Chấn hưng giáo dục nên bắt đầu từ đâu?

Năm học mới bắt đầu và những vấn đề ngổn ngang, bế tắc trong giáo dục vẫn còn hiển hiện chưa có lời giải. Câu hỏi chấn hưng giáo dục nên bắt đầu từ đâu không dễ có được câu trả lời thỏa đáng.

Cuộc trò chuyện giữa PV NNVN với GS.TS Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học (Đại học Sư phạm Hà Nội) sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu hơn về nội tại giáo dục nước nhà. Ngay cả những giải pháp tưởng chừng rất đơn giản song suốt bao nhiêu năm nó vẫn là điểm tắc nghẽn.

GS.TS Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học (Đại học Sư phạm Hà Nội)

GS.TS Lê Huy Bắc vào chuyện với chúng tôi bằng một câu mở đầu khá dân dã. Ông nói, anh cứ hỏi, biết đến đâu tôi nói đến đó và tôi cũng không thực kỳ vọng có sự thay đổi nào ở đấy đâu (cười).

Mức lương 200 triệu, ở hay về?

Vâng thưa GS, nếu hỏi, chấn hưng giáo dục nên bắt đầu từ đâu thì kiến giải của ông sẽ là gì?

Tôi cho rằng, chỉ khi nào giáo dục nước nhà không còn thói dối trá và đời sống giáo viên được nâng lên thì may ra cuộc cách mạng chấn hưng giáo dục mới có niềm tin cho thành công. Tăng lương cho giáo viên e rằng việc này nằm ngoài khả năng của Bộ GD-ĐT. Bộ trưởng đã nhiều lần đề nghị các Bộ KH-ĐT, Tài chính song ai cũng thấy rất khó vì số lượng giáo viên rất lớn. Vì lẽ đó, quyết định việc này phải là Trung ương Đảng và Chính phủ.

Còn thói dối trá thì xã hội nào cũng có, nhưng đối với giáo dục thì nó sẽ làm băng hoại đạo đức con người vì sản phẩm của giáo dục là con người. Một trong những căn nguyên sinh ra thói dối trá chính là bệnh thành tích. Việc đó, không cần phải cấp cao nào giải quyết cả mà ngay chính trong nội tại ngành phải giải quyết dứt điểm, ngay trong chính mỗi nhà giáo.

Tôi nhớ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Bộ GD-ĐT có ra đề thi tự luận có yêu cầu thí sinh viết cảm nghĩ về vấn đề “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Tiếc thay, hiện tượng này đang ngày càng trầm trọng hơn, cứ tham chiếu vào kết quả thi 2 trong 1 vừa rồi ở một số địa phương thì rõ.

Thưa GS, chúng tôi muốn ông cắt nghĩa rõ hơn việc nếu không tăng lương cho giáo viên thì sẽ dẫn đến hệ lụy gì? Tại sao một việc tưởng chừng đơn giản ấy mà vẫn bế tắc bao năm qua?

Hệ lụy dễ thấy nhất mà tôi cho rằng rất nguy hiểm đấy là những người giỏi sẽ không gắn bó, cống hiến cho giáo dục. Khi không có những người thầy giỏi đứng trên bục giảng thì sẽ cho ra những thế hệ học sinh, sinh viên kém chất lượng.

Theo quan sát, những em học trường chuyên thì đa số các em cũng không chọn vào ngành giáo dục. Đây chính là hiện tượng “chảy máu” chất xám diễn ra phổ biến lâu nay trên một quy mô rất lớn.

Tôi được biết hằng năm nước ta có 12.000 đến 13.000 du học sinh ra nước ngoài học tập. Trong đó có khoảng 50% học tại Mỹ, số còn lại học ở châu Âu và các nước khác. Vậy có bao nhiêu người quay trở về làm việc phục vụ đất nước? Có một thực tế học xong, các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế người ta thu hút con em mình vào làm tại các vị trí quan trọng và được đãi ngộ làm việc tốt nhất. Trong số đó rất nhiều em làm việc ở các viện nghiên cứu danh tiếng.

Tôi vẫn tự hỏi trong số 13.000 học sinh ấy có bao nhiêu em lựa chọn ngành sư phạm để về phục vụ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Cái này gần như không có mà hầu hết các em đổ xô vào những lĩnh vực kinh tế, công nghệ thông tin…

Để chống bệnh thành tích, ngành GD-ĐT phải giải quyết dứt điểm từ “nội bộ”, từ chính nhà giáo (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Tôi biết một trường hợp cụ thể là con của đồng nghiệp sang Mỹ học chuyên ngành tin học. Học xong cháu được nhận vào làm việc ở Google. Sau khi nộp các khoản thuế thì mức lương mỗi tháng cháu nhận được tương đương 200 triệu VNĐ. Thật sự quá khủng khiếp về mức thu nhập ấy.

