Chân dung một cựu chiến binh tỏa sáng trong đời thường

Tôi gặp ông Nguyễn Văn Khánh trong Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến của cựu chiến binh, người có công… do Thành ủy, UBND TP Hà Nội tổ chức. Ông kể tôi nghe chặng đường trận mạc đã trải qua…

Anh thanh niên Nguyễn Văn Khánh nhập ngũ tháng 12-1971 khi ấy vừa tròn 20 tuổi. Anh về đầu quân tại Đại đội 18, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320. Được huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật hữu tuyến điện (HTĐ) tròn 1 tháng. Tháng 1-1972 cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị.

Quảng Trị là chiến trường ác liệt nhất miền Nam. Là nơi có vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Bắc – Nam chạy dọc theo sông Bến Hải. Phía bắc sông là miền Bắc XHCN. Phía nam sông là “đất lửa” Quảng Trị dưới ách chiếm đóng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước.

Tháng 2-1972, Sư đoàn 320 có mặt tại Quảng Trị và mở chiến dịch đánh các cứ điểm từ Cửa Việt đến Đông Hà, Ái Tử, Gio Linh… Sau đó chỉ huy sở Trung đoàn 27 đứng chân tại Đại Lộc quận Triệu Phong, Quảng Trị. Đồng chí Khánh bấy giờ là tiểu đội trưởng thông tin hữu tuyến điện thuộc Đại đội thông tin Sư đoàn 320. Tiểu đội của Khánh có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc từ chỉ huy sở Trung đoàn đến Tiểu đoàn 3 ở An Lộng thuộc chốt cao điểm thành cổ và Tiểu đoàn 47 ( bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị ) đứng chân ở Bích La Đông. Các Tiểu đoàn 1 đứng chân ở Đại Lộc, Tiểu đoàn 2 đứng chân ở quận Triệu Phong. Đường dây từ chỉ huy sở Trung đoàn xuống các tiểu đoàn, gần là 1,5km, xa là 2,5km.

Ông Khánh đang đọc bản tin ở đài truyền thanh xã.

Thành cổ Quảng Trị ngày đêm rung chuyển pháo các loại của cả hai phía. Riêng Mỹ, ngụy chúng có ưu thế là nhiều pháo, xe tăng, máy bay phản lực, trực thăng chiến đấu cùng B52, B57 ngày đêm dội bom xuống trận địa quân giải phóng.

Bộ đội thông tin hữu tuyến cực kỳ gian khổ và chịu đựng ác liệt vô cùng. Nhiệm vụ của các anh là vận động trên mặt đất để rải dây. Bom pháo đánh đứt dây, đội bom, pháo đi nối dây bảo đảm thông tin liên lạc không được phép gián đoạn…phục vụ chỉ huy chiến đấu nhanh chóng kịp thời.

Ngày 5-6-1972, từ chỉ huy sở Trung đoàn, Khánh đi nối đường dây bị pháo đánh đứt mất liên lạc với Tiểu đoàn 47 ở Bích La Đông. Trên đường vận động, máy bay phản lực ném bom bi. Anh bị viên bi xuyên vào dưới mi mắt phải. Sau 45 năm, hôm nay nó vẫn yên vị tại chỗ. Anh nói: - Nếu nó lên cao 1cm thì “ đi đứt” một mắt rồi.

Về tuyến sau điều trị một tuần, Khánh đòi trở lại đơn vị chiến đấu. Tháng 11-1972, trong khi đi nối dây tại quận Triệu Phong thì bị mảnh pháo phạt vào mông, cũng may nó ở phần mềm.

Sư đoàn 320 đã giải phóng huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng. Trung đoàn 27 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Triệu Hải. Riêng Khánh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Tháng 3-1973 giải phóng Quảng Trị. Tháng 6-1973 đơn vị ra Thanh Hóa huấn luyện và bồi dưỡng để chuẩn bị cho những chiến dịch mới.

