Gần 129 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã bị chặn

Quý đầu tiên của năm 2021 đã có hơn 39.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị các nhà mạng chặn, trong đó riêng tháng 3/2021, có 17.276 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý...

Tính từ thời điểm tháng 7/2020 (thời điểm bắt đầu triển khai) đến tháng 3/2021, các nhà mạng của Việt Nam đã chặn 128.970 thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Tính từ thời điểm tháng 7/2020 (thời điểm bắt đầu triển khai) đến tháng 3/2021, các nhà mạng của Việt Nam đã chặn 128.970 thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Số liệu mới được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cập nhật cho biết, trong tháng 3/2021 đã có gần 17,3 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị chặn, trong đó mạng Viettel có số lượng thuê bao lớn nhất.

Cụ thể theo Cục Viễn thông, tính từ thời điểm tháng 7/2020 (thời điểm bắt đầu triển khai) đến tháng 3/2021, các nhà mạng của Việt Nam đã chặn 128.970 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Quý đầu tiên của năm 2021 đã có hơn 39.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị các nhà mạng chặn, trong đó riêng tháng 3/2021, có 17.276 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý.

Số thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng đã bị chặn từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021 - Nguồn: Cục Viễn thông.

Trong tổng số gần 129 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác trên, mạng Viettel "đội sổ" với 76.588 thuê bao, tiếp đến là mạng VNPT (VinaPhone) là 38.155 thuê bao, mạng MobiFone có 9.722 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị chặn, mạng nhỏ Vietnamobile có 402 thuê bao, và mạng di động "ảo" I-Telecom có 4.053 thuê bao bị chặn vì phát tán cuộc gọi rác.

Còn tính trong tổng số 39.321 thuê bao bị chặn trong quý 1/2021, mạng di động Viettel cũng "đội sổ" với 21.602 thuê bao, chiếm 54,9% trong tổng số thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị chặn. Mạng VinaPhone có 11.266 thuê bao bị chặn (chiếm 28,6%), mạng MobiFone có 5.391 thuê bao (chiếm 13,7%). Số còn lại thuộc về I-Telecom (929 thuê bao) và Vietnamobile (133 thuê bao).

Số thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã bị chặn trong tháng 3/2021 theo từng doanh nghiệp viễn thông - Nguồn: Cục Viễn thông.

Do trong thông tin công bố lên website, cơ quan quản lý không lý giải rõ về ý nghĩa của số thuê bao bị chặn của mỗi nhà mạng nên con số trên dẫn đến hai cách hiểu khác nhau. Hoặc Viettel là nhà mạng "đội sổ" với lượng thuê bao phát tán cuộc gọi rác lớn nhất, hoặc Viettel là mạng tích cực chặn nhất, có hiệu quả nhất trong việc chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Và ngược lại, những mạng có số lượng thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị chặn ít nhất, có thể hiểu là mạng đó có số lượng thuê bao vi phạm ít nhất, hoặc việc chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác ở những nhà mạng này là kém hiệu quả hay thực hiện không quyết liệt.

Với những cách hiểu trên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mỗi nhà mạng.

Chiến dịch "quét dọn" rác viễn thông được Cục Viễn thông triển khai từ tháng 7/2020. Theo đó, dưới sự điều phối của Cục Viễn thông, các nhà mạng đã thống nhất sẽ tiến hành xử lý dứt điểm cuộc gọi rác bằng biện pháp kỹ thuật.

Cuộc gọi rác được hiểu là cuộc gọi từ số điện thoại di động, cố định trong nước và quốc tế với nội dung quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ mà người nhận không mong muốn. Cuộc gọi rác cũng dùng để chỉ các cuộc gọi có nội dung, mục đích lừa đảo, quấy rối, vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định.

5 tiêu chí xác định cuộc gọi rác:

1, Tần suất thực hiện cuộc gọi: Là số cuộc gọi đi từ một thuê bao điện thoại trong một khoảng thời gian. Ví dụ: Tối thiểu 200 cuộc gọi đi/ngày từ 8 giờ đến 18 giờ.

2, Tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn: Là tỷ lệ số cuộc gọi có khoảng thời gian thực hiện ngắn (từ khi kết nối đến khi kết thúc cuộc gọi) trên tổng số cuộc gọi. Ví dụ: Hơn 80% số cuộc gọi có thời gian liên lạc dưới 25 giây.

3, Tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn: Là tỷ lệ số cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn (khoảng thời gian giữa hai cuộc gọi đi liên tiếp nhau) trên tổng số cuộc gọi. Ví dụ: Hơn 50% số cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi dưới 20 giây.

4, Tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ: Là tỷ lệ cuộc gọi đến các số điện thoại không có mối quan hệ (chưa từng gọi trước đây) trên tổng số cuộc gọi đi. Ví dụ: 90% số bị gọi khác nhau, không lặp lại.

5, Đặc điểm hành vi sử dụng: Thuê bao chủ yếu sử dụng để gọi đi, không nhận và gửi tin nhắn SMS.

Nam Anh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/gan-129-nghin-thue-bao-phat-tan-cuoc-goi-rac-da-bi-chan-20210422142222031.htm