Chân sút và câu chuyện… bữa ăn

Khi mà dinh dưỡng trong từng bữa ăn đã trở thành điều đương nhiên với các nền bóng đá phát triển trên thế giới, thì với cầu thủ của chúng ta không hẳn đã như vậy.

Bữa cơm của U20 Việt Nam khi hội quân chuẩn bị VCK World Cup 2017. Ảnh minh họa.

Bữa cơm của U20 Việt Nam khi hội quân chuẩn bị VCK World Cup 2017. Ảnh minh họa.

Chạnh lòng bữa ăn…

Hãy bắt đầu với một sự so sánh đến từ HLV Hoàng Anh Tuấn, người thực sự nghiêm túc với mọi yếu tố cấu thành phát triển bóng đá trẻ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Một trong số đó chính là dinh dưỡng trong bóng đá.

“Những năm tôi làm, chế độ dinh dưỡng kém lắm, phải dùng từ kém mới đúng. Đây là vấn đề cố hữu của bóng đá Việt Nam, từ cấp CLB tới ĐTQG. Thói quen của người Việt là ăn lấy no, nhưng chúng ta có biết Ánh Viên phải ăn bao nhiêu tôm, bao nhiêu thịt bò chưa? Hay Phạm Văn Mách và Lý Đức ở môn thể hình, các anh ấy phải có chế độ ăn riêng từ thời xa xưa mới có thể vô địch thế giới. VĐV thể thao là nhóm lao động nặng, với từng bộ môn, lại có yêu cầu riêng biệt để phát triển tố chất cho bộ môn đó”.

Ông lấy thêm một ví dụ so sánh điển hình, để thấy rằng kiến thức về dinh dưỡng của bóng đá Việt Nam vẫn còn ở một tầm thấp hơn nhiều so với những cường quốc bóng đá khác.

“Năm 2017 trước khi lên đường sang Hàn Quốc dự U20 World Cup, U20 Việt Nam đá giao hữu với U20 Argentina ở Thống Nhất. Đội mình ngày ăn ba bữa, nhưng họ ăn tới sáu bữa. Cá trích trứng là món ăn rất phổ biến trong bóng đá, nhưng họ ăn cá trứng màu vàng, chứ không phải màu đỏ. Trên bàn ăn tuyệt đối không có nước ngọt, nước có gas. Đấy là khoa học, được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Có nhiều bài giảng nhấn mạnh cầu thủ bóng đá không nên nạp nhiều tinh bột, ăn ít cơm lại và thay thế bằng mì. Nếu ăn đúng, cơ thể mới trong trạng thái sẵn sàng, ra sân mới tập được. Có tập được mới có thể thi đấu, kéo dài sự nghiệp”.

Câu chuyện mà HLV Hoàng Anh Tuấn đưa ra không chỉ dừng lại ở bóng đá trẻ. Mà nó đã và đang tồn tại suốt 20 năm qua tại bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. HAGL từng là đội bóng rất chăm chút cho dinh dưỡng cầu thủ, với việc được ăn bufftet, lựa chọn các món ăn giàu đạm, hạn chế tinh bột, chất béo. Nhưng đến hiện giờ, khi bầu Đức không còn nền tảng tài chính mạnh nữa, bữa cơm của Hoàng Anh Gia Lai như cách mà Xuân Trường mô tả vẫn là một bát cơm to ú ụ, kèm theo trứng rán, lạc rang, thịt kho, canh rau… Bữa cơm ấy cũng tương đồng với những bữa cơm tại CLB khác. Tức là các cầu thủ vẫn phải “cầm hơi” với 3 bữa chỉ đủ no mà chưa đủ chất tại các CLB.

Ông Troussier ngỡ ngàng

Văn Hậu hẳn nhiên là cầu thủ sẽ phải làm quen trở lại với cách ăn uống của Hà Nội. Bởi suốt 1 năm tại Hà Lan, anh đã được định hình một cách ăn uống khác, chuyên nghiệp hơn và hỗ trợ hơn rất nhiều để phát triển nền tảng hình thể cũng như sức bền trong thi đấu đỉnh cao. Bữa sáng của anh tại Heerenveen (Hà Lan) có bánh mì phết bơ, hoa quả, trứng luộc.

Thực đơn tại Heerenveen phong phú. Phòng ăn bố trí một dãy để riêng rau, hoa quả với số lượng rất nhiều; dãy còn lại là các thức ăn chính để cầu thủ chọn lựa dựa trên nhu cầu cơ thể. Thức ăn đa dạng, đáp ứng đầy đủ đạm, vitamin, canxi, muối khoáng, được chế biến ngon và bày biện rất bắt mắt. Các cầu thủ Heerenveen được ăn những món phù hợp về chế độ dinh dưỡng. Bữa ăn cũng tạo cho họ cảm giác hưng phấn, dễ chịu. Văn Hậu cho biết một trong những món mà Hậu khoái khẩu là ức gà. Bởi đây là món có tác dụng giữ cơ, tăng cơ.

Thế nhưng khi trở lại Hà Nội, anh cũng phải tái khởi động cách ăn uống một cách khiêm tốn ở Việt Nam, tức là chỉ có cơm, canh, thịt… Cũng vì vậy mà trong một số ngày, Văn Hậu còn ra ngoài ăn thêm thịt bò, thịt lợn… để bổ sung thêm chất vào cơ thay vì chỉ no cái bụng.

Sự chênh lệch về chế độ ăn càng khiến cho cầu thủ Việt Nam, đặc biệt ở những CLB mà tài chính khó khăn thua thiệt. Ông Philippe Troussier, HLV trưởng U19 Việt Nam không khỏi sốc khi biết rằng bữa ăn của cầu thủ ở lò đào tạo SLNA chỉ là 90.000 đồng/ngày. Trong khi tại PVF, chế độ 300.000 đồng/ngày cho cầu thủ còn là chưa đảm bảo thực sự về chất trong dinh dưỡng.

Thật khó để có sự thay đổi sớm trong vấn đề về dinh dưỡng của bóng đá Việt Nam. Và vậy là, các ĐTQG của chúng ta vẫn cứ phải chiến đấu với những đối thủ đẳng cấp cao bằng một thứ động cơ quen thuộc, đó là niềm tin!

Đặng Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chan-sut-va-cau-chuyen-bua-an-509282.html