Chân thân - Những điều chiêm nghiệm

Bìa tập thơ Chân thân do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành

Bìa tập thơ Chân thân do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành

Chân thân là tập thơ thứ 8 của nhà thơ Trần Ngọc Tuấn và là tập thơ thứ 3 nhà thơ sáng tác dưới ngọn bạch lạp Thiền học.

Thú vị làm sao khi được về sống giữa thiên nhiên nguyên sơ, thơ mộng, trong lành, với tình cảm ấm áp: “Ngôi nhà bên suối/ Tịch liêu/ Một vầng trăng sáng/ Thương yêu bên thềm” (Về). Cảnh sắc trong thơ Chân thân là những cảnh sắc vẻ đẹp thanh tịnh, là môi trường sống lý tưởng, tuyệt đối trong lành, tuyệt đối yên tĩnh, thoát mọi bon chen, tục lụy, ở nơi “hoa bay cùng người”, nơi tâm hồn tỏa hương thơm “Hương tâm/ Dịu nỗi có không kiếp người”. Là một lối sống ung dung, tự tại: “Vàng bay/ cánh bướm vời hoa. Suối sông tự tại bài ca núi rừng”. Sự thanh sạch của tâm hồn chính là tiên cảnh của con người.

Nhưng Chân thân không phải hoàn toàn thoát ly, xa cách với “phàm trần”, thi sĩ đã chỉ ra một lối đi, một phương cách sống: “Lang thang trong cuộc lữ hành/ Con đường trung đạo đã thành lối quen” (Trung đạo). Trung đạo là con đường, hướng đi trong cuộc đời. Nên đi con đường có lợi cho mình nhưng cũng phải đem lại phúc lợi cho người khác, tránh những ham mê thái quá đắm chìm trong dục lạc, trong những thú vui hạ đẳng, phàm phu và tránh cả sự tu hành khổ hạnh.

Kiếp người, kiếp cỏ cây cũng khó nhọc lắm! “Đi trong hoang vắng cỗi cằn/ Thương cho cây cỏ nhọc nhằn tử sinh”(Thương). Sống trọn một kiếp người cho thư thái đối với thập loại chúng sinh cũng chẳng phải dễ dàng gì. Họa chăng, nên bớt những ham hố, tranh chấp tàn bạo. Sống chậm, bình tâm hơn, hòa đồng với thiên nhiên, bầu bạn với thiên nhiên. Cái Đẹp trong đời là hết sức mong manh, cái Đẹp chỉ là thoáng hiện: “Vừa qua một giấc mơ hoa/ Ô hay chớp mắt người qua sông rồi” (Ngày đẹp). Dịp may, cơ hội không trở lại hai lần trong đời: “Chim bay/ Chim đã bay rồi/ Đừng mong tiếng hót/ Trên đồi quạnh hiu" (Dõi cánh chim bay). Nhớ về thuở còn xanh làm chi khi phẩm chất, danh dự đã không còn: “Tội nghiệp người/ Ngồi nhớ thuở còn xanh”. Thương cho những tham vọng, sân si: “Bên dòng sông cạn/ Sao còn buông câu?”. Buồn cho những phận đời “lơ ngơ đào kép”. Khép màn rồi, vãn tuồng rồi lại thương chính mình “buồn buồn xướng ca”…

Ngôn ngữ thơ trong Chân thân cô đúc, chọn lọc, kiệm lời, nén chữ. 48 bài thơ trong tập duy nhất có một bài 12 câu, còn lại là thơ 2 câu và 4 câu, có một vài bài thơ 5, 6 câu thực chất chỉ là thơ 2 câu, 4 câu ngắt nhịp cho bật lên ý thơ muốn chuyển tải. Nhiều bài thơ đặc sắc ở sự chọn từ, ngắt nhịp hiệu quả. Nhiều câu chữ sáng lên trong nhịp thơ. Tác giả nén lại, chưng cất tuyệt đối chữ nghĩa. Những bài thơ ngắn, rất ngắn nhưng lại nói được nhiều điều, nhiều ý tứ sâu xa. Nhiều chữ dùng đắt, ví dụ: “Mặc thu vàng lá. Mặc đông buốt chiều”. “Thu vàng lá” thì bình thường nhưng “đông buốt chiều” đã là cả một sự dụng công nghệ thuật.

Đôi cánh của nghệ thuật thơ chở những điều chiêm nghiệm cả một đời, của nhiều đời, nhiều kiếp con người tới với con người hôm nay.

Đàm Chu Văn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201912/chan-than-nhung-dieu-chiem-nghiem-2979615/