Chán Nga, Mỹ... Saudi Arabia tăng cường phòng không bằng vũ khí Hàn Quốc?

Sau khi bị tiến công bất ngờ bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) vào 2 nhà máy lọc dầu. Saudi Arabia quyết tâm củng cố hệ thống phòng không của mình bằng vũ khí của Hàn Quốc.

Lực lượng phòng không Saudi Arabia đã bị bất ngờ trước cuộc tiến công của tên lửa hành trình và UAV vào các cơ sở công nghiệp chiến lược; một hệ thống phòng không được đầu tư khổng lồ, trong đó phần lớn là các hệ thống phòng không Patriot hết sức hiện đại, nhưng lại bất lực trước những vũ khí không lấy gì làm "hiện đại". Ảnh: Hiện trường nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia bị tấn công hôm 14/9.

Lực lượng phòng không Saudi Arabia đã bị bất ngờ trước cuộc tiến công của tên lửa hành trình và UAV vào các cơ sở công nghiệp chiến lược; một hệ thống phòng không được đầu tư khổng lồ, trong đó phần lớn là các hệ thống phòng không Patriot hết sức hiện đại, nhưng lại bất lực trước những vũ khí không lấy gì làm "hiện đại". Ảnh: Hiện trường nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia bị tấn công hôm 14/9.

Trong vài năm qua, Saudi Arabia đã mua sắm số vũ khí trị giá 100 tỷ USD từ Mỹ, đó là một thỏa thuận quốc phòng kỷ lục của thế kỷ. Hiện tại an ninh không phận của Saudi Arabia được bảo vệ bằng 88 hệ thống phòng không Patriot. Hầu hết các hệ thống này là phiên bản PAC-3 được coi là hiện đại nhất, khắc phục được những điểm yếu của các phiên bản trước đó.

Tuy nhiên, lý luận thì ở trên giấy, còn thực tiễn thì trên mặt đất; khoảng cách giữa quảng cáo của các nhà sản xuất vũ khí và thực chiến luôn khác xa nhau. Ở Trung Đông, việc sử dụng tên lửa Scud chiến thuật có từ thời Liên Xô diễn ra phổ biến và Saudi Arabia luôn là nạn nhân.

Các dữ liệu về xác suất đánh chặn tên lửa Scud của các hệ thống phòng không Patriot PAC-3 do Công ty Raytheon cung cấp cho thấy, hệ số đánh chặn tên lửa đạn đạo của PAC-3 là từ 0,6 đến 0,8; đây là hệ số đánh chặn rất cao đối với một hệ thống phòng không chiến thuật.

Tuy nhiên thực tiễn lại khác xa, năm 2018 Saudi Arabia có báo cáo về hiệu quả của các hệ thống Patriot được Mỹ bán cho Saudi Arabia (PAC-2 và PAC-3 với tính năng kém hơn phiên bản gốc trang bị cho quân đội Mỹ) nói rằng, trung bình 4 tên lửa của hệ thống Patriot mới bắn hạ được một tên lửa đạn đạo Scud cổ lỗ; trong khi đó giá thành một tên lửa PAC-3 là 1 triệu USD.

Thất bại trong đánh chặn các vụ tiến công bằng tên lửa của lực lượng du kích Hauthis từ Yemen cho thấy Saudi Arabia ngày càng mất tin tưởng vào các hệ thống phòng không của Mỹ. Những thiệt hại của các cơ sở lọc dầu Abqaiq và Khurais ngày 14/9 đã nói nên tất cả; có thể đây là giọt nước tràn ly.

Có nhiều nguồn tin nói rằng Saudi Arabia sẽ tìm đến các loại vũ khí phòng không của Nga như Buk-M1 hoặc Pantsir-S1, là khắc tinh của UAV và tên lửa hành trình; tuy nhiên điều bất ngờ là Saudi Arabia lại tìm đến vũ khí phòng không của Hàn Quốc.

Theo tuyên bố chính thức của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), vào ngày 18/9 vừa qua (sau cuộc tấn công 4 ngày), Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã nêu vấn đề này trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In: "Riyadh quan tâm đến việc hợp tác với Seoul trong lĩnh vực vũ khí phòng không và mong Hàn Quốc giúp đỡ trong việc củng cố hệ thống phòng không của Saudi Arabia; cả hai bên đã đồng ý tiếp tục tham vấn về vấn đề này".

Hiện tại nền công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc đã sản xuất được hệ thống tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM (còn gọi là Cheolmae-2 hay Cheongung) nhằm thay thế các tổ hợp MIM-23 Hawk do Mỹ sản xuất đã quá lạc hậu.

KM-SAM là sự hợp tác giữa Cơ quan Quản lý mua sắm Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, tổng thầu là LIX Nex1 với MKB Fakel trực thuộc Tập đoàn vũ khí Almaz-Altey của Nga. Trên thực tế, công việc thiết kế được thực hiện ở Nga với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc. Sau khi giai đoạn phát triển hoàn tất, các chuyên gia Nga đã chuyển giao tất cả các công nghệ cho người Hàn Quốc và các hệ thống KM-SAM bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ năm 2015.

Tổ hợp KM-SAM được thiết kế để đánh chặn tất cả các loại máy bay (bao gồm cả máy bay không người lái), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Phạm vi đánh chặn tối đa là 40 km, chiều cao phòng không đến 20 km. Mặc dù có cự ly bắn hạn chế, nhưng KM-SAM vẫn vượt trội hơn nhiều mẫu tên lửa phòng không khác có trong biên chế Quân đội Hàn Quốc hiện nay. Tất cả các khối chiến đấu đều gắn trên xe tải việt dã bánh hơi, cho khả năng cơ động cao.

KM-SAM được trang bị radar trinh sát khá hiện đại, đó là một radar nhìn vòng ba tọa độ với ăng ten radar quét mảng pha điện tử thụ động (PESA). Tốc độ quay ăng-ten là 40 vòng/phút; khả năng đo cao đến 80º; radar hoạt động trong băng tần X, trùng với tần số của radar máy bay.

Hệ thống KM-SAM chỉ sử dụng một loại tên lửa cho tất cả các mục tiêu, ưu điểm của tên lửa là khả năng chịu quá tải lớn lên tới 50 g, do vậy tên lửa có thể cơ động với tốc độ cao. Tên lửa sử dụng phương pháp dẫn đường quán tính giai đoạn đầu, khi đến gần mục tiêu, một đầu dò radar chủ động được bật lên. Tên lửa có thể đánh chặn các mục tiêu có tốc độ đạt tới 1.000 m/s (tương đương gần 3 M); những tính năng này là quá đủ cho loại vũ khí mà Riyadh yêu cầu.

Theo thiết kế hiện tại, một hệ thống KM-SAM được trang bị tới 6 xe phóng di động, mỗi xe mang được 8 tên lửa kiêm ống phóng (ống bảo quản); tổng cộng một hệ thống KM-SAM là 48 tên lửa.

Với những đặc tính ưu việt của KM-SAM, cùng với đó là việc mua bán không bị Mỹ ngăn cản, Saudi Arabia hy vọng hệ thống phòng không đến từ Hàn Quốc có thể gia cố thêm vào hệ thống phòng thủ của họ chống lại các cuộc tiến công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình bay thấp.

Theo Tiếm Minh/Kiến thức

Theo Tiếm Minh/Kiến thức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/chan-nga-my-saudi-arabia-tang-cuong-phong-khong-bang-vu-khi-han-quoc/20191006075904794