Chặn đứng hàng nghìn tấn rác thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu

Hơn 2 tháng qua, hàng nghìn tấn rác thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện nhập khẩu đã được Cục Hải quan Hải Phòng kịp thời phát hiện, không để xếp dỡ xuống khu vực cảng Hải Phòng. Điều gì giúp Hải quan Hải Phòng ngăn chặn từ xa hiệu quả đối với rác thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu?

1 container rác thải nhựa không đạt điều kiện nhập khẩu được Hải quan Hải Phòng kịp thời phát hiện, bắt giữ tháng 8/2018. Ảnh: Ngọc Linh.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan (Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu, Công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam), lãnh đạo Cục đã giao Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, là nơi tiếp nhận, thông quan tàu biển xuất nhập cảnh qua cảng Hải Phòng, thường xuyên rà soát, phân tích thông tin khai trên e-Manifest ngay khi các hãng tàu khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để nhận diện các lô hàng phế liệu có dấu hiệu vi phạm.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Sỹ Tráng cho biết, một nội dung trọng tâm của Chỉ thị 27 được đơn vị chú trọng thực hiện là ngăn chặn từ xa các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu. Để triển khai hiệu quả, ngày 2/10, Cục đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, giải đáp vướng mắc cho toàn bộ đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng trên địa bàn để doanh nghiệp nắm rõ, nắm vững và chấp hành tốt.

Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng, đơn vị đã quyết liệt áp dụng các biện pháp thu thập, phân tích, sàng lọc thông tin như: Kết xuất dữ liệu bản lược khai hàng hóa (e-Manifest); phân tích phần mô tả hàng hóa để nhận diện các lô hàng phế liệu hoặc khai báo có dạng phế liệu… để đối chiếu với danh sách doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền cấp do Tổng cục Hải quan cung cấp hoặc theo website của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời đối chiếu thông tin lô hàng cụ thể với Giấy ký quỹ hoặc Giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ nêu trên, Chi cục phát hiện một số lô hàng không đủ điều kiện dỡ xuống cảng như Giấy xác nhận bảo vệ môi trường hết thời hạn, chưa có giấy ký quỹ hoặc chưa có Giấy thông báo của cơ quan có thẩm quyền…

Căn cứ Điểm 2 Mục II công văn 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam thì các lô hàng trên không đủ điều kiện để dỡ xuống cảng. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ đã thường xuyên, kịp thời thông báo, giải thích cho hãng tàu, đồng thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng, chi cục hải quan cửa khẩu để phối hợp thực hiện việc không cho phép dỡ lô hàng phế liệu không đủ điều kiện xuống bãi cảng. Các hãng tàu chấp hành thực hiện không dỡ hàng hóa xuống cảng, để lại trên tàu và vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Có thể thấy, biện pháp phân tích thông tin để ngăn chặn từ xa các lô rác thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu một mặt giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, mặt khác góp phần tạo điều kiện để thông quan, giải phóng hàng hóa nhanh chóng với những lô hàng đủ điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Gần 14 nghìn tấn và 130 container không đủ điều kiện nhập khẩu

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, trước thời điểm thực hiện Chỉ thị 27 (thực hiện theo Công văn 4202-PV), đơn vị đã kịp thời phát hiện, yêu cầu hãng tàu buộc phải vận chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam 2 tàu hàng rời và 72 container chứa phế liệu. Cụ thể:

Ngày 20/8, 3 container phế liệu nhôm do Hãng tàu MSC vận chuyển (Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường hết hạn hiệu lực);

Ngày 25/9, 5 container phế liệu giấy do Hãng tàu ZIM vận chuyển (Không khai báo đủ các chỉ tiêu thông tin theo công văn 4202);

Ngày 25/9, 2 tàu phế liệu thép (hàng rời) do Hãng tàu Việt Long vận chuyển (Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường hết hạn hiệu lực). Trong đó một chuyến chở 3.840 tấn và một chuyến chở 10.150 tấn;

Ngày 26/9, 19 container phế liệu thép do Hãng tàu ONE vận chuyển (Không khai báo đủ các chỉ tiêu thông tin theo công văn 4202);

Ngày 30/9, 40 container phế liệu giấy do Hãng tàu SM LINE vận chuyển (Không khai báo đủ các chỉ tiêu thông tin theo công văn 4202);

Ngày 30/9, 5 container phế liệu do Hãng tàu HYUNDAI vận chuyển.

Từ thời điểm Chỉ thị 27/CT-TTg (tổng cộng 58 container)

Ngày 1/10: 23 container phế liệu giấy do Hãng tàu KMTC, HYUNDAI, MSC vận chuyển (Không có ký quỹ tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 3/10, 2 container phế liệu nhựa do Hãng tàu SITC vận chuyển (Không có Giấy Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 4/10, 1 container phế liệu thép do Hãng tàu APL vận chuyển (Không có ký quỹ tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 7/10, 4 container phế liệu giấy do Hãng tàu HAPAG LLOYD vận chuyển (Không có ký quỹ tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 8/10, 10 container phế liệu thép do Hãng tàu YANGMING, SITC vận chuyển (Không có ký quỹ tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 10/10, 1 container phế liệu thép do Hãng tàu CTL vận chuyển (Không có Giấy Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 13/10, 5 container phế liệu giấy do Hãng tàu ZIM vận chuyển (Không có ký quỹ tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 14/10, 4 container phế liệu giấy do Hãng tàu SITC vận chuyển (Không có ký quỹ tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 17/10, 7 container phế liệu thép do Hãng tàu APL vận chuyển (Không có ký quỹ tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Ngày 25/10, 1 container phế liệu nhựa do Hãng tàu SITC vận chuyển (Không có Giấy Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu tại thời điểm tàu nhập cảnh).

Nguyễn Thái

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chan-dung-hang-nghin-tan-rac-thai-phe-lieu-khong-du-dieu-kien-nhap-khau.aspx