Chân dung vị tướng quyền lực của Iran vừa thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ

Tướng Qasem Soleimani vừa thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ là một nhân vật quyền lực và có tầm ảnh hưởng không chỉ tại Iran mà còn trong toàn khu vực Trung Đông.

Tướng Qasem Soleimani vừa thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ là một nhân vật quyền lực và có tầm ảnh hưởng không chỉ tại Iran mà còn trong toàn khu vực Trung Đông.

Ông Qasem Soleimani

Ông Qasem Soleimani

Tướng Qasem Soleimani là nhân vật nổi tiếng không chỉ tại Iran mà còn trong toàn khu vực. Ông nắm vai trò lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tên tuổi của ông cũng được biết đến rộng rãi vì vai trò trong các cuộc chiến tại Syria và Iraq.

Vị tướng này cũng là nhân vật giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông – nơi mà các đối thủ của Tehran như Mỹ, Israel hay Saudi Arabia đang cạnh tranh để có được vị thế quan trọng.

Trong khi đó, lực lượng Quds do ông lãnh đạo đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như tiến hành các hoạt động nằm ngoài biên giới của Iran, hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi ông Assad gần như bị thất bại trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 và giúp đỡ các nhóm vũ trang đánh bại tổ chức khủng bố IS tại Iraq và vùng Cận đông.

Tướng Soleimani sinh ngày 11/3/1957 tại làng Qanat-e Malek, tỉnh Kerman, trong một gia đình nông dân nghèo. Thời trẻ, ông đã chuyển tới thành phố Kerman và làm công nhân xây dựng để kiếm tiền trả nợ thay cha.

Ông bắt đầu sự nghiệp quân sự của mình trong Chiến tranh Iran - Iraq đầu những năm 1980, và nhanh chóng nổi tiếng về lòng dũng cảm cũng như tài chỉ huy.

Qassem Soleimani được bổ nhiệm làm chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds vào năm 1998. Dù “im hơi lặng tiếng” suốt nhiều năm qua, nhưng ông đã giúp củng cố quan hệ của Iran với nhiều đồng minh gồm lực lượng Hezbollah tại Lebanon, chính quyền Tổng thống Al Assad và các nhóm dân quân Shia tại Iraq. Thời gian gần đây, ông bước lên “vũ đài chính trị” khi nhiều lần xuất hiện cùng Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei và nhiều lãnh đạo Shia khác.

Soleimani được cho là chỉ mất 6 tuần huấn luyện chiến thuật trước khi tham gia cuộc chiến đầu tiên tại tỉnh West Azerbaijan của Iran. Ông bắt đầu nổi lên như một anh hùng dân tộc trong cuộc chiến Iran - Iraq vì những chiến dịch do ông dẫn đầu dọc biên giới của Iraq.

Sau khi chính phủ Iraq được tái lập vào năm 2005, ảnh hưởng của Soleimani đã lan rộng sang giới chính trị Iraq, dưới sự lãnh đạo của các cựu Thủ tướng Ibrahim al-Jaafari và Nouri al-Maliki. Thời gian đó, Tổ chức Badr - lực lượng bán quân sự “ủng hộ Iran lâu đời nhất tại Iraq”, đã trở thành một nhánh của nhà nước Iraq, sau khi Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ nằm dưới sự kiểm soát của một phe cánh chính trị thuộc nhóm vũ trang này.

Sau khi cuộc nội chiến tại Syria nổ ra vào năm 2011, tướng Soleimani đã chỉ đạo một số tay súng trong lực lượng của ông tới Syia để bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad.

Tướng Qassem Soleimani là vị tư lệnh lừng danh của Iran. Ảnh: Reuters

Theo Mohamad Marandi, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Tehran, vai trò của tướng Soleimani trong việc đánh bại IS đã đưa ông trở thành “anh hùng dân tộc” trong mắt của người dân Iran và các nước Trung Đông khác.

“Nếu không nhờ những người như ông ấy, khu vực này sẽ chứng kiến những lá cờ màu đen (của IS) ở khắp mọi nơi”, chuyên gia Marandi nhận định.

Dù rất được các nhóm phiến quân chống Mỹ tôn sùng, tướng Soleimani bị Washington liệt vào danh sách khủng bố và trở thành mục tiêu săn lùng của tình báo CIA của Mỹ và Mossad của Israel.

Qassem Soleimani từng thoát chết trong nhiều vụ ám sát do các cơ quan tình báo của phương Tây, Israel và Saudi Arabia thực hiện suốt 20 năm qua. Gần đây nhất, vào tháng 10/2019, Iran đã phá vỡ âm mưu sát hại ông Soleimani của cơ quan tình báo Israel và các cơ quan tình báo Arab khác.

Vào ngày 2/1 vừa qua, ông Qasem Soleimani được xác nhận là đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế ở Baghdad, Iraq.

Hoa Vũ (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/chan-dung-vi-tuong-quyen-luc-cua-iran-vua-thiet-mang-trong-cuoc-khong-kich-cua-my-a307052.html