Chân dung 5 danh thủ Việt Nam trưởng thành từ ngành Quân đội

Đội bóng Thể Công hùng mạnh từng nhiều năm vô địch bóng đá Việt Nam và là cái nôi sản sinh ra nhiều danh thủ lừng lẫy.

Trương Tấn Bửu

Cố danh thủ Trương Tấn Bửu tên thật là Trương Văn Niên, sinh ngày 22/04/1914 tại xã Trường Bình, Cần Giuộc (Long An). Tài năng của ông lộ từ khi còn khá nhỏ, và trưởng thành vào những năm 1930, thời điểm bóng đá Sài Gòn đang có sự phát triển mạnh mẽ.

Ông được chọn vào Enfants De Troupe (Thiếu sinh quân) và khi đủ tuổi bắt đầu khoác áo các đội bóng danh tiếng như Ngôi Sao Gia Định, Auto - Dall, Stade Militaire và có những thành công đáng kể khi nhiều lần vô địch Nam Kỳ.

Hai cha con Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa. (Ảnh tư liệu)

Hai cha con Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa. (Ảnh tư liệu)

Năm 1945 ông vào bộ đội, sau đó ra Bắc tập kết và cùng con trai Trương Tấn Nghĩa thi đấu cho Thể Công.

Từ năm 1955 đến 1957, ông vừa đá vừa làm HLV. Dù đã ngoài tứ tuần, ông vẫn là trụ cột của Thể Công, giúp đội giành hai chức vô địch miền Bắc (1955-1956) và hạng nhì (1957).

Chuyển sang nghiệp cầm quân, trong hai năm 1956-1957, ông là HLV ĐT Việt Nam thi đấu tại Trung Quốc, Campuchia. Năm 1958, ông dẫn dắt Thể Công dự giải SKDA tại CHDC Đức. Năm 1959, ông được điều làm Phó Giám đốc Trường huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương (Nhổn) cho đến năm 1970.

Ông được FIFA trao Huân chương kỷ niệm thế kỷ. Ông mất năm 2000.

Trương Tấn Nghĩa

Trương Tấn Nghĩa sinh năm 1935 tại Cần Giuộc, Long An là con trai của danh thủ Trương Tấn Bửu.

Năm 1954, ông cùng cha tập kết ra Bắc rồi gia nhập đội bóng Thể Công. Hai năm sau, ông được gọi vào ĐTQG.

Sở trường của ông là bật vọt nhanh, rê bóng với tốc độ cao, vừa chạy vừa sút mạnh rất chính xác. Ông luôn khiến đối thủ vất vả bằng sự xông xáo, dũng mãnh.

Năm 1964, ông lập hat-trick giúp ĐT Việt Nam đánh bại CLB Bresob của Tiệp Khắc với tỷ số 3-1 ngay trên sân đối phương.

Năm 1975, ông về lại TP.HCM đảm nhận chức vụ chủ nhiệm sân bóng đá Hoa Lư cho đến năm 1980 rồi nghỉ hưu.

Đức 'ba xương'

Đội Thể Công trên sân Cột Cờ, Hà Nội, năm 1958, dưới sự dẫn dắt của HLV người Đức Close Werner (đứng ngoài cùng bên trái). Thủ môn Bùi Đức đứng sát cạnh ông Werner. (Ảnh tư liệu).

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, sau ngày Hồ Chủ tịch kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, dù mới 15 tuổi, Bùi Đức tình nguyện nhập ngũ và được phân về Chi tình báo Song Hà (Hà Nội - Hà Đông).

Năm 1950, Bùi Đức được cấp trên cho sang Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, học tập tại trường Lục quân Việt Nam.

Khi đang là học viên trường Lục quân, ông tham gia đội tuyển bóng đá. Vì vậy, ông được Tổng cục Chính trị gọi về đầu quân cho Thể Công năm 1955.

Ban đầu, ông thi đấu tiền vệ. Nhưng có một lần, thủ môn Lê Nhâm bị đau tay, HLV Nguyễn Thông biết ông chơi bóng rổ tốt nên cho bắt thử. Lần đó, ông chặn được hết các cú sút của đối phương. Nghiệp thủ môn từ đó gắn bó với Bùi Đức.

