Chấn động vụ giả danh tướng quân đội và cố vấn chính phủ để lừa đảo

Trung tuần tháng 11 vừa qua, báo chí Trung Quốc lần đầu tiên công bố những tư liệu về một vụ lừa đảo mang tính toàn quốc.

Đây là vụ án từng gây nên sự hoang mang, khó hiểu trong nhiều tầng lớp xã hội, lật tẩy bộ mặt thật của một nhân vật tự xưng là “Tham sự (Cố vấn) Quốc Vụ viện”, “tướng quân đội” đi khắp nơi tuyên truyền về những kế hoạch “chấn hưng Trung Hoa” hùng vĩ, tuyển người cho các tổ chức…

Thượng Quan Phượng Lạp trong quân phục tướng quân đội.

Ngày 23/6/2017, Phòng Tham sự Quốc Vụ viện Trung Quốc đột nhiên ra “Tuyên bố về hoạt động xã hội mạo xưng Tham sự Quốc Vụ viện của Thượng Quan Phượng Lạp”, gửi các cơ quan báo chí và đăng tải trên trang web.

Bản Tuyên bố viết: “Gần đây, một người tên là “Thượng Quan Phượng Lạp” tự xưng là Tham sự Quốc Vụ viện, Tướng quân, người đứng đầu tổ chức “Đại Trung Hoa hạnh phúc”, rêu rao “được Quốc Vụ viện ủy quyền cho phép chiêu nạp hội viên từ 18 đến 65 tuổi trên toàn quốc” và thu tiền “hội phí” của những người xin gia nhập tổ chức này.

Phòng Tham sự Quốc Vụ viện khẳng định: Trong số các tham sự trước đây và hiện nay của Quốc Vụ viện không có ai tên là “Thượng Quan Phượng Lạp”.

Người này đã mạo xưng tham sự Quốc Vụ viện để tiến hành những hoạt động xã hội gây ảnh hưởng xã hội xấu. Hiện chúng tôi đã báo cơ quan công an và bảo lưu quyền truy cứu trách nhiệm pháp luật của người này”.

“Thượng Quan Phượng Lạp” là ai?

Theo điều tra của phóng viên “The Paper”, vị “Tham sự Quốc Vụ viện” này tên thật là Lý Hồng Sinh, người Quảng Nguyên, Tứ Xuyên, từng tham gia quân đội thập niên 1980, vi phạm kỷ luật trong quân ngũ vào thập niên 1990, sau đó về địa phương tìm kế sinh nhai.

Sau khi về địa phương, Lý Hồng Sinh thay tên đổi họ thành Thượng Quan Phượng Lạp và bắt đầu đi các nơi để hoạt động tuyên truyền cho “Binh đoàn (tình nguyện) xây dựng sa mạc Trung Quốc” và “Kế hoạch Đại Trung Hoa hạnh phúc”, dự các cuộc ra mắt, gắn biển công ty, xí nghiệp, đặc biệt thích thể hiện mình quen biết các quan to.

Đáng chú ý là, những “kế hoạch hùng vĩ” và các công ty có liên quan đến Thượng Quan Phượng Lạp đều không thể tìm thấy tư liệu liên quan trên các website của các bộ, ủy ban hoặc đều đã ở trong tình trạng thua lỗ, chết dở.

Trước những lời lẽ trong Tuyên bố của Phòng Tham sự Quốc Vụ viện về mình, Thượng Quan Phượng Lạp khi chấp nhận trả lời phỏng vấn của “The Paper” tháng 8/2017 đã nói: Việc cho rằng những chỉ trích ông thừa cơ kiếm chác, thu tiền hội phí là “bịa đặt và vu khống”.

Ông cũng nói: Hàm tướng mà ông mang là “do nhân dân phong”, ông sử dụng thân phận “tham sự Quốc Vụ viện” là do một người lãnh đạo gọi ông như thế; mặc dù “Kế hoạch Đại Trung Hoa hạnh phúc” bị nghi ngờ nhưng ông cho biết bản thân đang dốc sức thúc đẩy thực hiện.

Tuy nhiên, Thượng Quan Phượng Lạp không còn ung dung tự tung tự tác để thực hiện những “kế hoạch hùng vĩ” của mình.

Trung tuần tháng 10/2017, ông ta đã bị công an Thâm Quyến bắt giữ hình sự do liên quan đến hoạt động lừa đảo.

Chiều 14/11, đại diện Cục Công an Thâm Quyến đã cho “The Paper” biết vụ án đang ở trong giai đoạn trinh sát điều tra, chưa tiện công khai với báo chí và trước công luận.

Từ “Cu Đỏ” Lý Hồng Sinh…

Nằm cách thị xã Quảng Nguyên 25km về phía Bắc, ven sông Gia Lăng có một làng nhỏ tên là Vọng Vân, giao thông không thuận tiện, đường bộ theo đê vào làng chỉ vừa 1 làn xe ô tô chạy.

Gần đó có Ga xe lửa Quan Âm Bối - một ga cấp 4 trên tuyến đường sắt Bảo Thành, chỉ dùng cho vận chuyển hàng hóa. Đó là quê hương của Thượng Quan Phượng Lạp.

