Chặn eo biển Hormuz, Iran có dám?

Iran khẳng định sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nếu bị chặn mọi đường xuất khẩu.

Cố vấn cao cấp của nhà lãnh đạo tối cao của Iran về các vấn đề quốc tế, Ali Akbar Velayati đã có chuyến thăm Nga và tham gia một buổi thảo luận tại Valdai.

Tại đây ông phát đi tuyên bố, một khi Iran bị tìm mọi cách chặn đường xuất khẩu, Iran sẽ trả thù.

Eo biển Hormuz.

"Phản ứng minh bạch, đầy đủ và kịp thời nhất được đưa ra bởi Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong chuyến đi cuối cùng của ông tới châu Âu. Câu trả lời của chúng tôi rõ ràng: Nếu Iran không thể xuất khẩu dầu qua Vịnh Ba Tư thì cũng không ai được xuất khẩu" - ông Ali Akbar Velayati nói.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong chuyến thăm châu Âu trước đó đã bác bỏ mạnh mẽ các tuyên bố của Mỹ đe dọa "đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về số không", thề sẽ quyết ngăn cản các tàu chở dầu trong khu vực. Eo biển Hormuz sẽ là một con bài chủ của nước này.

"Không nước nào ở vùng Vịnh có thể xuất khẩu được dầu mỏ nếu Iran bị ngăn cản làm việc đó" - Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố trong chuyến thăm các nước châu Âu gồm Thụy Sỹ và Áo từ ngày 2-6/7.

Phần lớn dầu thô được xuất khẩu từ Saudi Arabia, Iran, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Kuwait và Iraq đi qua eo biển Hormuz.

Đây cũng là con đường cho gần như tất cả các lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới - Qatar.

Eo biển Hormuz là một đoạn hẹp nằm giữa vịnh Oman và vịnh Ba Tư với bờ Bắc là Iran và bờ Nam là UAE và Musandam, một phần đất tách ra của Oman.

Bờ biển phía đảo Musandam gập ghềnh nhiều đá ngầm và nông, nên các tàu chở dầu lớn không thể đi qua eo Hormuz mà không đi qua lãnh hải của Iran.

Bên cạnh đó, các loại vũ khí mà các quốc gia vùng vịnh Ba Tư mua từ Mỹ và châu Âu chỉ có đường đi qua eo biển Hormuz mới đến được đích.

UAE và Arabia Saudi đã nhiều lần tìm cách vượt qua eo biển này mà không qua khu vực do Iran kiểm soát nhưng không có con đường thay thế thực sự nào.

Đi qua eo biển này từng rất nguy hiểm trong quá khứ bởi có những căng thẳng giữa Tehran và Washington tại đây. Hạm đội thứ năm của Hoa Kỳ, có trụ sở tại Bahrain, được dành riêng để bảo vệ các tàu thương mại trong khu vực. Đầu năm 2008, Mỹ cho biết các tàu thuyền Iran đã đe dọa các tàu chiến của họ tại khu vực eo biển này.

Vào tháng 7/2010, một tàu chở dầu của Nhật Bản 'M Star' đã bị tấn công ở eo biển, và một nhóm liên kết của Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm. Vào tháng 5/2015, các tàu chiến Iran đã tấn công một tàu chở dầu có gắn cờ Singapore, buộc tàu phải bỏ chạy.

RT dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, giá dầu có thể tăng tới 250 USD/thùng trong trường hợp Iran chặn eo biển chiến lược này.

Trang Stratfor của Mỹ nhận định, nếu Tehran phong tỏa eo biển Hormuz sẽ tác động lớn đến nguồn cung dầu thô toàn cầu, có thể kéo giá dầu lên cao, làm ảnh hưởng tới tất cả các nhà nhập khẩu dầu mỏ hoặc khí tự nhiên lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Nhiều chuyên gia coi sự đe dọa của Iran là tuyên chiến. Xét về tiềm lực quân sự, đặc biệt là sức mạnh hải quân, Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển này bất cứ lúc nào họ muốn.

Lực lượng Hải quân Iran chỉ cần sử dụng một phần sức mạnh là có thể đóng cửa hoàn toàn eo Hormuz. Nhưng đây là sự lựa chọn mà Iran sẽ phải trả giá cao bởi Mỹ cũng đã tìm cách để hiện diện quân sự ở đây. Đóng cửa eo Hormuz có nghĩa là châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực và có thể dẫn đến khả năng mở rộng ra phạm vi toàn cầu.

Một số chuyên gia nhận định, việc dọa đóng cửa eo biển Hormuz của Iran chủ yếu là đòn chiến tranh tâm lý. Bởi lựa chọn này không khiến Iran có được cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Iran vẫn đang cố gắng tìm ra một giải pháp để vừa có thể xuất khẩu được dầu mỏ vừa tránh được sự đối đầu toàn diện về quân sự cũng như về chính trị với Mỹ, Israel và các nước vùng Vịnh.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chan-eo-bien-hormuz-iran-co-dam-3361802/