Chân dung 4 ngoại binh 'khủng' của Malaysia mà ĐTVN phải dè chừng

Bốn ngoại binh của tuyển Malaysia dù chơi bất kỳ vị trí nào nó cũng là nguồn 'hỏa lực' của tuyển Malaysia trong chuyến làm khách tại Mỹ Đình tối 10/10.

ĐT Malaysia đã có màn “chạy đà” hoàn hảo khi có chiến thắng 6-0 trước đại diện yếu là Sri Lanka để chuẩn bị cho trận đấu với ĐT Việt Nam sắp diễn ra.

Đáng chú ý, trong danh sách 23 tuyển thủ mà HLV Tan Cheng Hoe triệu tập lần này ngoài những cầu thủ trụ cột như Safawi Rasid, Idlan Talaha hay Shahrul Saad còn có 4 cầu thủ nhập tịch vô cùng chất lượng gồm Mohamadou Sumareh (28 tuổi, gốc Gambia), hậu vệ cánh phải Matthew Davies (24 tuổi, gốc Australia), hậu vệ trái La'Vere Corbin-Ong (28 tuổi, gốc Anh) và tiền vệ Brendan Gan (31 tuổi, gốc Australia).

Bốn ngoại binh đều đã có mặt tại Hà Nội cùng tuyển Malaysia trưa 7/10. Họ là những trụ cột từ phòng ngự đến tấn công. Trong số này có hai hậu vệ gồm Corbin Ong và Matthew Davies, còn lại là Brendan Gan và Sumareh chơi tiền vệ tấn công.

Thực chất Brendan Gan và Matthew Davies đã nhập tịch và khoác áo tuyển Malaysia 3-4 năm trước. Sau đó, dư luận Malaysia “vào-ra” chuyện ngoại binh nhập tịch giống thực trạng ngoại binh nhập tịch Việt Nam trước đây như Huynh Kesley, Hoang Max, Mykola, Hoàng Vũ Samson… Điều này khiến một thời gian các ngoại binh có hộ chiếu Malaysia bị bỏ rơi.

Rồi gần đây, Malaysia lại dùng nguồn ngoại lực này, họ tuyển thêm Sumareh và Corbin Ong. Trong đó Sumareh từng đá AFF Cup 2018, còn Corbin Ong thì mới nhập tịch chưa đá giải quốc tế nào ngoài vòng loại World Cup 2022 vừa qua.

HLV Tan Cheng Hoe muốn vai trò của bốn ngoại binh nhập tịch này lớn hơn nữa trong đội tuyển, nhất là họ phải kết dính hơn với phần còn lại của đội… đó là lý do vì sao vị HLV 51 tuổi của Malaysia thường cho nhóm ngoại binh tập riêng trước khi sang Việt Nam.

Mohamadou Sumareh (28 tuổi, gốc Gambia)

Tiền vệ cánh phải số 13 Mohamadou Sumareh được coi là nguy hiểm và ấn tượng nhất. Đầu tiên phải nói rằng cầu thủ sinh ra tại Gambia này là người làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của quan chức Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM).

Trước giờ, muốn trở thành cầu thủ nhập tịch phải có quãng thời gian 5 năm sinh sống và chơi bóng ở Malaysia. Nhưng chứng kiến Mohamadou Sumareh thi đấu trong màu áo Pahang, trong khi ĐT quốc gia thiếu tiền vệ có lối chơi xông xáo, FAM chủ động sửa quy định rút ngắn thời hạn quy định xuống còn 1 năm.

Sở trường của ngôi sao người Gambia vốn là tiền vệ cánh phải, nhưng anh có thể đá tốt cả cánh trái khi cần. Đặc biệt cầu thủ số 13 này rất mạnh trong việc phá lối chơi của đối phương, anh đã làm “tắt điện” tiền đạo trẻ S. Jaided trong cả 2 lượt trận Malaysia đối đầu với Thái Lan. Ở trận bán kết lượt đi trên sân Bukit Jalil, nếu anh có thể dứt điểm chính xác hơn trong tích tắc, đội chủ nhà đã có thể mở tỷ số từ rất sớm.