Trước đây ông ta viết bài đăng trên mạng nói quê ở Quan Âm Bối, Bắc Tứ Xuyên, nhà cạnh sông Gia Lăng và gần ga xe lửa, cha dạy học trong thôn, qua đời năm 2009, mẹ hiện vẫn sống ở làng.

Tháng 8/2017, phóng viên “The Paper” tìm về làng này hỏi về “Thượng Quan Phượng Lạp” thì chẳng ai biết và nói ở đây không hề có dòng họ này. Cho xem ảnh thì họ nhận ra ngay “À, đây là Hồng Oa Nhi chứ…”.

“Hồng Oa Nhi” (Cu Đỏ) là con trai thứ 3 trong gia đình họ Lý trong làng, tên là Lý Hồng Sinh. Nhà họ Lý có 6 người con cả trai lẫn gái, Sinh là con thứ 4. Ông bố đúng là có dạy học, đã qua đời, bà mẹ vẫn còn sống, cũng được học hành, biết chữ, được coi là người có văn hóa trong làng.

Cha mẹ đều là người có văn hóa nên con cái họ cũng được người trong làng coi trọng. Họ được học hành tử tế, có đầu óc nên sống khá giả. Người anh cả của Sinh theo nghề kinh doanh, hiện là Tổ trưởng dân phố.

Mấy người còn lại đều thoát ly, đi làm việc ở Quảng Nguyên hoặc Phàn Chi Hoa. Lý Hồng Sinh là người dân làng ít khi gặp nhất. Năm 20 tuổi ông ta nhập ngũ, rất ít về nhà.

Mỗi khi về, “Cu Đỏ” đều mặc quân phục là thẳng nếp, dẫn theo bạn bè, dáng người cao to nom rất oai vệ, có vẻ là quan to. Còn hiện ông ta đã làm quan đến chức gì thì chả ai biết.

Phóng viên tìm đến nhà họ Lý - một ngôi nhà nhỏ được xây dựng lại sau trận động đất khủng khiếp 12/2/2008. Bà mẹ Lý Hồng Sinh năm nay đã gần 90 tuổi nói với nhà báo: “Cu Đỏ” là con trai thứ 3 của bà, có 1 chị, 1 em trai và 1 em gái, sinh năm 1967 nhưng khi nhập ngũ thì khai năm 1969 nên từ đó đều lấy năm sinh là 1969.

Hồi nhỏ, Sinh đi học nhưng do nhà nghèo nên học hết Sơ Trung (Trung học cơ sở) thì nghỉ học ở nhà làm ruộng; đến khi người anh thứ 2 là Lý Phi hết nghĩa vụ quân sự trở về thì Sinh mới có cơ hội đi lính.

Lý Phi là người hơn Sinh 2 tuổi, cho phóng viên biết: hơn 30 năm trước, điều kiện sống ở nông thôn rất gian khổ nên muốn thoát khỏi cảnh sống này chỉ có 2 lối thoát duy nhất là đi học và đi lính.

Đến giờ, Lý Phi vẫn tiếc là thời điểm đó mình không chuyển thành lính chuyên nghiệp vì khi đó đúng dịp “giảm 1 triệu quân” nên anh ta đi lính được 3 năm thì phải phục viên về quê.

“Biến” thành Thượng Quan Phượng Lạp

Như thế, lai lịch của “Thượng Quan Phượng Lạp” từ 1990 trở về trước đã khá rõ ràng. Về giai đoạn ở lính, “Thượng Quan Phượng Lạp” từng tự thuật: ông ta nhập ngũ giữa những năm 1980, vào Sư đoàn 42, quân đoàn 14 đóng ở Mông Tự, Vân Nam.

Sau khi huấn luyện xong được điều về Sư đoàn pháo binh 31/quân đoàn 14 đóng ở Đại Lý, Vân Nam.

Tháng 12/1987, ông ta được điều động làm quyền trung đội trưởng đặc vụ của trung đoàn, 8 tháng sau được chuyển về trung đoàn bộ binh ở Bảo Sơn, năm 1990 được cử đi đào tạo tại hệ chỉ huy Học viện Lục quân Côn Minh.

Theo Lý Phi thì những lời tự thuật đó của em trai cơ bản chính xác. Lý Phi còn nhớ, năm 1990 khi Sinh thi vào trường lục quân Côn Minh cả nhà đều rất mừng.

Mùa Thu năm đó, Lý Phi còn đi Côn Minh thăm em trai. Từ sau những năm 1990, lai lịch của “Thượng Quan Phượng Lạp” dần dần trở nên mơ hồ.

Theo lời kể của Sinh thì tháng 7/1992, sau khi tốt nghiệp, ông ta được phân về đơn vị đóng ở Nhật Khách Tắc (Tây Tạng), mấy năm sau thì được đưa đi đào tạo tại Đại học Quốc Phòng…

Lan Hương (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/chan-dong-vu-gia-danh-tuong-quan-doi-va-co-van-chinh-phu-de-lua-dao-d59401.html