Chặn mối nguy cho trẻ từ thiết bị tích điện

Ngày 23-10 vừa qua, một bé trai 14 tuổi ở tỉnh Bắc Ninh đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) trong tình trạng cụt 3 ngón bàn tay trái do pin quạt tích điện mà em đang sử dụng bất ngờ phát nổ. Đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến những thiết bị tích điện. Thực trạng này đòi hỏi các bậc phụ huynh nâng cao trách nhiệm với chính con mình, thay đổi ý thức tiêu dùng còn các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tối đa những mối nguy tiềm ẩn khi để trẻ sử dụng thiết bị tích điện.

Người dân nên tìm hiểu kỹ khi mua sản phẩm quạt cầm tay tích điện. Ảnh: Đỗ Tâm

Nguy cơ đến từ nhiều phía

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, bé trai cụt 3 ngón bàn tay trái do pin quạt tích điện phát nổ sống tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Khi đang nghịch pin của quạt tích điện thì pin bất ngờ phát nổ khiến em bị dập nát bàn tay trái, cụt các ngón 1, 2, 3.

Còn chị Nguyễn Thị Bảy, ở đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cho biết, từng mua một chiếc quạt tích điện mini cho con từ một người đi bán hàng rong. Có lần, chị sạc điện cho con. 3 tiếng sau, khi pin đầy, dây sạc nóng và có biểu hiện chảy nhựa, chị đã cảnh giác, không dám sử dụng tiếp chiếc quạt tích điện này. “Chiếc quạt tôi mua có giá 50.000 đồng ở hàng rong, nên chất lượng kém. Đúng là tôi mua sự nguy hiểm cho con mà không biết”, chị Bảy nói.

Không chỉ quạt tích điện mà trong thực tế, thiết bị sạc điện như đèn pin, sạc dự phòng, vợt bắt muỗi… cũng có thể gây cháy, nổ. Tìm hiểu tại các chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ, bán hàng rong… cho thấy, rất dễ mua các sản phẩm tích điện trôi nổi, không nguồn gốc ngoài thị trường như quạt tích điện mini với giá 20.000-100.000 đồng/chiếc; đèn pin, vợt bắt muỗi giá 20.000 - 50.000 đồng/chiếc; sạc pin dự phòng giá 50.000 đồng/chiếc...

Anh Nguyễn Ngọc Ánh, chủ cửa hàng sửa chữa đồ điện tử tại 14 Kiều Mai, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, có nhiều khách mang thiết bị tích điện, đặc biệt là quạt tích điện, sạc pin dự phòng… không rõ nguồn gốc đến sửa do bị chập điện gây hỏng. Anh Ánh cảnh báo: “May mắn là những trường hợp này chỉ bị chập nhẹ gây hỏng hóc thiết bị chứ không bị nổ. Nhưng đó cũng là cảnh báo nếu người lớn để trẻ em sử dụng các thiết bị dạng này. Nếu không may, sẽ xảy ra cháy nổ, gây nguy hiểm cho trẻ”.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các lực lượng chức năng kiểm tra một lô hàng thiết bị tích điện, đồ chơi điện tử không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Nhiều cách giảm nguy cơ

Là người trực tiếp phẫu thuật cho bé trai 14 tuổi ở Bắc Ninh, bác sĩ Đoàn Lê Vinh, Khoa Phẫu thuật chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho hay, kể cả chưa xác định bệnh nhân có sử dụng thiết bị tích điện trôi nổi, không rõ xuất xứ hay không, nhưng rõ ràng có nhiều trường hợp trẻ em chưa có kỹ năng sử dụng thiết bị.

Lý giải kỹ hơn, PGS Lê Văn Doanh, Trưởng khoa Điện và Bảo dưỡng công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa cho hay, nhiều quạt tích điện có kích thước, trọng lượng nhỏ, hẹp hơn quạt bình thường. Tuy nhiên, kéo theo đó, vị trí lắp pin cũng bị thu hẹp. Khi lắp pin vào không gian chật hẹp đó sẽ gây chập cháy, nổ pin. Tình huống hay gặp khác là, nhiều trẻ em khi sử dụng quạt tích điện trong tình trạng có mồ hôi tay hoặc để thiết bị vào chỗ ẩm ướt rất dễ xảy ra chập điện, phát nổ.

Còn theo anh Nguyễn Ngọc Ánh, nhiều người giữ thói quen sử dụng hàng thiết bị tích điện trôi nổi ngoài thị trường cho con là do những thiết bị này có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Mặt khác, bản thân nhiều phụ huynh cũng chưa ý thức được mức độ nguy hiểm khi xảy ra tai nạn.

Vì thế, bác sĩ Đoàn Lê Vinh khuyến cáo, bên cạnh trang bị kỹ năng kiến thức cho trẻ khi sử dụng các thiết bị tích điện thì chính các phụ huynh cũng cần từ bỏ thói quen mua, sử dụng thiết bị tích điện không bảo đảm chất lượng cho chính mình và con cái. Đặc biệt, phụ huynh không để con học theo những video tự chế liên quan đến thiết bị tích điện trên mạng xã hội. "Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, không sử dụng thiết bị tích điện trôi nổi, để không gây hại cho mình cũng như con mình", bác sĩ Đoàn Lê Vinh nói.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho hay, trong tháng 10-2020, Ban Chỉ đạo thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tổ chức thanh, kiểm tra 268 vụ hàng cấm, hàng lậu, trong đó có các thiết bị, linh kiện điện tử.

Cũng theo ông Chu Xuân Kiên, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc các thiết bị điện tử, thiết bị tích điện bày bán trên thị trường. Từ đó, góp phần hướng người tiêu dùng tìm đến các thiết bị tích điện rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Bản thân người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức, từ bỏ thói quen mua các thiết bị tích điện trôi nổi, để phòng ngừa tối đa những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng, của con em mình.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/982375/chan-moi-nguy-cho-tre-tu-thiet-bi-tich-dien