Chặn pháo nổ nhập lậu ngay từ biên giới

Theo bạn đọc phản ánh, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, tàng trữ và đốt pháo nổ lại diễn biến phức tạp. Nhiều vụ đã bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, do lợi nhuận rất lớn cho nên các đối tượng vẫn nhập lậu pháo và tuồn vào thị trường trong nước với số lượng lớn.

Hơn 200 kg pháo hoa và pháo nổ bị thu giữ tại địa bàn huyện Bảo Thắng (Lào Cai).Ảnh: THANH TUẤN

Hơn 200 kg pháo hoa và pháo nổ bị thu giữ tại địa bàn huyện Bảo Thắng (Lào Cai).Ảnh: THANH TUẤN

Thời gian qua, nhiều vụ buôn bán, tàng trữ pháo lậu với số lượng lớn đã bị các lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng các địa phương phát hiện bắt giữ. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát ở khu vực phường Sông Trí (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), các cán bộ Ðội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thị xã Kỳ Anh phát hiện Phạm Thái Hòa, trú tại tổ dân phố 2, phường Sông Trí đang vận chuyển bằng xe máy khoảng 71 hộp pháo nổ với trọng lượng hơn 100 kg. Tại cơ quan công an, Hòa khai nhận mua số pháo trên từ ông Ðinh Xuân Phố, ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình) về bán kiếm lời. Trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh), Công an huyện Kỳ Anh tiếp tục phát hiện, bắt giữ đối tượng Võ Văn Quá, ở xã Phổ An (Ðức Phổ, Quảng Ngãi) và Phạm Văn Bình, ở xã Quảng Tùng (Quảng Trạch, Quảng Bình) điều khiển xe ô-tô công-ten-nơ vận chuyển khoảng 180 hộp pháo, trọng lượng khoảng 220 kg.

Không chỉ vận chuyển pháo lậu bằng đường bộ, một số đối tượng còn ngụy trang pháo lậu trên đò máy để vận chuyển nhằm che mắt các lực lượng chức năng. Tại tỉnh Quảng Trị, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh vừa phát hiện một chiếc đò máy có nhiều dấu hiệu bất thường chở hàng vượt sông Sê Pôn từ Lào cập bến phía Việt Nam, các chiến sĩ biên phòng nhanh chóng ập đến bắt giữ ba đối tượng gồm Nguyễn Quang, Trương Thị Miến (là vợ chồng, cùng trú tại thị trấn Lao Bảo) và Nguyễn Ngọc Cường (trú tại huyện Hướng Hóa). Ðò máy chở khoảng 235 hộp pháo lậu, tổng khối lượng khoảng 300 kg. Các đối tượng thừa nhận hành vi buôn bán pháo lậu, còn Cường thì được vợ chồng ông Quang thuê bốc vác số pháo này. Trước đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã phát hiện, bắt giữ một nam thanh niên dùng xe máy chở khoảng 80 hộp pháo lậu từ bờ sông Sê Pôn vào khu dân cư, đoạn qua xã Tân Long (huyện Hướng Hóa).

Thủ tướng Chính phủ vừa ký chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trong đó nhấn mạnh việc xử lý nghiêm tội phạm mua bán, tàng trữ pháo nổ và vật liệu nổ trái phép. Luật Ðầu tư năm 2014 của Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2016) nêu rõ, kinh doanh pháo nổ được xếp vào nhóm ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Theo đó, mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ đều được coi là tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ðiều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ từ sáu đến dưới 40 kg thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ một đến 5 năm. Trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 đến dưới 120 kg, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ một đến ba tỷ đồng hoặc phạt tù từ năm đến 10 năm. Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kg trở lên sẽ bị phạt tù từ tám đến 15 năm… Ðiều 10 Nghị định 167/2013/NÐ-CP, quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm cũng đưa ra nhiều mức hình phạt tương ứng đối với việc buôn bán, vận chuyển pháo nổ.

Mặc dù các quy định xử phạt đối với hành vi buôn bán, tàng trữ pháo lậu là rất nghiêm khắc nhưng do ham lợi nhuận cho nên các đối tượng vẫn ráo riết hoạt động. Hơn nữa, công tác đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm này luôn gặp nhiều khó khăn, nhiều đối tượng liều lĩnh và manh động. Theo thông tin bạn đọc phản ánh, thời điểm gần Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu diễn biến hết sức phức tạp. Hoạt động vận chuyển pháo lậu vốn chủ yếu qua đường mòn, lối tắt ở tuyến biên giới các tỉnh phía bắc như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn… nay đã xuất hiện tràn lan ở tuyến biên giới các tỉnh miền trung, miền nam và Tây Nguyên. Trao đổi với các cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nghiệp vụ công an, bộ đội biên phòng và hải quan, quản lý thị trường, chúng tôi được biết, để "qua mặt" các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn bán, vận chuyển và tàng trữ pháo lậu thường ngụy trang, cất giấu pháo lậu vào thùng các-tông; gia cố thùng xe ô- tô để vận chuyển pháo; chứa pháo lậu lẫn vào các loại hàng hóa khác. Do đó, nếu không kiểm tra kỹ sẽ rất khó phát hiện. Từ trước Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng các địa phương thường xuyên tổ chức đấu tranh, nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển pháo lậu ngay từ khu vực biên giới; đồng thời, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các hành vi liên quan đến mua bán, vận chuyển và tàng trữ
pháo lậu.

“Trong vài năm trở lại đây, tình trạng người dân tự đốt pháo nổ và pháo hoa trong các dịp lễ, Tết gia tăng. Theo đó, số người bị chấn thương do pháo cũng tăng. Những chấn thương thường gặp là tổn thương vùng mặt, vùng mắt. Nhiều trường hợp bỏng da mặt, cháy lông mi, cháy lông mày. Một số người bị chấn thương nghiêm trọng ở vùng mắt gây bỏng kết giác mạc, rách kết giác mạc, xuất huyết nội nhãn... để lại di chứng mù lòa. Cũng không ít trường hợp tổn thương bàn tay như cụt ngón tay, cụt bàn tay...”.

Bác sĩ TRẦN ÁNH DƯƠNG
Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu-ba (tỉnh Quảng Bình)

MINH DUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/ban-doc-viet/item/39115402-chan-phao-no-nhap-lau-ngay-tu-bien-gioi.html