Chặn nội dung độc hại trên YouTube, TikTok

Trường hợp YouTuber Thơ Nguyễn đang khiến dư luận bức xúc những ngày qua dường như chỉ là một trong vô vàn nguy cơ tiềm ẩn tồn tại trên các mạng xã hội như YouTube, TikTok, đặc biệt với đối tượng là trẻ em. Đã đến lúc môi trường mạng Việt Nam cần một bộ lọc lớn, trong đó không chỉ cần có sự hợp sức của cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ mà ngay cả bậc cha mẹ cũng cần có trách nhiệm với con cái của mình.

Thơ Nguyễn và các luật sư làm việc với cơ quan chức năng Bình Dương chiều 16/3. Ảnh: Mai Huyên

Thơ Nguyễn và các luật sư làm việc với cơ quan chức năng Bình Dương chiều 16/3. Ảnh: Mai Huyên

Tràn ngập video xấu, nhảm nhí

Mới đây, YouTuber Thơ Nguyễn đã tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận với đoạn clip nói chuyện với búp bê có hình dạng giống Kumathong (một loại bùa ngải của Thái Lan). Cụ thể, trong đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội TikTok cách đây ít ngày, Thơ Nguyễn đã ôm một con búp bê có tên "Cư Ma Mập" rồi sau đó cho uống Coca để xin vía học giỏi. Với những nội dung mang đậm tính mê tín, dị đoan, YouTuber Thơ Nguyễn đã nhận không ít sự phẫn nộ từ cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh khi cho rằng thứ độc hại như vậy sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của con em mình.
Anh Trần Lâm (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: "Tôi cho rằng cần có cách xử phạt mạnh tay đối với những cá nhân, tổ chức đã sản xuất ra các clip vô bổ, bất chấp đạo đức để kiếm tiền như vậy, vì nó ảnh hưởng tiêu cực, tác động xấu đến suy nghĩ và hành động của trẻ em - đối tượng người xem chính của những kênh video độc hại. Một người biết suy nghĩ, có nhận thức, không ai làm clip YouTube truyền bá nuôi và xin vía Kumathong như Thơ Nguyễn".
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Thơ Nguyễn bị cộng đồng lên án tương tự vụ việc lần này. Trong quá khứ, đã rất nhiều lần YouTuber này phải nhận sự chỉ trích vì vô số clip có nội dung nhố nhăng, nhảm nhí, phản cảm được người này đăng tải và đối tượng chính được ngắm tới đa số là trẻ em. Có thể liệt kê ra những clip như "Thách bịt mắt ngửi mùi đoán vật - thánh troll Tiểu Bảo Bảo và cái kết có hậu" với nội dung bịt mắt đoán đồ vật nhưng lại có cả cảnh liếm chân người khác để phân biệt, vô cùng phản cảm. Hay clip “Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ” hướng dẫn trẻ em tạo bồn tắm bằng thạch jelly rất mất vệ sinh. Không chỉ vậy, nhân vật chính Thơ Nguyễn còn thường xuyên phát ra những tiếng kêu rên nghe rất nhạy cảm.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, Thơ Nguyễn cũng chỉ là một trong hàng loạt những người tạo nội dung nhảm nhí, xấu độc hướng tới đối tượng trẻ em trên môi trường mạng Việt Nam. Dễ dàng có thể nhận ra nhiều cái tên dạng này như NTN Vlog với trò “Thả 100 cái dao trên cao xuống”, Hưng Vlog với clip khuyến khích trộm heo đất của em... Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt trào lưu nguy hiểm đến tính mạng của trẻ em như "thử thách cá voi xanh", "thử thách momo" đã gây ra nhiều vụ việc đáng tiếc ngoài đời thực. Đơn cử như tháng 10/2020, bé gái D. (5 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã tử vong sau khi dùng vải voan treo cổ trong phòng ngủ theo trò chơi trên YouTube. Được biết, nhiều lần gia đình đã phát hiện ra bé có xem những kênh có nội dung xấu, bạo lực.
Theo thạc sĩ Đinh Hồng Anh - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trẻ em, nhóm đối tượng mà các kênh video độc hại hướng đến, dễ bị ảnh hưởng và chịu tác động bởi môi trường sống. Các em học cách ứng xử qua việc bắt chước người lớn, dễ học theo những gì mình nghe và nhìn thấy. Bởi vậy, nếu phụ huynh không sát sao quan tâm, định hướng kịp thời, trẻ em dễ dàng bị buông lỏng, thả nổi trong môi trường đầy ắp sản phẩm giải trí mạng mà không có sự chắt lọc thông tin.
