Chân trời mới và những đổi thay bắt buộc

Giữa tháng 2, việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam với số phiếu thuận áp đảo đã mang lại một làn gió tích cực trong giai đoạn cả xã hội chất chứa nhiều âu lo về dịch Covid-19.

Ý nghĩa chiến lược của EVFTA đối với EU

Theo nhiều đánh giá, việc ký kết 2 hiệp định này sẽ mở ra chân trời mới đối với kinh tế Việt Nam. Song, ở chân trời mới ấy, chúng ta cũng sẽ phải tập quen dần với những quy tắc bắt buộc và đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi triệt để.

Việc phê chuẩn 2 hiệp định kể trên cho thấy EU coi trọng thị trường Việt Nam như thế nào và đánh giá Việt Nam thực sự là một đối tác chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở khu vực Đông Á, Việt Nam là quốc gia thứ tư (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore) là đối tác được EU lựa chọn cho EVFTA và EVIPA.

Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam. Ảnh: L.G.

Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam. Ảnh: L.G.

Tỉ lệ bỏ phiếu là: 401 ủng hộ, 192 chống và 40 phiếu trắng.

Nếu ở phiên họp vào tháng 5 tới đây, Quốc hội Việt Nam thông qua và phê chuẩn, 2 hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7. Và song hành với nó, chắc chắn chúng ta cũng sẽ phải có những thay đổi rất lớn chứ không chỉ đơn thuần là các mốc gỡ bỏ dần hàng rào thuế quan như cách nhìn đơn giản.

Ngoài những điều chỉnh trong Luật Lao động mà chúng ta đã thông qua ở phiên họp Quốc hội hồi tháng 11-2019 để phù hợp với Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, chắc chắn sẽ còn rất nhiều thứ mà chúng ta còn phải đáp ứng trong cuộc chơi tay đôi sòng phẳng này. Phía EU chắc chắn sẽ thành lập các đơn vị giám sát các tiêu chuẩn và do đó, khó có thể nào Việt Nam thực hiện những thay đổi theo kiểu hình thức.

Chúng ta xưa nay vẫn thường có tâm lý háo hức trước các cơ hội mới, cơ hội lớn nhưng quên mất rằng trong các quan hệ song phương kiểu này, không ai cho không ai cái gì cả. Chúng ta có thể có được những lợi ích khi tham gia vào Hiệp định EVFTA và EVIPA nhưng phía bạn cũng phải đòi hỏi lại những lợi ích cho họ. Những đòi hỏi ấy có thể tạo ra sức ép lên cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp Việt Nam, buộc chúng ta phải đổi mới quyết liệt. Bằng không, chúng ta sẽ không thể khai thác được lợi ích trong khi phần lợi ích chủ yếu của EVFTA và EVIPA sẽ chạy về phía EU.

Chính phủ đã có những thay đổi thực sự để phù hợp với yêu cầu của cuộc chơi, mà như nói ở trên, cụ thể là việc điều chỉnh Luật Lao động. Điển hình nhất và nổi bật nhất chính là việc chấp thuận thành lập công đoàn độc lập trên phương diện cơ sở mà không cần phải liên kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng, những động thái của một mình Chính phủ là chưa đủ. Chính các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi, phải nghiên cứu thực sự chứ không chỉ hời hợt cho rằng việc tham gia EVFTA và EVIPA sẽ giúp xuất khẩu sang EU tăng trưởng đáng kể.

Cơ bản nhất trong các đòi hỏi của cuộc chơi EVFTA và EVIPA mà các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm đến trước mắt chính là điều kiện lao động, môi trường lao động, sở hữu trí tuệ, bảo hộ xuất xứ hàng hóa. Tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU xưa nay vẫn khắt khe và nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã trải nghiệm sự khắt khe ấy nhưng sau khi ký kết EVFTA và EVIPA, các tiêu chuẩn ấy sẽ còn khắt khe hơn nữa bởi sự giám sát từ phía bạn.

