Chặn 'ma men' lái xe gây tai nạn

Liên tiếp những vụ TNGT kinh hoàng mà tài xế có nồng độ cồn gây ra thời gian gần đây đã cảnh báo...

Lái, phụ xe tải nhẹ dừng xe uống bia “cấp tốc” rồi lên xe đi tiếp (Chụp tại phố Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: Khánh Linh

Lái, phụ xe tải nhẹ dừng xe uống bia “cấp tốc” rồi lên xe đi tiếp (Chụp tại phố Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: Khánh Linh

Hậu họa khôn lường

20h tối 7/1, dọc các quán ăn trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đông kín người chúc tụng, nâng ly. Khoảng 21h tối 7/1, một nhóm người rời quán bia Tiệp Trúc Viên trên đường Trần Duy Hưng trong tình trạng loạng choạng, một người đàn ông phải có bạn dìu, nhưng vẫn gạt tay bạn, leo lên xe máy, lảo đảo chạy xe giữa dòng phương tiện nườm nượp về hướng siêu thị Big C Thăng Long. Đây là cảnh tượng phổ biến ở các nhà hàng, quán nhậu vào buổi trưa, buổi tối ở khắp mọi nơi.

Điểm đáng lưu ý trong vụ TNGT thảm khốc ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An ngày 2/1 khiến 4 người tử vong, 18 người bị thương, tài xế container Phạm Thành Hiếu (32 tuổi) bên cạnh kết quả xét nghiệm máu dương tính với heroin còn có nồng độ cồn cao. Tài xế Hiếu khai nhận, trưa 2/1 có tới nhà người quen để dự tiệc và có uống rượu bia rồi vẫn lái container đi từ TP Tân An (Long An) đi TP HCM.

Hà nội: Tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn trong cao điểm Tết

Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, dịp này, Phòng huy động tối đa lực lượng và phương tiện nghiệp vụ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, trong đó tập trung vào những hành vi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNGT, nhất là vi phạm sử dụng rượu bia lái xe.

TP HCM: Thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn

Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM, việc kiểm tra, đo nồng độ cồn với người tham gia giao thông trên địa bàn được đơn vị tổ chức thường xuyên, nhất là ban đêm. Đặc biệt, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các Đội CSGT được yêu cầu tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm này.

Thực tế cũng ghi nhận hàng loạt vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện say bia rượu gây ra. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra lúc 20h tối 25/12/2018, tại khu vực cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Hà Nội Trần Quyết Thắng (SN 1972, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội) điều khiển xe ô tô BKS 31F-9382 đã gây TNGT liên hoàn với 2 ôtô, 2 xe máy, khiến hai thai phụ bị thương. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, nồng độ cồn trong hơi thở của Thắng đo được là 1,177 miligam/lít khí thở, gần gấp 3 lần mức độ cao nhất trong quy định về mức phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô.

Trong vụ TNGT kinh hoàng khiến 1 người tử vong tại chỗ, 7 người bị thương tại ngã tư Hàng Xanh (phường 21, quận Bình Thạnh, TP HCM), nữ tài xế Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12, TP HCM) nồng nặc mùi bia rượu. Kết quả đo nồng độ cồn của bà Nga vượt quá cao so với quy định (0,94 miligam/lít khí thở).Tại cơ quan chức năng, bà Nga khai nhận trước khi xảy ra vụ việc đã uống nhiều bia rượu tại một nhà hàng trên đường Pasteur (quận 3).

PGS. TS. Nguyễn Đức Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Tính đến tháng 11/2018, tổng số tai nạn thương tích tại bệnh viện khoảng trên 28.000 trường hợp, trong đó gần 14.000 trường hợp TNGT (chiếm tỷ lệ 50%) và đa số TNGT có liên quan đến rượu bia.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thời điểm cuối năm thường xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến rượu bia vì người dân uống nhiều, đi nhiều nên dễ xảy ra tai nạn.Riêng dịp Tết,có tới 70% số vụ TNGT có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia.“Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận thực tế uống rượu bia cũng là một phần văn hóa, một phần của đời sống. Vấn đề là làm thế nào để người đã sử dụng rượu bia lựa chọn phương tiện di chuyển an toàn”, ông Hùng nói.

CSGT Tuyên Quang kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên đường Bình Thuận (phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang) - Ảnh: Yến Chi

Đưa người say về nhà an toàn

Trưa 8/1, tại nhà hàng Lương Sơn Quán (Hà Nội), anh Bùi Quang Thắng, Quản lý nhà hàng chia sẻ, do được tuyên truyền pháp luật TTATGT, nhất là nhấn mạnh hậu quả và các chế tài xử phạt nặng với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, nên các khách của nhà hàng cũng ý thức tốt hơn việc “say có chừng, dừng đúng lúc”. Khi cảm thấy khách hàng không đủ tỉnh táo, nhân viên có thể khéo léo tư vấn khách hàng để xe cá nhân lại và hỗ trợ tiền taxi cho khách về, hoặc gọi điện cho người thân đến đón. “Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng có thể tư vấn, việc này nhà hàng cũng chỉ thực hiện được đối với khách hành thân thiết”, anh Thắng nói và nhìn nhận, chương trình hỗ trợ khách nhậu say về nhà có ý nghĩa, thiết thực, giúp mang lại sự an toàn cho chính khách hàng và cũng là một nét văn hóa của nhà hàng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện đứng thứ 2 các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm.

