Chăn nuôi an toàn sinh học góp phần ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con (chiếm khoảng 10% tổng đàn). Để ngăn chặn dịch hiệu quả thì chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là giải pháp hữu hiệu nhất ở thời điểm này. Đây là biện pháp được nhiều đại biểu đồng tình tại hội nghị bàn về các giải pháp phòng, chống DTLCP do Bộ NN và PTNT tổ chức ngày 11-7.

Trang trại chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Trang trại chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Cách làm hay cần nhân rộng

Trong quá trình triển khai công tác phòng, chống DTLCP, các địa phương trong cả nước đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo. Ðơn cử như Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) đã áp dụng "Quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh" đối với 15 mô hình nuôi từ 50 đến 80 con/lứa nuôi/ hộ/gia trại của năm huyện, thị xã ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hầu hết các mô hình chăn nuôi của tập đoàn

nằm trong vùng dịch (bùng phát dịch và tái phát dịch), nhưng lợn hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh. Khối lượng xuất chuồng bình quân gần 90 kg/con, tăng trọng từ 19 đến 20 kg/con/tháng; tiết kiệm chi phí lao động hơn 70%; giảm từ 10 đến 12% thức ăn so với chăn nuôi truyền thống; tiết kiệm khoảng 80% lượng nước do hoàn toàn không phải tắm lợn, không rửa chuồng hằng ngày, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi. Mô hình này không thải phân, nước thải ra môi trường, không mùi hôi, tận dụng toàn bộ phân, nước tiểu lợn làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Lợi nhuận bình quân từ 600 nghìn đến 750 nghìn đồng/con (trong khi nuôi theo các phương pháp khác chỉ thu được từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/con). Người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), người chăn nuôi liên kết với tập đoàn yên tâm và tin tưởng cả về hiệu quả kinh tế và giảm thiểu dịch bệnh. Theo đánh giá của các chuyên gia chăn nuôi, quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm đạt nhiều hiệu quả về kinh tế, chất lượng thịt ngon, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Nếu quy trình này được sản xuất, áp dụng trên diện rộng sẽ góp phần đắc lực vào tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn của nước ta.

Thực tế nêu trên cho thấy tín hiệu tích cực từ chăn nuôi ATSH, song mới chỉ dừng lại ở các trang trại, gia trại quy mô lớn, chưa tới được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi họ chủ yếu vẫn chăn nuôi dựa trên kinh nghiệm, trong khi chuyển sang chăn nuôi ATSH phải đầu tư bài bản từ chuồng trại, tới ghi chép sổ sách, nhật ký chăm sóc... Do vậy, muốn đạt kết quả tốt hơn nữa, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tuyên truyền lợi ích chăn nuôi ATSH cho người chăn nuôi...

Khắc phục ngay những bất cập trong phòng, chống dịch

Hiện DTLCP ở nước ta tiếp tục diễn biến khó lường do đặc thù của vi-rút bệnh tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng bệnh, vì vậy để ngăn chặn dịch lây lan chúng ta phải kiên trì chống dịch. Ngoài việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi ATSH, ngăn chặn các yếu tố lây lan mầm bệnh, theo Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Ðức Tiến, cần phải khắc phục ngay những bất cập như: Việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiều nơi chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, cho nên chưa tiêu diệt hết mầm bệnh, làm phát tán, lây lan. Tại một số địa phương có địa hình thấp, hố chôn bị ngập nước, gây khó khăn cho quá trình xử lý lợn bệnh bằng phương pháp chôn lấp; chưa tổ chức triển khai công tác vệ sinh, sát trùng hoặc có nhưng chưa thường xuyên, chưa rộng khắp. Chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ; vẫn để tình trạng giết mổ trái phép diễn ra, cá biệt có trường hợp thu gom lợn chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc để giết mổ, đưa vào các quán ăn để tiêu thụ. Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển... Ðồng thời thực hiện đồng bộ một số giải pháp: Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý sớm và kịp thời các ổ dịch; việc xử lý chôn lấp cần chú ý đến giảm tới mức thấp nhất tác hại đến môi trường. Thành lập các đội tiêu hủy lợn mang tính chuyên nghiệp, triển khai nhanh, chấp hành chặt chẽ việc vệ sinh, tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh và không gây ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp ATSH, khuyến cáo người dân không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn; tăng cường hơn nữa các biện pháp ATSH để bảo vệ đàn lợn, nhất là đàn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ. Ðẩy mạnh xây dựng các vùng, các chuỗi chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP; thành lập và xây dựng các trạm kiểm dịch bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ. Tiếp tục đề nghị và phối hợp với các tổ chức quốc tế (OIE, FAO) và các nước để hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh và nghiên cứu, sản xuất vắc-xin bệnh tả lợn châu Phi...

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, tới đây, Bộ sẽ có khuyến nghị, định hướng rõ, nơi nào bảo đảm ATSH cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hoàn toàn làm chủ được công nghệ trong quy trình ATSH thì tiếp tục phát triển, tăng đàn. Những nơi có ổ DTLCP đã qua 30 ngày mà bảo đảm ATSH, kiểm tra môi trường chung quanh, điều kiện ý thức của người dân tốt, có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ... thì có thể tái đàn được.

Do ảnh hưởng của DTLCP cho nên có khả năng cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, nhất là thịt lợn. Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã có giải pháp cùng với các địa phương tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại. Riêng sáu tháng đầu năm, nhóm gia cầm đã tăng 7,2% tổng đàn. Ðối với nhóm đại gia súc sẽ phải thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất, phải có chủ trương ngay từ bây giờ để làm sao kéo dài thời gian nuôi, tập trung chăm sóc. Ðây chính là nguồn thực phẩm tốt để bù đắp lại lượng thịt lợn bị thiếu hụt. Ðồng thời đẩy mạnh phát triển nhóm thủy sản. Cùng với đó, Bộ trưởng lưu ý, khi phát triển ba nhóm thực phẩm này phải hết sức chú ý một số nguyên tắc: Tổ chức xây dựng chuỗi an toàn, không để xảy ra dịch bệnh; bảo đảm cân đối cung cầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không kiểm soát, thừa sản phẩm; tạo sinh kế cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại để có việc làm mới.

Hiền Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40838802-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-gop-phan-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi.html