Còn tôi, là GS, mức lương mới sau khi trừ các khoản, thực nhận của tôi là 14,1 triệu đồng. Trong khi đó gần như cả cuộc đời tôi là đi học, nghiên cứu, trực tiếp giảng dạy. Nếu không chịu khó học và nghiên cứu thì sẽ tụt hậu trong khi mức thu nhập chỉ có thế. Một khi trả 200 triệu thì trong nước không thể đáp ứng được, vậy là khi có cơ hội ở các nước, du học sinh sẽ được trọng dụng. “Chảy máu” chất xám là mối nguy hại lớn cho bất cứ một quốc gia nào.

Không biết giáo dục sẽ đi về đâu

Thế những người không có điều kiện ra nước ngoài học, họ sẽ làm gì để cống hiến cho ngành giáo dục, thưa GS?

Điều mà giới chuyên môn chúng tôi trăn trở nhất chính là những người học ở trong nước phải sống chung, thậm chí chính họ là nơi khởi nguồn cho những điều nguy hại, đó là sự giả dối. Thực tế đã cho thấy rõ điều đó. Người ta bất chấp mọi quy định của pháp luật, coi thường nền tảng đạo đức mà thay vào đó là sự giả dối, để có thể nhanh chân vào một trường đại học.

Vụ việc vừa rồi ở Lạng Sơn nó rất kỳ quặc và phi lý ở chỗ, đó là việc sửa điểm không phải vào trường nào khác mà lại đa số vào các trường khối vũ trang? Như báo chí phản ảnh có những em ra trường bây giờ xin việc mất 200 đến 300 triệu đồng. Vậy phải chăng vào học công an thì các em sẽ không phải đóng nộp tiền ăn học và ra trường là có việc làm ngay.

Hiện tượng băng hoại đạo đức, chạy sửa điểm để vào trường khối vũ trang quả thực đang báo động đỏ. Đây chính là điều làm cho khủng hoảng giáo dục ngày càng trầm trọng thêm.

Nhân nói chuyện Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, tôi thấy ông Cục trưởng Cục Khảo thí Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh rất dũng cảm trong việc rà soát phanh phui một cách thẳng thắn về những hiện tượng tiêu cực trong thi cử vừa rồi để ngành giáo dục thêm một lần thấy u nhọt mà cắt bỏ. Chúng tôi - những người trong nghề đánh giá rất cao về sự dũng cảm của ông Trinh.

Ông Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Hà Giang) trước khi bị bắt về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ảnh chụp chiều 19/7: Phạm Dự

Bằng kinh nghiệm trong nhiều năm chấm thi tôi thấy không thể có nhiều em thi vào ngành công an có điểm giỏi nhiều như thế, thực tế lác đác chỉ có vài em thôi. Để giải quyết hoài nghi này, Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc. Vì thi vào cảnh sát cơ động thì không nên để công an thụ lý, bởi việc ở Lạng Sơn gây nên sự bất bình rất lớn trong giới trí thức ngành giáo dục.

Bản chất của giáo dục là đào tạo ra sản phẩm con người. Nền giáo dục không tốt sẽ tạo ra những con người không tốt. Nếu tiếp tục phó mặc thì không biết giáo dục sẽ đi đâu về đâu. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?

Tôi cho rằng đó là một ý kiến hay và rất trúng. Khi nhìn lại những người tinh túy nhất họ sẽ ra nước ngoài học tập, làm việc và định cư ở đó. Nếu cứ mãi như thế này thì không biết đất nước sẽ đi về đâu. Những người trong ngành như chúng tôi cảm thấy đau đớn, chua xót và hổ thẹn với tiền nhân khi mà giáo dục ngày càng nhiều bê bối, tiêu cực.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nâng cao đời sống giáo viên phải bằng quyết định của một cấp quản lí cao nhất, từ một người đứng đầu cơ quan này. Đi kèm với đó là phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ quản lý và triệt tiêu cho được bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử. Đồng thời có chính sách phù hợp để giữ chân người tài. Có như vậy mới hòng mong góp phần chấn hưng giáo dục nước nhà.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bỏ thi tốt nghiệp, trao quyền thi đại học cho các trường

GS.TS Lê Huy Bắc cho rằng, Đảng và Nhà nước phải dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục. Giáo viên phải được đảm bảo tốt mức sống để họ say mê cống hiến. Họ có dạy thêm theo nhu cầu của người học một cách chính đáng cũng không nên cấm. Nhà nước chỉ xử lý những thầy cô giáo vô trách nhiệm lợi dụng việc dạy thêm để trục lợi. Khi chưa đảm bảo đời sống cho giáo viên thì đừng dùng mệnh lệnh hành chính để cấm đoán.

Về cải cách thi cử, đối với mô hình 2 trong 1 cần phải điều chỉnh. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 97 - 98% theo tôi không nên tổ chức thi tốt nghiệp nữa. Còn nếu duy trì thì nên trả lại cho các Sở. Ở nhiều nước nhà trường tự công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Việc thi đại học vẫn phải trả về cho các trường đại học. Lúc đó việc vào đại học rất nhẹ nhàng chứ như hiện nay nó quá nặng nề và người ta sẵn sàng liều mạng bằng mọi giá để vào đại học.

VĂN HÙNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chan-hung-giao-duc-nen-bat-dau-tu-dau-post226218.html