Chặn clip xấu độc: Không trông chờ vào sự tốt bụng

Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào làm ăn mà không tuân thủ luật pháp và sẽ sử dụng các biện pháp để buộc họ phải tuân thủ.

Ngày 25-6, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi làm việc nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Buổi làm việc có sự tham gia của các đơn vị quản lý nhà nước và đại diện của nhiều doanh nghiệp có quảng cáo trên các clip có nội dung độc hại.

Clip xấu độc trở lại mở rộng hơn

Tại buổi làm việc, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTT&TTĐT), cho hay các clip xấu độc trên YouTube đã trở lại và phạm vi đang mở rộng.

Còn ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, cho hay: Trong hai năm qua, Google đã hợp tác tích cực với Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.

Thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục PTTH&TTĐT, nhưng cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập nên việc ngăn chặn, gỡ bỏ này như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Nguyên nhân của tình trạng trên là bởi bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an, ngân hàng, Tổng cục Thuế triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho hoạt động vi phạm pháp luật trên các nền tảng này, đồng thời sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm, bao gồm cả các hoạt động đăng tải nội dung thông tin, hoạt động quảng cáo và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam (VN).

Bà Hà Thị Tú Phượng, CEO của METUB, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: V.THỊNH

Bà Hà Thị Tú Phượng, CEO của METUB, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: V.THỊNH

Xử “con hư” cũng nên khen “con ngoan”

Về phía các doanh nghiệp, nhãn hàng có quảng cáo trên các clip có nội dung xấu độc trên YouTube cũng cho biết sẵn sàng lựa chọn các clip có nội dung tốt để quảng cáo.

Đại diện đến từ Yamaha cho hay trên tinh thần sẽ ủng hộ chủ trương của Bộ và sẽ là doanh nghiệp thượng tôn pháp luật VN. Ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ, đơn vị này đã yêu cầu đối tác dừng ngay các quảng cáo trên các nội dung xấu độc trên YouTube.

Đại diện của Shopee thì cho biết khi nhận được văn bản của Bộ vì có xuất hiện trong các clip có nội dung xấu độc trên YouTube đã có sự ngạc nhiên nhất định vì điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Do vậy, đơn vị này yêu cầu YouTube và Google dừng quảng cáo trên nền tảng này.

Ở một góc độ khác, bà Hà Thị Tú Phượng (CEO của METUB) đưa ra thực tế giá quảng cáo cho một MV của ca sĩ Sơn Tùng mất 1 triệu USD để sản xuất. tuy nhiên, MV này cũng chỉ ngang giá của một bạn ngồi ở nhà lồng mấy cái ảnh ra một video, thậm chí view (lượt xem) có thể ngang ngửa.

Từ đó bà Phượng nêu quan điểm là chúng ta đang quan tâm đến việc làm sao để phạt hoặc dạy con hư “nhưng cũng nên có khuyến khích hoặc động viên con ngoan”. Theo bà Phượng, việc này sẽ có thêm nguồn lực để những người sản xuất nội dung đưa ra các sản xuất tốt hơn.

Trông chờ vào sự tốt bụng?

Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều đơn vị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhắc lại yêu cầu về việc có ngăn chặn được không các clip có nội dung xấu độc.

Bộ trưởng Hùng nói: “Tương lai, số phận, đất nước và tương lai con cháu chúng ta không thể trông mong vào sự tốt bụng của một doanh nghiệp nào đó hoặc của một ai đó”. “Tương lai của chúng ta phải do chúng ta quyết định, hôm nay chúng ta ngồi đây là để bàn về làm cho không gian sống của chúng ta trong môi trường số được trong lành, tìm ra cách tiếp cận mới cho các vấn đề khó” - ông nói.

Bộ trưởng kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là sự thượng tôn pháp luật trên không gian mạng. thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào. “Các bạn đến đây làm ăn thu tiền trở nên giàu có thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn” - Bộ trưởng Hùng nói.

Bộ trưởng cũng cho hay VN không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào làm ăn mà không tuân thủ luật pháp VN. Chính phủ VN sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, biện pháp kỹ thuật để phải tuân thủ luật pháp VN.

“Các bạn kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của các bạn phải càng lớn hơn. không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Tính năng gợi ý làm phát tán mạnh nội dung xấu độc

Theo số liệu từ Google, VN là quốc gia đứng đầu thế giới về việc người sản xuất nội dung YouTube kiếm tiền từ các video xấu độc. Cứ 10 đồng kiếm được từ các video sai phạm, độc hại thì 5,8 đồng đến từ các video có nguồn gốc từ VN.

Hiện không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, YouTube vẫn cho phép bật tính năng gợi ý cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.

Ngoài ra, các đại lý quảng cáo của Google tại VN đã không chủ động kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác (nhãn hàng, thương hiệu) trên nền tảng YouTube. Điều này khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn trở lại.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chan-clip-xau-doc-khong-trong-cho-vao-su-tot-bung-842295.html