có Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, MTTQ và Sở LĐTB&XH. Trong quá trình giám sát còn tuyên truyền, vận động nguồn lực xã hội hóa cùng chia sẻ với nỗi đau da cam. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam. Các cấp chính quyền đã thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách theo quy định đối với nạn nhân da cam, giải quyết những khó khăn, quan tâm tạo điều kiện cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoạt động thuận lợi.

Còn không ít trăn trở

Không riêng gì Hải Phòng đánh giá việc triển khai Chỉ thị số 43, báo cáo của Ban Dân vận Trung ương cũng khẳng định, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 43, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Công tác quản lý nhà nước, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả thiết thực. Hệ thống văn bản lãnh đạo được ban hành kịp thời, tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Đáng ghi nhận trong quá trình triển khai Chỉ thị số 43 sự phối kết hợp giữa ngành chức năng với MTTQ, Hội Nạn nhân da cam ngày càng chặt chẽ nhờ đó đã tháo gỡ được những khó khăn trong việc giải quyết những khúc mắc của NCC.

Đơn cử như tỉnh Nam Định trong 2 năm 2016-2017 đã giải quyết được 1.526 trường hợp, tỉnh Thanh Hóa trong 3 năm (2016-2018) đã giải quyết được 2.532 trường hợp. Bên cạnh đó công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ đối tượng hưởng sai, đình chỉ hưởng chế độ chính sách, thu hồi số tiền cũng được xử lý triệt để lấy lại niềm tin cho người dân.

Tuy nhiên, báo cáo của Ban Dân vận cũng cho biết, công tác tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị 43 của một số cấp ủy, tổ chức đảng và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cơ sở chưa sâu sắc, toàn diện, thường xuyên và chưa kịp thời, có nơi còn hình thức.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành của địa phương trong chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam vẫn chưa đồng bộ. Hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vẫn còn tồn đọng nhiều, chưa được giải quyết ở một số địa phương.

Công tác quản lý nhà nước về nạn nhân chất độc da cam, nhất là trong thẩm định, giám định thực hiện chế độ, chính sách một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn để lọt đối tượng không đúng quy định để hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thực tế cũng minh chứng trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu của họ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.

Hằng năm, Nhà nước đã dành hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ người dân những vùng đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Hiện có gần 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Song bên cạnh đó tình trạng trục lợi chính sách vẫn còn tồn tại và gây bức xúc dư luận đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-dan/chan-truc-loi-chinh-sach-nguoi-co-cong-tintuc439023