Chân dung một người vợ 'ăn bám'

Tôi bắt đầu một tuần mới bằng tiếng càm ràm trong cơn ngái ngủ của chồng: 'Dù đúng hay sai thì thứ Hai vẫn phải đi làm. Cứ như em là sướng, chẳng cần biết hôm nay là thứ mấy, trời nắng hay mưa, giờ nào thì tắc đường, chẳng bao giờ phải lo sớm muộn'. Tôi đã quen những lời kiểu như vậy của chồng.

Trước khi lập gia đình, tôi là một hướng dẫn viên du lịch. Nghề nghiệp đòi hỏi tôi luôn phải xinh đẹp, năng động, tươi trẻ, dễ gần.

Khi yêu tôi, anh nói chỉ cần tôi muốn, anh sẽ để tôi làm công việc yêu thích của mình. Gặp được một người đàn ông vừa yêu mình, vừa hiểu cho công việc của mình khiến tôi không ngần ngại gật đầu kết hôn.

Sau khi cưới, tôi lập tức mang thai mà lại là thai đôi. Khỏi nói, cả nhà mừng vui đến cỡ nào. Khi thai kì ở tháng thứ bảy, anh vận động tôi xin nghỉ sinh sớm để dưỡng thai. Sau sinh, việc có một lúc hai đứa trẻ khiến tôi quay cuồng, có thời điểm cảm thấy mình như bị trầm cảm.

Hết thời kì thai sản, chồng bảo tôi “em xin nghỉ việc đó đi, công việc đó không phù hợp với em nữa rồi, chờ con lớn xíu rồi tìm việc khác”. Mẹ chồng tôi cũng nói “một đứa thì mẹ còn chăm được chứ hai đứa thì mẹ chịu”. Vậy là tôi nộp đơn xin nghỉ việc, chính thức trở thành mẹ bỉm sữa toàn thời gian.

Ai đã làm mẹ đều hiểu, chăm sóc một đứa trẻ rất vất vả, chăm một lúc hai đứa, nỗi vất vả nhân lên gấp đôi, cùng với nó là sự tốm kém về tiền bạc. Hai đứa con tôi sinh nhẹ cân, thể trạng yếu nên cực kì vất vả. Một ngày của tôi không biết bắt đầu chính xác lúc mấy giờ. Tôi luôn trong tình trạng thèm ngủ nhưng lại không thể ngủ. Một mình chồng tôi lo kinh tế cũng nặng vai. Tôi muốn mỗi khi anh về nhà là được nghỉ ngơi, nhà cửa sạch sẽ, ăn uống đàng hoàng tử tế nên không để mình nghỉ ngơi chút nào.

Có lẽ vì tôi đã quá đảm đang nên chồng tôi nghĩ rằng tôi ở nhà nhàn hạ. Anh luôn kêu ca thời buổi người khôn của khó, rằng gì cũng tăng giá nhưng lương không tăng. Mỗi khi tôi hỏi chuyện tiền nong, anh đều khó chịu: “Em tính toán chi tiêu bớt bớt lại tý. Em cái gì cũng giỏi, chỉ có tiết kiệm là không giỏi. Anh không phải trâu ngựa, cũng không phải cái máy in tiền”.

Thế nhưng, hễ nhà nội có việc gì, cần sắm mua gì anh đều bảo tôi lo liệu, biếu xén ông bà. Rồi ngày lễ lạt gì lại rủ cả nhà đến ăn nhậu. Mẹ muốn phụ việc gì anh cũng xua đi “mẹ ngồi chơi với cháu, vợ con nó làm nhoáng tý là xong”. Các em muốn rửa bát thay chị cũng bị anh can ngăn “lên ngồi ăn trái cây đi, để đó vợ anh làm, cô ấy có làm gì đâu”.

Một tối, tôi chờ cơm anh về muộn. Cho con ngủ xong, ra ngoài thấy mâm cơm chẳng còn gì. Anh biết chuyện liền cáu “ở nhà làm gì mà còn chưa ăn cơm?”. Nước mắt tôi cứ thế chảy dài, lòng ngập tràn nỗi ấm ức. Với chồng tôi, dù tôi có tất bật từ sớm đến khuya thì trong suy nghĩ anh, tôi vẫn là “có làm gì đâu”.

Có lần, hai đứa trẻ theo nhau ốm. Chúng ho, sốt hai ngày không cắt. Rõ ràng là tôi có đo nhiệt độ thường xuyên, không hiểu sao lúc đang bế con, thấy con gục đầu xuống, mắt trợn ngược, mặt tím tái và rồi chân tay bắt đầu co giật. Tôi hốt hoảng nhờ bác hàng xóm chở hai mẹ con tới viện, đứa còn lại nhờ vợ bác trông hộ. Trên đường đi, sợ hãi đến mức cảm thấy như địa ngục đang ở rất gần. Đến viện, tôi gọi điện cho anh, anh cáu “Ở nhà có mỗi chăm con thôi mà hở tý là gọi chồng. Anh đi làm chứ có phải đi chơi đâu mà muốn về lúc nào thì về. Nhà này mà sểnh anh ra là chết cả nút”.

Làm vợ, ai cũng muốn được chồng chia sẻ, nhưng tôi sau nhiều chuyện mới nhận ra, chồng tôi thực sự không hề muốn chia sẻ với vợ việc gì. Anh coi ra ngoài kiếm tiền chính là nhiệm vụ nặng nề và cao cả nhất, ngoài ra mọi việc khác chỉ là chuyện nhỏ, là vặt vãnh.

Nhà người thân có giỗ chạp anh cũng giục tôi bồng bế con về: “Em không làm gì thì đến sớm phụ mọi người một tay”. Ai khen hai đứa con kháu khỉnh anh cũng cười: “Thì mẹ nó có làm gì đâu mà không chăm được con kháu khỉnh”. Mẹ chồng tôi trong chuyện phiếm với họ hàng cũng không ngớt lời xót thương anh: “Cái thằng đến khổ, một mình làm nuôi bốn miệng ăn”.

Khi hai đứa nhỏ sinh nhật tuổi lên ba, tôi gửi hai con đi nhà trẻ. Anh ngạc nhiên hỏi:

- Em đi làm á? Thôi em ở nhà đi, coi như anh cố một tý. Mấy năm nay em không đi làm mà còn kêu ở nhà làm không hết việc, giờ đi làm rồi thế nào?

- Thế nào thì thế, anh cũng thu xếp lại thời gian, đừng có thường xuyên về muộn nữa. Bớt bia bọt, bóng banh đi. Chúng ta sẽ cùng đi làm, cùng chăm sóc con, cùng chia sẻ mọi việc trong nhà. Em chia sẻ áp lực kiếm tiền với anh, anh chia sẻ áp lực việc nhà với em, được chứ?

Mẹ chồng tôi sau khi biết tôi rục rịch xin đi làm liền thở than: “Là đàn bà, cứ chăm con cho tốt, hàng ngày cơm ngon canh ngọt cho chồng là sướng tấm thân, bon chen kiếm tiền làm gì. Nhìn xem, có mấy người được như chồng con, muốn vợ ở nhà còn mình nai lưng ra kiếm tiền chứ. Đúng là, có phúc mà không biết hưởng”.

Theo Mi Mi/Dân Trí

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/chan-dung-mot-nguoi-vo-an-bam-20190822101546083.htm