Chặn gian lận xuất xứ: Điều tra 6 doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ

Thông tin được Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Phi Hùng đề cập tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Tổng cục Hải quan diễn ra chiều nay (15/7).

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: T.Bình.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: T.Bình.

Chủ động ngăn vi phạm về xuất xứ

Liên quan đến vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với hàng hóa nước ngoài lợi dụng xuất xứ (C/O) Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ 3 nhằm hưởng ưu đãi, ông Nguyễn Phi Hùng đánh giá, với vị thế địa chính trị của nước ta và trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… tình hình này có nhiều diễn biến phức tạp.

“Với nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, Hải quan Việt Nam hết sức chú trọng, chủ động trong kiểm soát, chống gian lận C/O. Lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý một số vụ việc, điển hình như vụ hàng nghìn tấn mật ong có xuất xứ Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để đưa đi nước khác. Hay việc kịp thời phát hiện, chặn đứng một vụ việc có nguy cơ đưa hàng triệu tấn nhôm thành phẩm từ nước ngoài vào theo loại hình kho ngoại quan để lấy C/O Việt Nam có thể xuất đi nước thứ 3…”- Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu nhấn mạnh.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp gần đây, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục chủ động vào cuộc.

Đáng chú ý, Cục Điều tra chống buôn lậu đang tập trung điều tra 6 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực XNK mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch tăng trưởng bất thường.

“Riêng năm 2018 có doanh nghiệp nhập khẩu ván ép từ Trung Quốc có kim ngạch tăng bất thường lên hàng chục triệu USD, hàng trăm tỷ đồng”- lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu thông tin.

Quá trình điều tra, cơ quan Hải quan xác định được một số sai phạm như: Sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu nhưng ký khống; giấy chứng nhận sử dụng đất giả trong hồ sơ nhằm chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam.

Làm việc cơ quan Hải quan, đại diện doanh nghiệp cũng thừa nhận thu mua nguyên liệu như keo, bạch đàn từ các hộ dân; có cả trường hợp sử dụng dụng chiêu thức quay vòng hóa đơn Giá trị gia tăng cho nhiều lô hàng để xin cấp C/O với số lượng hàng hóa vượt quá số lượng trên hóa đơn…

Có trường hợp doanh nghiệp nhập ván bán thành phẩm từ Trung Quốc để sản xuất gỗ nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O, quá trình điều tra, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện hành vi lập hợp đồng khống mua nguyên liệu gỗ keo, bạch đàn của các hộ dân với mục đích xin C/O (Việt Nam) để xuất khẩu.

Quá trình điều tra, cơ quan Hải quan cũng xác định trách nhiệm của một số chính quyền địa phương và một số cơ quan quản lý khác, bởi những người dân có liên quan khẳng định không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng nhưng vẫn khai báo đã được cấp để trồng gỗ xuất khẩu...

Đáng báo động, có dấu hiệu một số UBND xã buông lỏng quản lý thông qua việc ký khống đối với một số đơn đề nghị cấp phép khai thác, bản kê lâm sản khai thác...

Đối với cơ quan cấp phép, Cục Điều tra chống buôn lậu xác định một số bản kê khai thác lâm sản không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, tức là không hợp lệ nhưng cơ quan cấp phép vẫn cấp C/O; thậm chí trong nhiều bảng kê bị thiếu tiêu chí, trùng lắp, khai sai, thậm chi mâu thuẫn nhau nhưng cơ quan cấp phép vẫn cấp phép…

Giày tạm nhập từ Trung Quốc về cảng Hải Phòng còn nguyên niêm phong nhưng bên trong hàng hóa có chữ Made in Viet Nam, được cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ.

Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu còn phát hiện Công ty Hữu Nghĩa (Lạng Sơn) nhập hàng nghìn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi sản xuất ở Việt Nam; có công ty nhập khẩu nguyên sản phẩm khóa từ Trung Quốc nhưng lại thể hiện là khóa Việt – Tiệp, sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam; thậm chí có công ty nhập hàng từ Trung Quốc nhưng ghi sẵn nhãn mác hàng hóa nổi tiếng trên thế giới…

Tại TPHCM, cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ vụ việc Công ty Trần Vượng nhập hàng tỷ đồng loa, âm ly Nonamax sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam...

“Rõ ràng Tổng cục Hải quan, cục hải quan các địa phương đã quyết liệt, chủ động kiểm tra, kiểm soát đối với những vụ việc có dấu hiệu gian lận C/O Việt Nam”- Cục trưởng Nguyễn Phi Hùng khẳng định.

Khởi tố 9 vụ việc vi phạm về pháp luật

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 các đối tượng đầu nậu, người nước ngoài tổ chức đưa phế liệu không đạt tiêu chuẩn, phế thải vào Việt Nam.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động phát hiện được sự tăng trưởng đột biến của của hoạt động nhập khẩu phế liệu và có những chỉ đạo quyết liệt.

Đồng thời, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các bộ, ngành liên quan để phân tích, chỉ rõ những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước nói chung để báo cáo Thủ tướng.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, trong đó tiếp tục giao Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan triển khai các công việc liên quan đến phòng ngừa, xây dựng cơ chế quản lý mới, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Có thể nói, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực, đi đầu trong công tác phòng, chống vi phạm trong nhập khẩu phế liệu.

Đáng chú ý, đến nay, cơ quan Hải quan đã khởi tố 9 vụ việc vi phạm liên quan đến nhập khẩu phế liệu. Trong đó, Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố 6 vụ, Cục Hải quan Hải phòng khởi tố 2 vụ, Cục Hải quan An Giang khởi tố 1 vụ.

Nhờ đó, số container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển đã giảm gần 8.000 container so với cuối năm 2018.

Đặc biệt, quá trình thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu cơ quan Hải quan phát hiện phương thức, thủ đoạn mới là đưa ma túy vào Việt Nam thông qua phế liệu nhập khẩu.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/chan-gian-lan-xuat-xu-dieu-tra-6-doanh-nghiep-trong-linh-vuc-go-108108.html