Chặn thực phẩm bẩn vào trường học

Những ngày gần đây, dư luận cả nước hoang mang trước vụ việc 1.557 cháu học tại Trường Mầm non Thanh Khương và một số xã khác trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được gia đình đưa đến các bệnh viện tại Hà Nội để làm xét nghiệm sán lợn. Theo thông tin mới nhất, tổng số ca dương tính với sán lợn đã lên tới 186 trường hợp.

Trẻ mầm non ở Bắc Ninh được cha mẹ đưa về các bệnh viện tại Hà Nội để khám, xét nghiệm xem có bị nhiễm sán lợn hay không. Ảnh: Tienphongonline

Trẻ mầm non ở Bắc Ninh được cha mẹ đưa về các bệnh viện tại Hà Nội để khám, xét nghiệm xem có bị nhiễm sán lợn hay không. Ảnh: Tienphongonline

Điều đáng nói những trường hợp nghi nhiễm và bị nhiễm sán lợn đều là học sinh 16 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành được Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành cung cấp thực phẩm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu công an khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm để đảm bảo quyền lợi của học sinh, phụ huynh.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện ổ dịch sán lợn lớn. Tuy nhiên, điều khiến dư luận hết sức bất bình, đòi hỏi phải có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề dịch bệnh len lỏi vào bếp ăn trường học. Thậm chí có ý kiến đề nghị khởi tố công ty cung cấp thực phẩm bẩn và lãnh đạo các trường học để xảy ra vi phạm trên. Bởi vụ việc ở Bắc Ninh như “giọt nước làm tràn ly” khi mà trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ thực phẩm bẩn gây rúng động dư luận.

Cũng tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 15 đến ngày 20-11-2018, 209 trẻ mầm non và 3 giáo viên Trường Mầm non Xuân Nộn nhập viện điều trị vì triệu chứng sốt cao, buồn nôn sau khi ăn bánh ngọt do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát (phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh) sản xuất. Sau khi tiến hành xét nghiệm, cơ quan y tế đã xác định nguyên nhân là do vi nhiễm Salmonella tub 2 trong bánh ngọt. Điều đáng nói, kiểm tra thực tế hoạt động của công ty trên, các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở không bảo đảm...

Một câu hỏi đặt ra từ các bậc phụ huynh là bằng cách nào thực phẩm bẩn xâm nhập vào học đường khi các nhà trường ký hợp đồng với các đơn vị đều có đầy đủ chức năng cung cấp thực phẩm sạch? Các trường đều có cán bộ chuyên trách quản lý, giám sát thực phẩm cung cấp cho bữa ăn của học sinh hằng ngày sao không phát hiện được thực phẩm bẩn?

Câu trả lời nằm ở chỗ các trường đã quá tin tưởng vào công ty cung cấp thực phẩm, nên không thường xuyên kiểm tra, giám sát tận nơi sản xuất. Thực tế, các nhà trường mới dựa vào hóa đơn, chứng từ để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Tuy nhiên, cán bộ nhà trường không thể ngày nào cũng cử người đi theo công ty cung cấp thực phẩm để kiểm tra, xem hàng được nhập ở đâu.

Hơn nữa, nhiều trường học không có phương tiện kỹ thuật để phát hiện ra các đơn vị cung ứng thực phẩm làm ăn gian dối, nếu họ dùng thủ đoạn trộn lẫn thực phẩm không rõ nguồn gốc với thực phẩm sạch để đưa vào nhà trường và vẫn có hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm sạch. Thế nên, hầu hết các vụ ngộ độc, vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm xuất phát từ các doanh nghiệp cung cấp hám lợi, cố tình tuồn thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc vào bếp ăn tập trung.

Thiết nghĩ, để chặn đứng thực phẩm bẩn tuồn vào trường học cần có sự vào cuộc của phụ huynh, nhà trường và của toàn xã hội, đặc biệt các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện những vụ việc sai phạm của các công ty cung cấp thực phẩm vào trường học và kiên quyết xử lý nghiêm để cảnh tỉnh những đơn vị làm ăn gian dối. Đồng thời, các trường cũng phải cẩn trọng khi ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín và chủ động kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm đưa vào trường học.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chan-thuc-pham-ban-vao-truong-hoc/