Hơn lúc nào hết, những ông bố bà mẹ hãy dạy cho con em mình cách làm sao để phân biệt đâu là nội dung nên xem, đâu là nội dung không nên xem. Ngoài ra, việc tập cho con trẻ những thói quen khi sử dụng internet như đặt ra giới hạn về thời gian sử dụng, cung cấp thông tin về các trang web, nền tảng hữu ích, thích hợp với lứa tuổi... cũng thật sự quan trọng nếu muốn con tránh xa những điều không tốt.
Đồng thời, việc định hướng các nhà sáng tạo nội dung Youtube, Tik Tok, đặc biệt là những người có lượng follow lớn như Thơ Nguyễn, là rất cần thiết vì nhóm này tác động đến rất nhiều người trẻ. "Những người có đối tượng theo dõi nhỏ tuổi thì càng cần hiểu về trách nhiệm xã hội, thực hiện quyền trẻ em" - thạc sĩ Đinh Hồng Anh chia sẻ.
Thẳng tay với nội dung độc hại
Quay trở lại câu chuyện của Thơ Nguyễn, ngay sau khi nhận được phản ánh từ người dùng về việc phát hiện Youtuber này đăng tải video có nội dụng xấu độc các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc xử lý. Đồng thời, gần như ngay lập tức các video có nội dung như trên đã bị xóa khỏi các nền tảng Youtube, TikTok. Chiều 16/3, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt YouTuber Thơ Nguyễn 7,5 triệu đồng do đăng tải clip “xin vía học giỏi” lên mạng xã hội, đây là hành vi vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, Thơ Nguyễn cũng đã bắt đầu phải trả giá khi gần như toàn bộ video trên kênh YouTube, TikTok của người này bị xóa hoặc ẩn cũng như tắt tính năng kiếm tiền.
Nói về những trường hợp tương tự YouTuber Thơ Nguyễn, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do đưa ra cam kết, nếu nhận được phản ánh về những clip xấu, độc hại như vậy, Cục sẽ ngay lập tức làm việc với Facebook và Google để xử lý, tránh bị lan truyền rộng rãi. Trên thực tế đã có một số kênh YouTube có nội dung tiêu cực, cờ bạc, bạo lực đã bị Google gỡ bỏ hoặc chặn kiếm tiền theo đề nghị từ phía Cục.
Tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội hồi tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định sẽ làm rất nghiêm với những video có nội dung xấu độc trên môi trường mạng. Theo đó, hiện mỗi tháng Việt Nam đã gửi yêu cầu tới Google gỡ bỏ hàng nghìn video có nội dung xấu, độc, đáp ứng tỷ lệ gỡ bỏ lên tới 90% trên nền tảng YouTube.
Về khía cạnh pháp luật đối với những video xấu, độc, luật sư Vũ Văn Biên - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước cho rằng, hiện nay tồn tại không ít kênh YouTube nhảm nhí, độc hại, phản cảm như của Thơ Nguyễn. Tuy nhiên, với lợi nhuận khủng, những đối tượng này sẵn sàng mang trẻ em ra để khai thác nhằm trục lợi. Mặc dù chế tài xử phạt đã có nhưng hầu hết vẫn còn quá nhẹ, đa phần là xử lý hành chính. Do đó, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa để kiểm soát nội dung thông tin đăng tải trên mạng và xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. "Trong trường hợp có thể xác định nội dung mà YouTuber Thơ Nguyễn có truyền bá văn hóa phẩm độc hại ảnh hưởng đến hàng chục triệu trẻ em thì có thể xem xét xử lý hình sự" - luật sư Vũ Văn Biên nhấn mạnh.

Bộ TT&TT đã đạt được thỏa thuận với YouTube rằng khi cơ quan chức năng Việt Nam thông báo một kênh vi phạm pháp luật, nền tảng này sẽ dừng việc chia tiền quảng cáo với kênh đó. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất các nội dung xấu độc. Trong năm 2021, Bộ sẽ đưa ra công cụ phát hiện video xấu, độc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Trên Youtube hiện có rất nhiều nội dung độc hại mà trẻ không thể chọn lọc. Cha mẹ cần dành thời gian vun đắp xây dựng nhân cách, tâm hồn cho trẻ nhỏ như dạy về lòng biết ơn, nguyên tắc kỷ luật, tôn trọng người khác, đức tính thật thà… Khi trẻ được trang bị những nền tảng vững vàng thì gặp những hình ảnh, hiện tượng tiêu cực sẽ có cách đánh giá, phân tích và tự loại bỏ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Chung

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chan-noi-dung-doc-hai-tren-youtube-tiktok-413072.html