Chặn gian lận xuất xứ: Hải quan tăng cường kiểm tra gỗ nhập khẩu

Nhằm chủ động phát hiện các hành vi gian lận, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam trong đó có mặt hàng gỗ, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý là mở rộng thu thập thông tin, điều tra các DN sản xuất, xuất khẩu gỗ.

Mặt hàng gỗ, trong đó có gỗ ép nhập từ Trung Quốc sẽ được cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mặt hàng gỗ, trong đó có gỗ ép nhập từ Trung Quốc sẽ được cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chủ động thông tin hàng hóa bị áp thuế chống bán phá giá

Theo lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trước tiên, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai thực hiện Đề án“Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mai và gian lận xuất xứ” theo Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Đó là tập trung xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ quy định cụ thể hơn trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục trong thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Bên cạnh đó là xác định trách nhiệm của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan sẽ hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khai báo là gỗ ván mặt, ván bóc, thành phẩm và bán thành phẩm gỗ ép, gỗ dán để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận trong việc nhập khẩu hàng hóa, gian lận xuất xứ.

Mặt khác, cơ quan Hải quan cũng chủ động thu thập thông tin về các mặt hàng bị Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... áp dụng thuế chống bán phá giá cụ thể đối với từng nước. Cùng với đó là phân tích, đánh giá số liệu để kịp thời phát hiện các mặt hàng, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá hoặc đang điều tra... để thực hiện kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan còn tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan các nước và Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á- Thái Bình Dương (RILO) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để kịp thời thu thập thông tin và phối hợp xác minh C/O có dấu hiệu gian lận

Đối với các cơ quan chức năng trong nước, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan Cục quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); các đơn vị thuộc Bộ Công an; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành hàng… để phát hiện sớm các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, qua đó xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến về số lượng, kim ngạch so với cùng kỳ để thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ.

Mở rộng xác minh, điều tra doanh nghiệp gỗ

Ngoài các giải pháp nêu trên, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng điều tra các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ ván ép, gỗ dán có số lượng tăng đột biến, bên cạnh đó tiếp tục điều tra xác minh làm rõ hành vi vi phạm đối với các công ty trên để xử lý theo theo quy định pháp luật.

Song song đó là tiếp tục đẩy mạnh thu thập thông tin, kiểm tra đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn giả mạo C/O, đối với một số mặt hàng trọng điểm có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn.

Qua thu thập, phân tích thông tin, cơ quan Hải quan tập trung điều tra làm rõ và xem xét khởi tố, đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với các tội: Buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng giả; tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan... đối với các hành vi như cố ý nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu, sao lậu ở quy mô thương mại hoặc nhằm thu lợi nhuận, cố ý nhập khẩu và sử dụng nhãn, bao gói giả mạo ở quy mô thương mại hoặc nhằm thu lợi nhuận

Cơ quan Hải quan cũng kiến nghị Bộ Công Thương, VCCI siết công tác quản lý cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP đối với trường hợp qua kết quả kiểm tra, thanh tra xác định hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhất là đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, bán thành phẩm về sản xuất thành phẩm để xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng xác nhận khống nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm xuất khẩu nhằm ngăn chặn việc gian lận xuất xứ.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về hành vi, thủ đoạn, tác hại, hậu quả của gian lận thương mại đối với sản xuất trong nước, cũng như hoạt động xuất khẩu. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước cũng như bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/chan-gian-lan-xuat-xu-hai-quan-tang-cuong-kiem-tra-go-nhap-khau-108458.html