Chân dung người chuẩn bị là tân Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc

Theo đánh giá, ông Dịch Cương sẽ nắm giữ một cơ quan mạnh hơn và quyền lực hơn so với thời điểm ông Chu Tiểu Xuyên tiếp quản cơ quan này vào năm 2002, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép lớn hơn, nhiều thách thức phức tạp hơn.

Ông Dịch Cương sắp là tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - Ảnh: Internet

Theo Reuters, Quốc hội Trung Quốc chuẩn bị thông qua việc bổ nhiệm ông Dịch Cương làm tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thay thế cho ông Chu Tiểu Xuyên gần đến tuổi nghỉ hưu. Phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg hôm Chủ nhật 18.3, Thứ trưởng Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế - ông David Malpass, đã tuyên bố rằng Dịch Cương là một nhà kỹ trị đầy tài năng và mạnh mẽ, và rằng Mỹ rất muốn có một cuộc hội đàm quan trọng với các nhà lãnh đạo mới mà Trung Quốc đã lựa chọn.

Dịch Cương gia nhập Ngân hàng Trung ương Trung Quốc năm 1997 và giữ nhiều chức vụ khác nhau trước khi chính thức được bổ nhiệm làm Phó thống đốc và là người điều hành Cục Quản lý ngoại hối. Là người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ, Dịch Cương là người đã mở rộng quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên mức cao nhất trên thế giới, đạt đỉnh điểm khoảng gần 4.000 tỉ USD vào năm 2014. Ngoài ra, Dịch Cương cũng là người chủ trương nới lỏng các hạn chế thương mại tiền tệ và nhấn mạnh hơn vào việc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế. Cũng giống như Chu Tiểu Xuyên, Dịch Cương là người sử dụng tiếng Anh lưu loát và có mối quan hệ mật thiết với các nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Dịch Cương tốt nghiệp Đại học Hamline ở St. Paul, Minnesota và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Illinois, trước khi chuyển sang làm giáo sư tại Đại học Indiana vào năm 1986.

Theo đánh giá, Dịch Cương sẽ nắm giữ một PBOC mạnh hơn và quyền lực hơn so với thời điểm Chu Tiểu Xuyên tiếp quản cơ quan này vào năm 2002, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép lớn hơn và nhiều thách thức phức tạp hơn. Không chỉ phải có nhiệm vụ giúp kinh tế Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ổn định (mục tiêu Bắc Kinh đặt ra là 6,5% trong năm nay), mà còn phải giải quyết hàng loạt các thách thức lớn được tích tụ lâu năm trong nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là tỷ lệ nợ đã chạm ngưỡng 300% GDP của nước này.

Dù được tiếp quản một PBOC mạnh hơn và quyền lực hơn, nhưng theo đánh giá, Dịch Cương có thể cũng sẽ phải chịu nhiều sức ép và sự kiểm soát hơn so với người tiền nhiệm Chu Tiểu Xuyên. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thiết lập hàng loạt các cơ quan quản lý kinh tế thay thế cho vai trò của chính phủ cũng đang khiến sự giám sát với PBOC gia tăng. Theo dự báo, Liu He – thành viên Bộ Chính trị và hiện là Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia – sẽ là cấp trên và là người giám sát trực tiếp Dịch Cương. Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Tập là cải cách hệ thống tài chính và kiểm soát các rủi ro về nợ công, vì thế sẽ khó có chuyện cho phép PBOC vuột ra khỏi sự kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, Dịch Cương sẽ phải chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định tài chính có ảnh hưởng quyết định đối với nền kinh tế hiện đang đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu. Không chỉ phải giúp kinh tế Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ổn định và giảm thiểu các nguy cơ và rủi ro trong hệ thống tài chính của nước này, Dịch Cương cũng sẽ phải đối đầu với nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ có thể xảy ra trong thời gian tới. Ngoài ra, một thách thức khác là việc Bắc Kinh đang kiềm chế gia tăng tín dụng và giảm nhiệt thị trường bất động sản – động thái có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm đi đáng kể trong năm nay cũng như các năm sau.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/chan-dung-nguoi-chuan-bi-la-tan-thong-doc-ngan-hang-tu-trung-quoc-84108.html