Tại nhà hàng hải sản Chef Dzung trên đường Nguyễn Chí Thanh, anh Trịnh Hà Giang, quản lý nhà hàng cho biết, nhà hàng đã ký kết với Công ty Heineken để hỗ trợ một khoản kinh phí bằng 50% hóa đơn mỗi chuyến taxi đưa hành khách đã say rượu bia về nhà khi có yêu cầu. Sau khi ký kết thực hiện chương trình, nhà hàng đã cho dán logo, pa-nô, khẩu hiệu ở nhiều nơi như cửa ra vào, trên bàn ăn để tuyên truyền với các nội dung: “Đã uống rượu, bia là không lái xe”, “Nếu bạn say, chúng tôi có thể đưa bạn về”; “Bạn có thể để lại ô tô, sẽ có taxi đưa bạn về”. Tuy nhiên, theo anh Giang, dù ý nghĩa của mô hình là rất tốt nhưng nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ này còn rất dè dặt bởi e ngại giao phương tiện của mình cho quán hoặc đưa về.

Nên đọc

Để không còn bất an khi ra đường

Chị Nguyễn Thị Diệp, chủ nhà hàng Thắng An ở Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, tuy nhà hàng luôn sẵn sàng giữ xe cho khách và gọi taxi hoặc người thân đến đưa khách về, nhưng việc thuyết phục khách cũng không dễ dàng. “Với khách quen, họ tin tưởng nhà hàng, gửi xe lại, nhưng khách lạ, khách ở xa thì họ sẽ ngại ngần việc gửi xe hoặc quay lại lấy xe. Nhà hàng cũng chỉ có thể tư vấn nhẹ nhàng, không thể ép buộc khách”, chị Diệp nói.

“Mô hình đưa người uống rượu bia về nhà có ý nghĩa vận động, hiện không có quy định nào về trách nhiệm của người kinh doanh rượu bia trong việc này. Từ khi chương trình được triển khai, ý thức của chính những người kinh doanh rượu bia cũng được nâng cao. Trước đây, để tìm được một nhà hàng, quán ăn đồng ý kết nối vận tải để hỗ trợ hành khách sau khi uống rượu bia rất khó khăn nhưng đến nay, nhiều địa điểm kinh doanh rượu bia, nhà hàng đã thực hiện việc này, sẵn sàng tư vấn khách không tự lái xe về sau khi uống rượu bia. Và sự vào cuộc của chính các đơn vị kinh doanh rượu bia như Heineken phối hợp với các đơn vị vận tải, doanh nghiệp kinh doanh rượu bia tự tổ chức đưa hành khách về nhà sau khi đã uống rượu bia cũng góp phần tác động vào ý thức của cộng đồng, người tham gia giao thông”, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng:
Khuyến khích mô hình đưa người say về nhà

Trường Đại học Việt Đức vừa công bố nghiên cứu: Người có nồng độ cồn ở mức 1, có nghĩa là chỉ uống 1 lon bia thì nguy cơ TNGT cao gấp 3-4 lần so với người không uống rượu bia; và người đi xe máy uống rượu bia cũng nguy hiểm như thế. Do đó, ý thức khi đã uống rượu bia không lái xe kết hợp với mô hình có dịch vụ vận tải thuận tiện để đưa những người đã uống bia rượu từ quán về nhà sẽ rất hiệu quả trong giảm TNGT.

Ở Nhật Bản có quy định nếu chủ quán để cho khách sau khi đã uống rượu bia vẫn lái xe về và gây tai nạn thì họ truy tố cả chủ quán. Phải chăng chúng ta nên xem xét trách nhiệm và chế tài đối với những người bán rượu bia biết chắc rằng khách của mình phải lái xe sau khi rời quán mà không có thông điệp nào khuyến cáo khách hàng? Tại Việt Nam, nếu chúng ta coi đây là vấn đề thực sự quan trọng, giúp giải quyết căn cơ vấn nạn này, thì Bộ Y tế cũng nên xem xét, nghiên cứu báo cáo Quốc hội đưa quy định này vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Trần Duy (Ghi)

Đại tá Đỗ Thanh Bình,Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an):
Xử lý vi phạm nồng độ cồn ở nhiều khung giờ

Trong năm 2018,riêng xử lý về nồng độ cồn, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý170 nghìn trường hợp vi phạm,tăng 13,1% so với năm 2017.Đặc biệt,khi xảy ra cácvụ TNGT,Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT khikhám nghiệmhiện trườngbắt buộcphải kiểm tra nồng độ cồnđối với tài xếđể xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNGT.

Từ giữa tháng 12/2018 vừa qua, Cục CSGT đã mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội, trong đó yêu cầu lực lượng CSGT các địa phương tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để tập trung vào việc xử lý các hành vi có nguy cơ dẫn đến TNGT, nhất là vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, việc xử lý được tiến hành vào các khung giờ khác nhau chứ không cố định.

Ngoài các vị trí trọng điểm trên dọc tuyến QL1, lực lượng CSGT cũng sẽ tăng cường tuần tra xử lý trên các tuyến đường giao thông nông thôn, các tuyến phố nội thành.

Dịp cuối năm cũng là lúc nhiều cơ quan đoàn thể tổ chức liên hoan, tất niên... nên chắc chắn số người sử dụng rượu bia là rất lớn. CSGT khuyến cáo mỗi người dân đã uống rượu bia thì không lái xe để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác. Mong rằng mỗi người sẽ có ý thức hơn để được cùng gia đình, người thân đón Tết an lành, ấm áp, thay vì phải chứng kiến những tai nạn thảm khốc liên quan đến rượu bia như thời gian qua.

Văn Huế(Ghi)

Hải Quỳnh - Trần Duy

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/chan-ma-men-lai-xe-gay-tai-nan-d284684.html