Chặn tình trạng lợi dụng điều chỉnh đất để 'tư túi'

Đó là một trong những vấn đề quan trọng được đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) chỉ ra khi góp ý về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020 hôm qua (1/4).

Theo đại biểu (ĐB) Hoàng Việt Phương, trong 5 năm qua, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, xã hội, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, hiệu quả hơn, bảo vệ được cảnh quan môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, ĐB Phương cũng chỉ ra việc sử dụng đất như việc quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành, chưa đảm bảo tính liên vùng và chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm, tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Theo ĐB Phương, nhiều nơi lợi dụng việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để làm lợi cho cá nhân hay một nhóm người. Một số nơi do nôn nóng trong phát triển công nghiệp muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên đã cho phép thu hồi san lấp mặt bằng, một lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, sau đó do thiếu vốn nên các dự án thực hiện cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang trở thành dự án treo. Từ đây, người bị tịch thu đất mất việc làm dẫn đến lãng phí nguồn lao động và tài nguyên đất đai.

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu kiện đông người diễn ra trong một thời gian dài gây nên tình trạng mất ổn định về an ninh, chính trị, trật tự và an toàn xã hội”, ĐB Phương nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, ĐB Phương đề nghị cần có giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt coi trọng dự báo chính xác về nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, các lĩnh vực, tính toán khoa học sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phải cần cân nhắc giữa hiệu quả kinh tế - xã hội với môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong sử dụng đất, phát huy cao nhất tiềm năng đất đai.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ với giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất cho lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng xã hội như văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao... một cách phù hợp để nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, phù hợp với tiêu chí của một nước phát triển.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/chan-tinh-trang-loi-dung-dieu-chinh-dat-de-tu-tui-268281.html