Chán phụ thuộc Mỹ, Hàn Quốc muốn tự lực phòng thủ

Trong tương lai, Hàn Quốc có lẽ sẽ tìm cách để ít phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ quân sự tiên tiến.

Binh lính Hàn Quốc duyệt binh nhân sự kiện Ngày Các lực lượng Vũ trang

Binh lính Hàn Quốc duyệt binh nhân sự kiện Ngày Các lực lượng Vũ trang

Hiện tại, Hàn Quốc vẫn mua nhiều vũ khí từ Mỹ. Mới đây nhất, họ thông báo mua 20 chiến đấu cơ F-35 mới của Washington với giá 3,3 tỉ USD nhưng trong tương lai, Hàn Quốc có lẽ sẽ tìm cách để ít phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ quân sự tiên tiến.

Tăng cường tự sản xuất vũ khí

Nhân Ngày của Các lực lượng Vũ trang Hàn Quốc lần thứ 71 thường niên vừa được tổ chức tại Daegu tháng trước, bầu trời xứ sở kim chi sôi động với các màn trình diễn của những máy bay chiến đấu F-15K Slam Eagle.

Sau màn duyệt binh hoành tráng, hàng loạt những bức ảnh về phương tiện phóng tên lửa, máy bay chiến đấu công nghệ cao cùng nhiều trang thiết bị khác được phô trương trên màn hình lớn. Phần lớn số vũ khí đó đều là hàng ngoại nhập, chủ yếu xuất xứ từ Mỹ. Nhưng, theo nhiều chuyên gia, những dịp phô trương lực lượng như vậy trong tương lai sẽ có sự tham gia của nhiều vũ khí nội địa hơn, thậm chí chiếm ít nhất một nửa.

Ngân sách mới nhất của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa, họ sẽ chi khoảng 240 tỉ USD từ năm 2020 đến 2024. Trong đó một khoản tiền lớn, khoảng 85 tỉ USD sẽ được dành cho “cải thiện vũ khí”.

“Kể từ năm 1970, Hàn Quốc từng bước tăng cường kỹ thuật để sản xuất thêm các hệ thống phức tạp hơn. Dù vậy, họ vẫn bị phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài đối với các công nghệ tiên tiến nhất”, Giáo sư Daniel Pinkston cho hay.

Một trong những dự án quốc phòng nội địa mới nhất mà Hàn Quốc đang thực hiện là sản xuất máy bay chiến đấu đa năng KAI KF-X. Dự án này được Hàn Quốc phối hợp với Indonesia nhưng Seoul làm chủ tới 80%. Hoạt động chế tạo máy bay này đã bước sang giai đoạn 2. Hàn Quốc dự kiến sẽ ra mắt nguyên mẫu đầu tiên vào năm 2021.

Phía Triều Tiên có lẽ cũng nhận thấy những thay đổi của Hàn Quốc và bắt đầu lo lắng. Theo tờ Foreign Policy, Bình Nhưỡng cho rằng, phía Nhà Xanh đang đi nước đôi - vừa đàm phán hòa bình vừa tăng cường khả năng tấn công. Dù nỗ lực cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, mùa hè này, Bình Nhưỡng vẫn phóng tên lửa như một thông điệp và lời cảnh báo tới Hàn Quốc.

Động cơ của Hàn Quốc

Theo ông Daniel Pinkston, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Troy, trụ sở ở Seoul nói: “Hàn Quốc sẽ tăng cường sản xuất vũ khí vì lo ngại mối đe dọa từ Triều Tiên khi Mỹ không còn mặn mà với hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Á. Về lâu dài, những loại vũ khí này sẽ được xuất khẩu ra khắp thế giới”. “Một lúc nào đó, các công ty quốc phòng Hàn Quốc cũng muốn gia tăng khả năng xuất khẩu”, ông Daniel Pinkston nói.

Trong thông báo về ngân sách, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng nói rõ: “Vì sự bất ổn trong môi trường an ninh quốc gia hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng, giúp quân đội chống lại các mối đe dọa an ninh từ nhiều hướng khác nhau”.

“Để đảm bảo sự độc lập về quốc phòng, dẫn đầu phát triển công nghệ khoa học, chính sách mua sắm thiết bị của chúng tôi đã thay đổi và chuyển sang tự nghiên cứu và hỗ trợ nền công nghiệp quốc phòng nội địa”, Bộ này cho biết thêm.

Theo nhiều nhà phân tích, Hàn Quốc đã tức giận với Mỹ, đồng minh truyền thống và cũng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Lý do đầu tiên là việc các công ty quốc phòng Mỹ bắt buộc phía Hàn Quốc phải trả khoản tiền lớn để trang trải chi phí phát triển nếu không sẽ không chia sẻ những nghiên cứu quân sự mới nhất. Thứ hai, chính quyền của ông Donald Trump cũng đòi hỏi Seoul phải tăng gấp 5 số tiền đóng góp cho chi phí để 28.500 quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Trước đây, liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ nổi tiếng là “bọc thép” nhưng gần đây, với động thái rút quân từ phía Đông Bắc Syria của Mỹ, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lãnh thổ nơi có người Kurd - đối tác của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, phía Seoul phải lăn tăn suy nghĩ.

“Sự việc đó chắc chắn đã gửi thông điệp tới Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí rằng: Lòng trung thành trước nay có lẽ không có nghĩa lý gì”, ông Jeffrey Robertson, chuyên gia về chính sách Hàn Quốc tại Đại học Yonsei của Seoul cho biết.

Hiện tại, chưa có gì chắc chắn vì các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí hỗ trợ quân Mỹ đồn trú tại Hàn đều diễn ra bí mật nhưng truyền thông Hàn Quốc đều khẳng định chi phí sẽ tăng rất cao. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Dong-a Ilbo, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris nói thẳng, Seoul chỉ đóng góp 1/5 chi phí quốc phòng và cần phải góp phần nhiều hơn.

Mặt khác, trong một bài bình luận, Chosun Ilbo - tờ báo thuộc top hàng đầu Hàn Quốc nhận định, việc Mỹ rút quân khỏi Syria là hành động phản bội người Kurd và lý do chính chỉ vì tiền. Bài bình luận chỉ ra, ông Trump có lẽ cũng nhìn nhận liên minh Mỹ - Hàn dựa trên tiền bạc và thực tế ông chủ Nhà Trắng không ít lần nói đến chuyện rút quân vì chi phí cao.

Hơn nữa, về lâu dài, Chính phủ Hàn Quốc cũng nhìn nhận thấy tiềm năng xuất khẩu vũ khí để đẩy mạnh kinh tế. Xứ sở kim chi là nền kinh tế được thúc đẩy bằng xuất khẩu nên Nhà Xanh đang tìm để đưa những mặt hàng có khả năng xuất khẩu tốt ra thế giới và vũ khí chắc chắn là món hàng sẽ mang về nhiều lợi nhuận trong bối cảnh an ninh thế giới đang phức tạp hiện nay.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chan-phu-thuoc-my-han-quoc-muon-tu-luc-phong-thu-d441459.html