Năm 1957, ông cùng tuyển Việt Nam sang Campuchia thi đấu giao hữu và trở về với 1 trận hòa và 1 trận thắng. Năm 1958, ông cùng Thể Công lần đầu tiên tham dự giải SKDA của quân đội các nước anh em tại CHDC Đức.

Tại giải Ganefo 1963 tổ chức ở Jakarta (Indonesia), do va chạm mạnh với tiền đạo bạn, thủ môn Bùi Đức bị gãy ba chiếc xương sườn nhưng ông vẫn tiếp tục thi đấu đầy quả cảm. Từ đó, biệt danh Đức “Ba xương” gắn liền với tên tuổi ông.

Ông là người phát hiện và góp công lớn đào tạo Trần Văn Khánh trở thành thủ môn của đội tuyển quốc gia.

'Ba đẻn' Nguyễn Thế Anh

Anh em Nguyễn Thế Anh (trái), Nguyễn Cao Cường. (Ảnh tư liệu)

Nguyễn Thế Anh hay còn gọi là "Ba đẻn", sinh năm 1949 tại Hà Nội, là cựu tiền đạo của CLB Thể Công và ĐT Việt Nam.

Ban đầu ông tập luyện và thi đấu cho đội Thanh niên Hà Nội. Khi tham gia tuyển chọn vào đội bóng đá Thể Công, mặc dù gây ấn tượng vì những kỹ năng bóng đá nhưng ông bị loại vì nhỏ con và có chân vòng kiềng. Phải nhờ tới sự bảo lãnh của cựu cầu thủ Ngô Xuân Quýnh (chính trị viên Thể Công), ông mới trúng tuyển.

Từ tháng 11 năm 1967 đến năm 1968, ông cùng 25 cầu thủ trẻ khác của Thể Công sang CHDCND Triều Tiên tập luyện.

Năm 1970, ông chơi trận đấu chính thức đầu tiên cho Thể Công khi đấu giao hữu với ĐT Cuba. Sau đó, ông khoác áo ĐTQG thi đấu với ĐT Cuba. Tuy nhiên, đây cũng là lần duy nhất ông được khoác áo ĐTQG trong suốt cả sự nghiệp vì sau trận đấu với Cuba, ĐTQG Việt Nam không còn được tập trung thêm lần nào nữa cho đến lúc ông treo giấy.

Ông từ giã sân cỏ năm 1984, sau đó ông làm huấn luyện viên bóng đá của Trung tâm Thể dục Thể thao Quân đội.

Năm 1998, ông làm trợ lý cho HLV Vương Tiến Dũng cùng Thể Công giành chức vô địch Quốc gia và Siêu Cúp Quốc gia.

Nguyễn Hồng Sơn

Tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn. (Ảnh: Quang Minh)

Nguyễn Hồng Sơn tên thật là Nguyễn Sỹ Sơn, sinh năm 1970 tại Hà Nội. Anh là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển Việt Nam và CLB Thể Công trong những năm từ 1995 đến 2001.

Hồng Sơn gia nhập đội CLB Quân đội năm 1988 và bắt đầu khoác áo đội tuyển quốc gia năm 1993. Ban đầu Hồng Sơn thi đấu tại vị trí tiền đạo sau đó chuyển sang tiền vệ cánh.

Năm 1990, Hồng Sơn giành danh hiệu Vua phá lưới giải vô địch Quốc gia. Anh từng giành HCB tại SEA Games 18, 20 và Tiger Cup 1998, HCĐ Tiger Cup 1996 và SEA Games 19.

Năm 1998, sau khi nhận giải "Cầu thủ xuất sắc nhất Tiger Cup", Nguyễn Hồng Sơn còn được trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất tháng 8 của châu Á. Năm đó, anh giành luôn danh hiệu Quả Bóng Vàng Việt Nam lần đầu tiên.

Đầu năm 2001, anh giành danh hiệu Quả Bóng Vàng Việt Nam lần thứ hai. Cuối mùa giải 2002, Hồng Sơn tuyên bố giải nghệ do chấn thương. Hồn Sơn là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, cấp bậc Trung tá.

Mộc Nhiên

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bong-da-viet-nam/chan-dung-5-danh-thu-viet-nam-truong-thanh-tu-nganh-quan-doi-ar551024.html