Chăn nuôi tập trung – Nhìn từ Hà Nội

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, toàn thành phố có 52 chuỗi sản xuất và tiêu thịt và sản phẩm chăn nuôi.

 Khu trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Cấn Hữu, huyệ̣n Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Khu trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Cấn Hữu, huyệ̣n Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Hàng ngày, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại; 300.000 quả trứng và 78 tấn sữa. Các chuỗi đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi và hàng nghìn chủ thể sản xuất, dịch vụ tham gia.

Có được thành quả đó là nhờ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Nội đã được khởi động từ cách đây 7 năm, bắt đầu từ việc quy hoạch chăn nuôi tập trung quy mô hàng hóa theo vùng, xã trọng điểm.

Với hệ thống khử trùng được đầu tư hàng tỷ đồng luôn hoạt động hết công suất. Việc cấm không cho người lạ vào trực tiếp trại là điều tiên quyết giúp hàng nghìn con lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai được an toàn trước diễn biến của dịch bệnh thời gian qua.

Ông Lâm chia sẻ: “Từ việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, và được hưởng lợi từ dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi (Lifsap), trang trại của tôi đã vượt qua đại dịch tả lợn châu Phi”.

Theo ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu, địa phương xác định chăn nuôi tập trung là hướng đi đúng đắn. Những năm tới, các hộ chăn nuôi gia súc kết hợp nuôi trồng thủy sản sẽ “phủ kín” 100ha trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung xa khu dân cư của xã, thậm chí tăng gấp 3 lần quy mô so với hiện nay nhưng điểm mấu chốt vẫn phải đảm bảo môi trường.

Theo các hộ chăn nuôi ở xã Cấn Hữu, mặc dù chi phí nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học cao hơn 20 - 25% so với nuôi lợn thông thường, nhưng sau khi trừ chi phí, chủ trang trại này vẫn thu lãi khoảng 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, tùy theo giá cả thị trường.

Thành phố hiện có 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại; 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa. Các chuỗi đã thu hút được gần 3.000 hộ chăn nuôi và hàng nghìn chủ thể sản xuất và dịch vụ tham gia.

Nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Phúc.

Các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội được hình thành theo hai hình thức chính: mô hình chuỗi khép kín và mô hình chuỗi liên kết do nhiều chủ thể cùng hợp tác xây dựng chuỗi.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) - đơn vị cung cấp thịt lợn sinh học A-Z, chia sẻ: "Hiện chúng tôi đã khép kín toàn bộ chuỗi giá trị chăn nuôi đối với sản phẩm thịt lợn từ sản xuất thức ăn, con giống, chăn nuôi, chế biến và có cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Từ quỹ đất có hạn, các thành viên trong HTX đã bàn nhau xây nhà tầng để nuôi lợn. Không ngờ, hiệu quả kinh tế đem lại rất lớn. Không chỉ tiết kiệm được diện tích chăn nuôi, lợn nuôi trên nhà tầng thoáng mát nên ít dịch bệnh.

Nhờ đó, chúng tôi vừa giảm được chi phí mua thuốc phòng bệnh, thịt lợn không tồn dư chất kháng sinh nên thơm ngon hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Cũng nhờ nuôi lợn nhà tầng, chất thải chăn nuôi dễ dàng được thu gom để tách chất thải rắn và chất thải lỏng để xử lý môi trường".

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao cũng như liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua Hà Nội đã tích cực chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Hà Nội cũng chú trọng phát triển con giống như đầu tư xây dựng Trung tâm Sản xuất tinh bò ứng dụng công nghệ cao. Chọn lọc lai tạo và sản xuất nhiều giống vật nuôi có giá trị kinh tế như gà Mía, bò thịt BBB và một số giống vật nuôi khác.

Theo quy hoạch phát triển chăn nuôi Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tiểu vùng gò đồi (gồm các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây), định hướng phát triển tập trung các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò thịt, bò sữa, lợn thịt, các loại con nuôi đặc sản; Vùng đồng bằng, đối với vùng cao (gồm các huyện huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai, Đông Anh), tập trung phát triển chăn nuôi gà, lợn; đối với vùng thấp trũng (gồm các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, một phần huyện Mỹ Đức) tập trung nuôi thủy cầm theo hướng trang trại chăn nuôi kết hợp với thủy sản…

Minh Phúc – Phạm Hạnh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chan-nuoi-tap-trung-nhin-tu-ha-noi-d275630.html