Ngày 20-3-1974, Sư đoàn được lệnh thần tốc vào giải phóng Thừa Thiên – Huế. Nhưng chưa đến nơi thì Huế đã được giải phóng. Đơn vị được lệnh hành quân thần tốc ngày đêm bằng cơ giới qua Lào theo đường Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ. Lúc này liên lạc không dùng thông tin hữu tuyến mà dùng vô tuyến điện 2W. Khánh được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng bộ binh. Đơn vị tiến đánh Tân Uyên. Chiều ngày 29-4-1975 đánh địch và giải phóng Thủ Dầu Một. 5 giờ sáng 30-4-1975 đánh vào Sài Gòn qua ngã tư Bảy Hiền. Đến 10g30 ngày 30-4 anh cùng đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn…

Sài Gòn đã được giải phóng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trưa ngày 30-4-1975, cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc công sở của ngụy quyền Sài Gòn; tung bay trên cửa nhà dân khắp TP. Đường phố Sài Gòn rợp trời cờ, hoa.

Chặng đường từ sông Bến Hải vào đến Sài Gòn đi mất 21 năm ròng. Trên chặng đường ấy đã có hàng triệu chiến sĩ, đồng bào – những người con ưu tú của dân tộc ngã xuống. Một chặng đường đã đổi bằng bao nhiêu xương máu mới tới đích – Đó là Sài Gòn – TP HCM rực rỡ tên vàng. Và Nguyễn Văn Khánh là một trong những người may mắn nhất đã đi suốt chặng đường đó để giờ phút lịch sử có một không hai có mặt ở Sài Gòn. Anh tâm sự:

- Mình vui sướng quá, được cùng đơn vị đánh vào cơ quan đầu não của quân ngụy là Bộ Tổng tham mưu. Được chứng kiến giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn; được thấy các bà mẹ Sài Gòn ôm những đứa con giải phóng mà lệ mừng ướt đầm vai áo… Mình lại rưng rưng nhớ những đồng đội đã ngã xuống ở thành cổ Quảng Trị, cả ở cửa ngõ Sài Gòn, không được hưởng ngày vui toàn thắng…

Cũng bắt đầu từ ngày 30-4-1975, đơn vị anh làm nhiệm vụ Quân quản ở địa bàn ngã tư Bảy Hiền. Tháng 6-1975, đơn vị ra Thanh Hóa huấn luyện và bồi dưỡng…

Tháng 10-1976, anh xuất ngũ với quân hàm Thượng sĩ.

Về địa phương chân ướt chân ráo chưa được bao lâu, chưa giúp cho gia đình được việc gì đáng kể vượt qua khó khăn về kinh tế, bảo đảm đời sống gia đình… Trong khi đó, biên giới phía Bắc kẻ thù lại gây rối. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nên tháng 8-1978 anh cựu chiến binh Nguyễn Văn Khánh lại tình nguyện tái ngũ. Anh được biên chế vào Trung đoàn 192 thuộc Bộ tư lệnh tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đơn vị giao anh làm Trung đội trưởng thông tin hữu tuyến. Sau đó trực tiếp chỉ huy một mũi bộ binh 3 người thuộc Đại đội bộ binh chốt giữ cao điểm 670, ở Quang Kim thuộc huyện Bát Sát. Đây là điểm cao phòng ngự của ta sát đường biên giới với Trung Quốc.

Đêm 17-2-1979, kẻ thù cho quân đồng loạt tấn công biên giới. Các lực lượng đã chủ động đón tiếp. Trận chiến đấu đêm 17-2-1979 diễn ra vô cùng ác liệt. Địch tung lực lượng bộ binh có pháo binh các loại ồ ạt tấn công một dải biên giới nước ta. Cao điểm 670 cũng bị kẻ thù tấn công đầu tiên hòng chiếm cho bằng được. Còn quân ta quyết giữ và đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Cuộc chiến đấu kéo dài từ đêm hôm trước đến ngày hôm sau. Tổ anh có hai chiến sĩ đã hy sinh. Còn anh, lúc 10g sáng ngày 18-2-1979 bị một mảnh pháo làm gẫy xương đùi trái và ngất đi, đồng đội đưa về tuyến sau lúc nào không hay.

