Chặn cửa rác phế liệu vào Việt Nam: Đề xuất bất ngờ

Nếu tận dụng được nguồn chất thải trong nước, chúng ta sẽ cùng lúc giải quyết được 3 vấn đề...

Tận dụng rác thải trong nước

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách trong quản lý hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó, có yêu cầu không cấp phép nhập khẩu phế liệu để sơ chế, bán lại; Buộc tái xuất chất thải "núp bóng" phế liệu vào VN..., TS Nguyễn Thành Sơn đồng tình cao và cho biết đây là chỉ đạo cần thiết, rất kịp thời.

Cần cấm nhập rác phế liệu từ nước ngoài. Ảnh: phapluatxahoi

Cùng với việc đưa ra những yêu cầu siết tiêu chuẩn nhập khẩu rác phế liệu, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, phải tính tới phương án tận dụng, khai thác, sử dụng nguồn chất thải có được từ ngành sản xuất công nghiệp trong nước.

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, những năm gần đây, ngành công nghiệp trong nước phát triển rất mạnh mẽ, cụ thể với những lĩnh vực nhiệt điện than, khai khoáng...

Trong chừng mực, rác thải công nghiệp là thước đo của một nền sản xuất phát triển. Thế nhưng rác không phải là thứ bỏ đi mà lại trở thành nguyên liệu nếu biết tận dụng, tái chế và điều này tùy thuộc rất nhiều chủ trương, định hướng chung của các cơ quan quản lý nhà nước.

"Chất thải của các nhà máy nhiệt điện, khai khoáng ở Việt Nam có chất lượng rất tốt. Theo đánh giá của Liên Xô cũ, nguồn chất thải trên được coi là nguồn "khoáng sản thứ sinh", là loại khoáng sản được hình thành trong quá trình hoạt động sản xuất của các nhà máy sinh ra.

Bao gồm rất nhiều loại như: chất thải rắn, tro, xỉ, chai, hộp, nhựa, kể cả rơm, rạ, lá cây...

Đối với những loại chất thải rắn, nếu được sử dụng lại thì không cần thêm kỹ thuật nâng cấp, tái chế vẫn có thể sử dụng như là một phần nguyên liệu, phụ gia cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp như: thủy tinh vỡ, lốp xe hỏng, nhựa hỏng, sắt, xỉ than (làm phụ gia cho sản xuất xi măng), làm vật liệu xây dựng...

Còn đối với rơm, rạ, lá cây, cành cây, que tre, nứa, gỗ, mạt cưa, vỏ bào... là nguồn chất đốt rất tốt. Từ trước đến nay ở nông thôn nước ta, đặc biệt ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng các chất thải nói trên đóng vai trò rất quan trọng trong cán cân sử dụng chất đốt. Hoặc có thể làm thức ăn cho gia súc và cá...

Đặc biệt, trong các bãi tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, hàm lượng titan rất lớn, tương đương với hàm lượng titan tại khu dự trữ của Bình Thuận. Nếu tận dụng được, không những có thể giúp Việt Nam giải quyết được vấn nạn rác thải đang là nỗi lo với người dân và xã hội mà còn giúp chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu, không phải đi nhập khẩu.

Đây là giải pháp thiết thực, có thể nói một mũi tên giải quyết được cả ba vấn đề. Một là giải quyết được nhu cầu nhập khẩu rác thải phế liệu từ nước ngoài. Hai là, dọn được rác thải trong nước và ba là giúp tái sinh nguồn nguyên liệu tại chỗ, góp phần quan trọng phục vụ phát triển nền kinh tế trong nước", TS Nguyễn Thành Sơn nêu quan điểm.

Còn lợi ích, khó kiểm soát

Đề xuất tập trung khai thác, sử dụng nguồn chất thải trong nước, giúp hạn chế nhập khẩu rác thải cũng có nghĩa sẽ hạn chế được những tiêu cực, và những nguy cơ biến Việt Nam thành bãi đáp phế liệu của thế giới.

Tuy nhiên, về lâu dài, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, chúng ta phải hạn chế, dần tiến tới cấm hẳn không cho nhập rác phế liệu từ nước ngoài.

Ông Sơn nhấn mạnh, tình trạng bị ứ đọng hàng nghìn container rác thải tại các bến cảng hiện nay, đặc biệt hiện tượng rác nhập về vô chủ, không ai nhận hoặc từ chối nhận đang là mối lo đối với các doanh nghiệp bốc dỡ hàng hóa đồng thời cũng làm đau đầu các nhà quản lý.

Một sự thật là, nếu các container này còn tiếp tục nằm tại cảng thì mọi hoạt động của cảng đều bị ngưng trệ, thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế là vô cùng lớn. Tuy nhiên, nếu xử lý, cũng khó tìm ra được giải pháp khả thi, vì đa số phế liệu nhập về đều là rác, chất lượng thấp, nguy cơ gây ô nhiệm môi trường cao, không thể tái xuất. Ngược lại, nếu bắt buộc phải xử lý, ngân sách rất có thể sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng, đây là vấn đề vô lý vì nguồn chất thải trong nước vừa tốt, vừa nhiều chưa được tận dụng thì vì sao lại phải cho nhập phế liệu từ nước khác về rồi bỏ đi?

Thủ tướng: Buộc tái xuất phế liệu là rác vào Việt Nam

Vì lý do này, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, khi tận dụng được chất thải trong nước chúng ta sẽ không phải đi nhập và như vậy cũng không còn lo ngại tình trạng rác thải nước ngoài tràn vào trong nước nữa.

"Mấu chốt nằm ở chỗ, nhập rác thải về doanh nghiệp không mất tiền mà còn được thêm tiền, vì thế, nếu còn cho nhập rác thải thì sẽ còn tiêu cực, còn sai phạm, Việt Nam còn phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm rất lớn", ông Sơn góp ý.

Nói thêm về hướng xử lý đối với những lô chất thải "núp bóng" phế liệu đưa về Việt Nam, TS Nguyễn Thành Sơn đồng tình cao với quan điểm của phía quản lý là buộc phải tái xuất, đồng thời ông kiến nghị phải truy rõ sai sót tận gốc để có biện pháp xử lý triệt để.

Cụ thể từ khâu cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu, cho tới khâu kiểm tra, kiểm soát của Hải quan và ngay cả phía cảng bốc dỡ cũng như phía doanh nghiệp nhập về.

"Phải tìm cho ra trách nhiệm của từng khâu, phải xử lý cho nghiêm, xử phạt thật nặng, kể cả xử lý hình sự nếu những sai phạm xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Không thể để tình trạng "mang con bỏ chợ" rồi nói không biết là không biết được. Phải có người chịu trách nhiệm, không thể trốn tránh", ông Sơn nhấn mạnh.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chan-cua-rac-phe-lieu-vao-viet-nam-de-xuat-bat-ngo-3365734/