Chặn lệch chuẩn môi trường học đường

Trường học không chỉ là nơi để học sinh lĩnh hội, tiếp thu kiến thức mà còn là bước đệm để hình thành nhân cách của mỗi người. Thế nhưng, trong môi trường học đường hiện nay điều đáng báo động là mầm mống bạo lực vẫn tồn tại…

Một biếm họa cho thấy bạo lực học đường đang đe dọa môi trường giáo dục.

Những vụ việc đau lòng

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc có liên quan tới bạo lực học đường liên tiếp xảy ra với mức độ nghiêm trọng cao, để lại nhiều hệ lụy khó lường đối với sức khỏe và tinh thần của con trẻ.

Có thể kể đến vụ thầy giáo Nguyễn Văn T, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bị học sinh Ngô Văn C đâm trọng thương phải nhập viện chỉ vì nhắc nhở học sinh này xóa hình xăm ở trên cổ. Vụ một thầy giáo ở Trường THCS Tân Thành H.Yên Thành, Nghệ An, bị người nhà học sinh đánh dập sống mũi phải nhập viện điều trị. Một giáo sinh tại một trường mầm non ở TP Vinh, Nghệ An lại bị người nhà học sinh hành hung dọa sẩy thai...

Trước đó, trong năm 2017, thống kê từ Bộ GDĐT cho thấy: Trong một năm học, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 vụ/ngày). Còn theo Trung tâm Kỹ năng sống Hoàn Năng thì nghiên cứu của nước ngoài với học sinh 5 nước châu Á, trong đó có Việt Nam: trung bình 10 học sinh thì có 7 em ở độ tuổi 12-17 trải nghiệm với bạo lực học đường. Việt Nam đứng thứ 2 trong 5 quốc gia được nghiên cứu có số học sinh phải hứng chịu nạn bạo lực.

Như vậy, vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng, không chỉ tồn tại trong một bộ phận học sinh mà còn xảy đến với cả các thầy, cô giáo và để lại nhiều hệ lụy khó lường.

Chuyện không của riêng ai

Theo ThS Vũ Thu Hà- chuyên viên tâm lý học đường Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội, thì do có sự “nở rộ” của mạng xã hội và truyền thông nên bạo lực học đường ngày càng tinh vi hơn.

“Nếu trước đây, bạo hành phần lớn là mâu thuẫn cá nhân thì hiện nay, chủ yếu là mâu thuẫn giữa các nhóm do học sinh kết giao bạn bè nhiều hơn. Trong đó, có mâu thuẫn giải quyết được và có cái không. Trước đây, bạn học giỏi được tôn trọng nhưng giờ các em chỉ sợ những người ghê gớm. Việc bạo hành thể xác nhanh hồi phục nhưng nếu bị khủng bố tinh thần, ngày nào cũng gửi tin nhắn hoặc chửi bới thường xuyên, sẽ rất bất hạnh cho cá nhân bị bắt nạt”- ThS Hà cho biết.

Cùng quan điểm, bà Bùi Thị Ngọc Thủy- giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) cho rằng, trước đây tình trạng bạo lực chỉ đơn giản như trêu chọc, tẩy chay, hy hữu lắm mới xảy ra đánh nhau chứ không như hiện nay. Việc đánh nhau trong trường học có tổ chức, có mục đích rồi quay clip đưa lên mạng để đe dọa người khác là rất nguy hiểm. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần do tác động của truyền thông và mạng xã hội.

Bà Ngô Thị Minh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, từ những vụ việc trong thời gian qua cho thấy, sự lệch chuẩn không chỉ diễn ra ở mỗi học sinh mà diễn ra ở cả giáo viên, phụ huynh.

Bà Minh cho rằng, tất cả tình huống diễn ra trong thời gian gần đây là những hiện tượng xã hội, chứng tỏ sự lệch chuẩn trong trường học. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải có những giải pháp sâu xa, giải quyết căn cơ bản chất của vấn đề để tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc bạo hành xuất phát một phần từ xã hội và việc ứng xử của giáo viên thiếu chuẩn mực, chưa làm gương cho học sinh. Ngoài ra, các trường học chưa phát huy hết được vai trò dân chủ. Nếu thầy trò nói chuyện được với nhau đã không xảy ra những đáng tiếc.

Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng bạo lực học đường cần có sợi dây liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chừng nào sợi dây này còn lỏng lẻo, ắt ngành giáo dục cũng như toàn xã hội sẽ còn phải giải quyết nhiều vụ việc kiểu như “sự đã rồi”.

Minh Thúy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/chan-lech-chuan-moi-truong-hoc-duong-tintuc401069