Chăn nuôi đại gia súc: 'Việc nhẹ lương cao' ở huyện miền núi Hà Tĩnh

Vũ Quang (Hà Tĩnh) hiện có hơn 13 nghìn con trâu, bò, đây được xem là vật nuôi chủ lực có mức tăng trưởng tốt nhất trong thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Minh ở thôn Kim Quang (xã Quang Thọ) có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm từ chăn nuôi đại gia súc.

Với đàn bò nái 6 con, mỗi năm, gia đình bà Nguyễn Thị Minh ở thôn Kim Quang (xã Quang Thọ) thu về 50 triệu đồng từ viêc bán me (bê) con. Nguồn thu nhập này đã giúp cuộc sống của gia đình bà Minh được cải thiện đáng kể.

Bà Minh cho biết: “Năm 2014, sau khi từ vùng lòng hồ Ngàn Trươi về định cư ở thôn Kim Quang, đất sản xuất nông nghiệp ít nên việc phát triển kinh tế gia đình rất khó khăn. Nhưng, nhờ chủ trương khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò của địa phương, gia đình đã mạnh dạn vay mượn vốn để đầu tư nuôi 2 con bò cái sinh sản.

Sau 6 năm, đến nay, đàn bò cái của gia đình đã tăng lên 6 con và sinh sản đều, mỗi năm 4 - 5 bê con. Việc bán con giống đã mang về nguồn thu đều đặn cho gia đình 50 - 60/năm”.

Anh Nguyễn Văn Bình (thôn 5, xã Quang Thọ) đang bổ sung thêm khẩu phần ăn cho đàn bò vào những ngày thời tiết chuyển rét.

Là địa phương có tổng đàn trâu, bò gần 2.000 con, ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết: “Chăn nuôi trâu, bò không đòi hỏi cao về kỹ thuật, đặc biệt đây là vật nuôi có khả năng chống chịu bệnh tật cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có nên những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã đang chú trọng tăng đàn để nâng cao nguồn thu nhập”.

Cũng theo ông Cường, không chỉ phát triển nhanh về tổng đàn mà những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Quang Thọ và các địa phương khác đang hướng đến chăn nuôi trâu, bò theo hướng liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa, vì thế, người dân rất chú trọng tới việc nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là nâng cao chất lượng đàn bò ngay từ khâu lựa chọn giống.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Hương Giang (xã Đức Hương) cho biết: "Trước đây gia đình bà chỉ nuôi giống bò vàng đã có từ lâu (người dân gọi là bò vàng ta - PV) nhưng vài năm trở lại đây, nhận thấy nuôi giống bò 3B cho thu nhập cao và giá cả ổn định nên gia đình đã mua thêm 3 con để “gầy nái”, nâng tổng đàn bò của gia đình lên 10 con.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Hương Giang (xã Đức Hương) chú trọng việc chọn con giống để nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Bò nái giống 3B cho thu nhập cao của bà Hạnh.

“Sau hơn 1 năm, đến nay, 3 con bò nái giống 3B đã sinh sản lứa bê con đầu tiên. Cùng quy trình chăn nuôi trong thời gian 6 tháng, bò vàng ta bán được với giá từ 11 - 15 triệu đồng/con nhưng với bò 3B thì có giá 18 - 22/con triệu đồng”, bà Hạnh phấn khởi nói.

Bà Hạnh cũng cho biết thêm, trong năm nay, gia đình đã xuất bán được 3 con bê giống vàng ta và 2 con bê 3B, mang về nguồn thu hơn 80 triệu đồng".

Người dân trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò.

Nhận thấy chăn nuôi trâu, bò đang là hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nhiều hộ dân đã chuyển đổi những mảnh đất đồi trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi.

Theo thống kê, hiện Vũ Quang có hơn 13 nghìn con trâu bò và đây được xem là vật nuôi chủ lực có mức tăng trưởng tốt nhất trong thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp trên địa bàn. Trâu, bò hầu hết được nuôi trong các gia trại, nông hộ theo hình thức bán chăn thả để tận dụng các sản phẩm thừa trong nông nghiệp như: lá, ngọn mía, cây ngô... để làm thức ăn.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò đang là hướng đi bền vững của người dân Vũ Quang.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Mỗi năm, nguồn thu từ đàn trâu, bò mang về cho người dân khoảng 45 tỷ đồng. Cùng với việc phát triển tổng đàn, người dân cũng đang phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn, nhằm nâng cao quy mô, chất lượng đàn trâu bò, để từng bước nâng cao thu nhập”.

Văn Chung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/lao-dong-viec-lam/chan-nuoi-dai-gia-suc-viec-nhe-luong-cao-o-huyen-mien-nui-ha-tinh/203270.htm