Đơn cử, chỉ cần họ phát hiện một doanh nghiệp sử dụng lao động vị thành niên, sử dụng lao động không có hợp đồng lao động hoặc không có các biện pháp bảo hộ an toàn lao động đúng theo tiêu chuẩn, chắc chắn cả ngành hàng ấy sẽ bị ảnh hưởng chứ không chỉ một doanh nghiệp đơn thuần.

Tuân thủ luật sở hữu trí tuệ và các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng là một đòi hỏi hàng đầu.

Ngoài ra, tuân thủ luật sở hữu trí tuệ và các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng là một đòi hỏi hàng đầu. Mà chúng ta đều biết có một thực tế tồn tại là nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, vẫn còn chưa có ý thức tốt về sở hữu trí tuệ. Tình trạng vô tình vi phạm luật sở hữu trí tuệ vẫn xảy ra khá thường xuyên và đây hoàn toàn có thể là lý cớ để phía EU đưa ra những “án phạt” trong cuộc chơi tay đôi sòng phẳng này.

Một lĩnh vực khác mà chúng ta càng phải quan tâm chính là cơ chế đấu thầu nhà nước. Thực tế, EU không còn nhiều dư địa phát triển ở lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng nên thị trường đầu tư công ở Việt Nam đang là miếng bánh béo bở mà nhiều doanh nghiệp EU để mắt tới. Trong khi đó, cơ chế đấu thầu nhà nước của Việt Nam xưa nay vẫn mang tiếng là thiếu minh bạch và bị lũng đoạn bởi tham nhũng, lợi ích nhóm.

Khi ký kết EVFTA và EVIPA, cuộc chơi đã không còn ở “vườn nhà” của chúng ta nữa mà nó sẽ có sự tham gia của các “tay chơi EU”. Với họ, tính minh bạch, sự công khai trong đấu thầu là điều kiện tiên quyết. Nếu các gói thầu đầu tư công được mở bán với toàn bộ sự minh bạch, công khai như thế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là gì?

Công nghệ chúng ta khó có thể bằng các đối tác EU. Tài chính chúng ta cũng khó có thể ganh đua cùng họ. Vậy thì ngoài yếu tố nhân công giá rẻ, chúng ta còn lại gì? Và nên nhớ, nếu coi nhân công giá rẻ là một lợi thế thì lợi thế ấy phía bạn cũng có thể tận dụng khi họ thuê chính nhân công Việt Nam tham gia các gói thầu mà họ theo đuổi.

Rõ ràng, ở chân trời mới này, chúng ta cũng phải chơi theo kiểu mới, với những lề luật mới, cách thức mới. Nếu ký kết EVFTA và EVIPA, luật chơi sẽ được áp dụng rất sớm chứ không phải theo từng dấu mốc tiến độ gỡ bỏ hàng rào thuế đơn thuần. Và, muốn thay đổi mình để phù hợp với sân chơi khá ngộp thở này, các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu thật kỹ từ bây giờ.

Lực lượng chuyên gia kinh tế, thương mại am hiểu về EVFTA và EVIPA ở Việt Nam không thiếu và do đó, tham vấn các chuyên gia này để tự thân các doanh nghiệp thiết kế lại “đội hình” cũng như “quy trình” của mình là việc cần phải được làm ngay từ bây giờ. Không có thời gian cho bất kỳ sự chờ đợi lần lữa nào cả bởi việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hai hiệp định kể trên trong phiên họp tháng 5 tới đây là khá rõ ràng. Lúc ấy mới bắt đầu quan tâm đến việc học luật chơi e rằng đã quá muộn.

Và trong bài viết này cũng mới chỉ nói được phần “váng” của vấn đề mà thôi. Phần sâu xa và cốt lõi hơn còn phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi những ý kiến tư vấn của những chuyên gia hàng đầu, những người đã góp phần không hề nhỏ trong suốt nhiều năm qua cho việc chuẩn bị sân chơi EVFTA và EVIPA mà tất cả chúng ta đều đang vô cùng háo hức này.

Đan Hà

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/chan-troi-moi-va-nhung-doi-thay-bat-buoc-585744/