Đồng thời gây khá nhiều khó khăn cho Văn Đức, Văn Hậu trong cả 2 lượt trận chung kết đi-về AFF Cup 2018. Có thể nói, duy nhất khi đối đầu với ĐT Việt Nam tại giải đấu này thì cầu thủ sinh năm 1994 này mới không phát huy được hết thế mạnh.

Matthew Davies (24 tuổi, gốc Australia)

Matthew Davies từng chơi cho U19 Australia trước khi chuyển sang cống hiến cho đội tuyển Malaysia. Anh từng đối đầu U23 Việt Nam, khi đó có Công Phượng, Quế Ngọc Hải... ở SEA Games 28. Sau khi lỡ hẹn với AFF Cup 2018 do chấn thương, hậu vệ cánh phải này đã lấy lại vị trí và đá chính cả 4 trận của đội tuyển Malaysia ở vòng loại World Cup 2022.

Davies đã ra sân 26 trận cho đội tuyển Malaysia dù chỉ mới 24 tuổi. Anh và Sumareh sẽ tạo thành cặp đôi đáng gờm ở cánh phải, nhất là khi cả hai đã quá hiểu nhau vì thi đấu cùng CLB.

La'Vere Corbin-Ong (28 tuổi, gốc Anh)

Sinh ra tại Anh, cầu thủ này sở trường chạy cánh trái. Ở tuổi 28, Corbin-Ong rất dày dạn kinh nghiệm và nhận được sự tin tưởng của HLV Tan Cheng Hoe.

Cầu thủ có bố người Barbados, mẹ người Malaysia. Corbin-Ong sinh ra ở Anh nhưng chuyển tới Canada từ nhỏ, do đó anh có tới 3 quốc tịch. Trước khi khoác áo Johor Darul Takzim (đội bóng hàng đầu của Malaysia), anh từng chơi bóng ở châu Âu cho các CLB hạng thấp của Đức và Hà Lan.

Hậu vệ cánh trái 28 tuổi này từng khoác áo đội tuyển Canada và ra sân trong một trận đấu giao hữu vào năm 2017. Tuy nhiên đến tháng 3/2018 anh lại được HLV Tan Cheng Hoe gọi lên đội tuyển Malaysia.

Brendan Gan (31 tuổi, gốc Australia)

Thực tế, cầu thủ nhập tịch này từng xuất hiện trong đội hình Malaysia từ năm 2016 nhưng cũng chỉ mới thực sự gây ấn tượng từ năm 2019. Và kể từ đó tới nay, cầu thủ gốc Australia đã trở thành nhân tố không thể thay thế của Malaysia.

Với chiếc áo số 6, Brendan Gan chơi ở vị trí tiền vệ kiến thiết lùi sâu. Khác với kỳ AFF Cup 2018, HLV Tan Cheng Hoe không sử dụng tiền vệ phòng ngự Syamer Kutty Abba ở giữa sân trong vai trò máy quét. Thay vào đó, Brendan Gan chơi trám vào vị trí này, thực hiện cả nhiệm vụ thu hồi bóng lẫn phát động tấn công.

Việc bố trí Brendan Gan ở khu vực giữa sân đương nhiên giúp lối chơi của HLV Tan Cheng Hoe cơ động hơn rất nhiều. Cầu thủ này chính là sự khác biệt lớn nhất của Malaysia so với giải đấu AFF Cup 2018. Khi ấy, Malaysia thực sự thiếu đi nhạc trưởng ở khu vực giữa sân, nên lối chơi của họ thiên về chuyền dài.

Với cầu thủ được đào tạo bài bản ở Australia và có nhiều kinh nghiệm thi đấu, Brendan Gan luôn biết cách điều khiển trận đấu theo ý mình. Bởi lẽ đó, Malaysia không hề lép vế ngay cả khi đối diện với UAE. Thậm chí, nếu may mắn Brendan Gan còn có thể ghi bàn sau pha dứt điểm từ xa ở trận đấu với UAE.

Chi Chi (T/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/chan-dung-4-ngoai-binh-khung-cua-malaysia-ma-dtvn-phai-de-chung-76220-11.html