CHẶN ĐỨNG 'BÀN TAY BẨN'

Trường học luôn được xã hội coi là môi trường trong trẻo, lành mạnh, người thầy được nể trọng vì thanh cao, mẫu mực. Cứ mỗi độ thu về, học sinh thời nào cũng háo hức chờ ngày xúng xính áo mới để bước chân vào lớp học thơm mùi vôi, mùi bàn ghế mới, gặp lại bạn bè, thầy cô, tiếp tục cần mẫn học tập, xây đắp tương lai. Ấy thế nhưng, cũng vào độ này, ở không ít nơi, có không ít 'bàn tay bẩn' đang làm 'vẩn đục' môi trường trong trẻo ấy.

Chuyện về lạm thu hay "ăn chặn" tiền Nhà nước hỗ trợ trẻ em, trẻ khuyết tật… vẫn chưa buông tha ngành nghề cao quý này. Trong khi câu hỏi "muôn năm cũ" về chống lạm thu, ăn chặn trong giáo dục vẫn chưa có lời giải, thì năm nay, câu chuyện về những biến tướng nhằm trục lợi trong ngành giáo dục lại làm nóng dư luận.

Học sinh đang bị lợi dụng để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, đồng phục, sách giáo khoa, sách tham khảo, sách năng khiếu, các trang thiết bị dạy và học... của nhiều doanh nghiệp có mối thâm giao với lãnh đạo nhà trường hay lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo về giáo dục tại nhiều địa phương. Biến trường học thành thị trường kinh doanh béo bở. Câu chuyện về trang phục ở ngành giáo dục một tỉnh ở phía Nam cách đây không lâu là một ví dụ điển hình.

Trường học là môi trường trong trẻo, lành mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN.

Trường học là môi trường trong trẻo, lành mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN.

Rõ ràng, nhiều cá nhân, tổ chức đã bất chấp đạo lý khi lợi dụng nghị quyết của Chính phủ tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Nghị quyết này chỉ rõ, phải tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Họ đã biến tướng một chủ trương đúng đắn thành "lá bùa" để trục lợi.Không chỉ trang phục, ở nhiều nơi, những sản phẩm như sách giáo khoa cũng bị biến tướng trục lợi. Điển hình là cách bán sách kiểu “bia kèm lạc" với giá cao. Hành vi trục lợi là rất rõ ràng khi họ ép phụ huynh mua những cuốn sách không mong muốn. Họ đang bòn rút những đồng tiền mồ hôi nước mắt của phụ huynh. Những hành vi này tuy đã bị lên án ở nhiều diễn đàn, trong nhiều năm, nhưng tiếc thay nó vẫn tồn tại.

Những sai phạm của ngôi trường kia cùng hệ thống lãnh đạo theo "ngành dọc" tại địa phương đã được chỉ ra và bước đầu được khắc phục. Nhưng sự ấm ức, nỗi bức xúc của phụ huynh, học sinh và dư luận ở địa phương này còn lâu họ mới "gột rửa". Vẫn còn nhiều nơi khác, bằng quyền thế của mình, những cơ quan chỉ đạo đã cố tình "lách luật" nhằm biến chủ trương xã hội hóa, trên tinh thần tự nguyện và không bắt buộc trong giáo dục thành mệnh lệnh "ngầm" để kinh doanh và trục lợi ngay trong trường học. Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã bị lợi dụng và biến tướng khi ai cũng biết những sản phẩm mà cơ quan lãnh đạo kia chỉ đạo học sinh mua đều có bán tràn lan ngoài thị trường.

Nước Việt ta đã gìn giữ truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo từ ngàn năm. Hình ảnh người thầy cao quý, ngôi trường trong lành luôn được ví như thành trì đạo đức. Người dân đã, đang và luôn tin vào những giá trị tốt đẹp ở trường học. Không được để một vài "con sâu" làm mất niềm tin của người dân vào giáo dục, làm hoen ố hình ảnh người thầy. Muốn giữ được đạo thầy trò, giữ được sự tôn nghiêm của truyền thống tôn sư trọng đạo, giáo dục cần môi trường bình yên, trong sạch.

QĐND

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/chan-dung-quot-ban-tay-banquot-n15066.html