Ông Nguyễn Văn Khánh đã góp một phần xương máu làm nên chiến thắng đẩy lùi cuộc chiến tranh biên giới này.

Năm 1981, ông từ Đoàn điều dưỡng thương binh 235 Vĩnh Phú trở về với mức thương tật 43%(thương binh hạng 3/4) và bệnh binh hạng 2/4.

Lần thứ hai về với đời thường giữa lúc kinh tế đất nước cũng như gia đình còn nhiều khó khăn. Hai vợ chồng nuôi hai con nhỏ ăn học. Ngoài mấy sào ruộng ra, anh phải bươn chải ngược xuôi làm ăn để có thêm thu nhập bảo đảm đời sống gia đình.

Hiện trong 8 nhóm an ninh tự quản trong thôn do ông phụ trách. Ông cùng anh em tổ chức tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh thôn xóm. Do khéo làm công tác dân vận đã hòa giải được nhiều vụ việc mâu thuẫn một cách thấu tình đạt lý. Không có tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Không có nạn cờ bạc, trộm cắp. Tình làng nghĩa xóm đoàn kết tắt lửa tối đèn có nhau. Ngải Khê từng được xã, huyện chọn làm điểm và nhân mô hình an ninh tự quản.

Được dân mến, Đảng tin, ông được bầu làm phó Ban công tác Mặt trận thôn. Ủy viên BCH Hội cựu chiến binh xã, chi hội trưởng cựu chiến binh thôn, miệng nói tay làm. Cán bộ và nhân dân trong thôn nhận xét “Cán bộ nào phong trào ấy”. Là người đi đầu và vận động hội viên sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng. Chi hội không còn hội viên nghèo, không còn nhà dột nát. Ông luôn tranh thủ ý kiến các đảng viên, hội viên cao niên góp nhiều sáng kiến gây quỹ nên chi hội luôn có quỹ cao nhất xã. Trong 8 năm ông làm chi hội trưởng thì cả 8 năm đều đạt trong sạch vững mạnh. Trong đó 6 năm là lá cờ đầu của Hội cựu chiến binh xã Tân Dân.

Ông bà có hai con trai. Một anh mới được bầu làm phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Dân. Một anh có nghề khảm trai và đang kinh doanh hàng nội thất.

Được tôi luyện trên mặt trận khốc liệt nhất ở chiến trường miền Nam. Sau khi về với đời thường, Nguyễn Văn Khánh vẫn phát huy tính trung thực, thẳng thắn, hết lòng vì công việc chung dù khó mấy nhưng có lợi cho dân ông quyết làm bằng tốt. Dù việc ông làm chẳng quá to tát, song nó lại tỏa sáng phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng để chúng ta học tập và làm theo.

Năm 1990, ông làm công tác thông tin tuyên truyền và trực tiếp phụ trách Đài truyền thanh thôn Ngải Khê. Tính đến nay, suốt 30 năm ông vẫn làm công tác truyền thanh. Là “trưởng đài – PV - biên tập”, ông ngược xuôi lấy tin viết bài. Đồng thời cộng tác với cựu chiến binh để có những chương trình của đài thôn. Ông không bỏ sót một sự kiện quan trọng nào của thôn để có tin bài đưa lên đài. Tìm những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, công tác và học tập… Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông đọc các tài liệu về pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước để cán bộ và nhân dân hiểu và thực hiện. Do được tuyên truyền sâu rộng, kịp thời và truyền cảm cuốn hút người nghe. Những nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Ngải Khê phấn đấu thực hiện và hoàn thành tốt những nhiệm vụ của địa phương, nhiều chỉ tiêu hoàn thành 100% trong đó có sự góp sức của đài trong công tác tuyên truyền…

Phạm Bá Dực

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/chan-dung-mot-cuu-chien-binh-toa-sang-trong-doi-thuong-114416.html