Chặn 'chuyến tàu vét', 'bổ nhiệm đại' trước khi về hưu

Tại cuộc giao lưu trực tuyến 'Giải pháp nào để Quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống' do báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức sáng 20/3, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, kể cả cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu góp phần ngăn chặn những 'chuyến tàu vét' và tư tưởng 'hoàng hôn nhiệm kỳ', 'ký đại', 'bổ nhiệm đại' trước khi về hưu.

Các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?”. ảnh: v.k

Các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?”. ảnh: v.k

Không đủ năng lực, uy tín- nên từ chức

Theo ông Nguyễn Đức Hà, trong quy định về trách nhiệm nêu gương đã nêu rõ: cán bộ cấp cao phải dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm về mình, đừng đổ cho tập thể, khách quan. Phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không đủ năng lực, uy tín, sức khỏe để đảm nhận công việc. “Nếu thấy mình năng lực hạn chế thì xin từ chức để người có năng lực làm. Nếu thấy mình uy tín thấp thì xin từ chức để người khác uy tín hơn làm. Nếu thấy mình sức khỏe không đảm bảo thì từ chức để người khỏe làm”, ông Hà nói.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư cho rằng nên xây dựng văn hóa từ chức. Nghĩa là từ quy định về nêu gương nhưng khi cán bộ lãnh đạo được góp ý mà sửa chữa chậm, nhiệm vụ không hoàn thành tốt, mắc sai lầm thì nên từ chức.

Đề cập đến tính hiệu quả của quy định nêu gương, ông Nguyễn Đức Hà khẳng định, từ khi ban hành đến nay đã có hiệu ứng tích cực ngay trong Đảng. Ông Hà dẫn trường hợp xe biển xanh vào tận sân bay đón người nhà của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh xảy ra ngay khi ban hành quy định nêu gương nên có hiệu ứng ngay sau đó. “Tôi tin rằng bản thân các đồng chí ở Trung ương sẽ phải tự nghiêm khắc với mình. Bởi có sự kiểm tra, giám sát của Đảng, nhân dân; có gì đó dân lấy điện thoại ra quay không chối được”, ông Hà nói.

Nhắc lại những đại án được xem xét và xử lý trong thời gian qua, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê khẳng định, việc xử lý cán bộ, đảng viên đã thể hiện quan điểm rõ ràng là “không từ một cấp nào”. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không trừ một ai. “Quốc pháp không nghiêm, Đảng cương không vững thì đừng nói đến chuyện quốc gia hùng thịnh”, ông Nhị Lê nói đồng thời nhấn mạnh, trước hết phải nêu gương về xử lý kỷ luật. Nếu đảng viên vi phạm kỷ luật, đặc biệt đảng viên giữ trọng trách cao thì phải xử lý nặng hơn bình thường, đó chính là khía cạnh của nêu gương. “Nếu không làm nghiêm thì Đảng cương, quốc pháp cũng chỉ để ngắm nhìn. Nếu không xử lý mạnh mẽ, đúng đắn theo kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì tất cả những kỷ cương xã hội chỉ là thanh kiếm của phường chèo”, ông Nhị Lê nêu quan điểm.

Không để “lọt” cán bộ xấu vào Trung ương

Đề cập đến thực trạng đã nghỉ hưu là được coi “hạ cánh an toàn”, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, điều này đến nay đã không còn nữa. Cụ thể, trong thời gian qua đã có hơn 60 cán bộ cao cấp, trong đó có nhiều cán bộ có sai phạm từ cách đây 5 - 10 năm bị xử lý trách nhiệm. “Đây chính là bước tiến trong quản lý, xử lý cán bộ đảng viên. Chính chỗ này khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, như 6 tháng nữa mình nghỉ hưu nên cứ “ký đại”, “đề bạt đại”, “bổ nhiệm đại”, ông Hà phân tích.

Dẫn chứng cho thực tế tư duy nhiệm kỳ, “hoàng hôn nhiệm kỳ” và thậm chí là tranh thủ những “chuyến tàu vét”, ông Nguyễn Đức Hà nhắc đến vụ việc MobiFone mua AVG và nói: “Đây là “chuyến tàu vét” xảy ra trước khi khai mạc Đại hội XII của Đảng chỉ 5 ngày. Vì sau Đại hội XII sẽ là việc thay thế bộ trưởng, thay thế bộ máy Chính phủ”, ông Hà nói đồng thời khẳng định “đây chính là “chuyến tàu vét” nhưng may mắn là “chuyến tàu vét” này không được qua ga. Nhưng dù sao, đó vẫn là điều rất đau đớn”, ông Hà chia sẻ.

Về giải pháp để đưa quy định nêu gương vào cuộc sống một cách hiệu quả, ông Nhị Lê cho biết, mới đây Trung ương đã xem xét lựa chọn, quy hoạch hơn 200 nhân sự cho Đại hội Đảng khóa XIII. “Theo tôi hiểu đó là những tấm gương. Nếu không chọn được những tấm gương tốt, thực sự là tấm gương thì sẽ là phản nêu gương, không nói chuyện nêu gương được nữa”, ông Nhị Lê nói.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, quy định về trách nhiệm nêu gương không chỉ là “gương” mà đó còn là “thước”, là “khuôn” để Trung ương làm nhân sự của Đại hội Đảng XIII. Theo ông Hà, Đại hội khóa XI, XII để “lọt” một số cán bộ không xứng đáng. Do đó lần này thực hiện quy định trách nhiệm nêu gương và chỉ đạo của Tổng Bí thư là, không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương.

“Mới đây Trung ương đã xem xét lựa chọn, quy hoạch hơn 200 nhân sự cho Đại hội Đảng khóa XIII. Theo tôi hiểu đó là những tấm gương. Nếu không chọn được những tấm gương tốt, thực sự là tấm gương thì sẽ là phản nêu gương, không nói chuyện nêu gương được nữa”.

Ông Nhị Lê

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chan-chuyen-tau-vet-bo-nhiem-dai-truoc-khi-ve-huu-1391396.tpo