Chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường gas?

Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas chưa hiệu quả, tại Hội thảo Thách thức và triển vọng thị trường Gas diễn ra hôm qua 14/11, Hiệp hội Gas Việt Nam đã kiến nghị nhiều giải pháp chấn chỉnh sự cạnh tranh...

Chiết nạp gas tại một công ty ở Hà Nội

Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas, nhất là hành vi chiếm dụng, san chiết trái pháp luật, giả nhãn hiệu, vi phạm về sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình gas của thương nhân chủ sở hữu bình còn chưa hiệu quả, chưa đồng nhất. Đơn cử như việc xử lý các vỏ bình gas bị lực lượng chức năng thu giữ, mỗi địa phương một cách giải quyết, có địa phương thì trả lại vỏ bình gas cho chính đối tượng vi phạm, có nơi thì bán đấu giá, có nơi thì trả lại cho chủ sở hữu, nơi khác thì đem tiêu hủy. Nói chung không có sự đồng nhất trong cách giải quyết, dù cùng hành vi vi phạm.

Hiệp hội Gas Việt Nam đề xuất xem xét sửa đổi một số quy định sau: Bỏ quy định về việc các doanh nghiệp được quyền thuê và cho thuê bình gas; Xem xét bỏ quy định doanh nghiệp phải có sổ theo dõi bình gas về số lượng, số seri, ngày tháng cung cấp bình cho khách hàng vì việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi và đẩy chi phí lên cao khi phải thuê nhiều nhân lực; nên cân nhắc tiếp tục hay loại bỏ quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bởi có nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, không thuộc các phạm vi về giấy chứng nhận.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh gas

Đồng thời cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ nơi chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường… Ngoài ra, phải xây dựng và ban hành thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự về một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas bên cạnh bổ sung quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu bình gas, đặc biệt là quyền được trả lại bình gas khi bị chiếm đoạt, chiếm dụng trái pháp luật và quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, bình (chai) gas là phương tiện để chứa gas, không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh và sử dụng gas. Để kinh doanh mặt hàng này, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn tới hàng trăm tỉ đồng chỉ riêng vào bình gas. Đồng thời phải đăng ký nhãn hiệu khi sở hữu bình gas bên cạnh kiểm định, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ theo quy định và phải chịu trách nhiệm về an toàn sử dụng khi bình gas đi vào từng hộ tiêu dùng.

Với những khoản đầu tư về “công” và “của” như vậy, nhưng theo ông Hữu các nhà kinh doanh gas chân chính đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ những người kinh doanh gas trái phép theo hình thức sang chiết trái phép, chiếm dụng bình gas của nhau bằng cách mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác; cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến bình gas của hãng khác thành của mình…

Hậu quả của việc cạnh tranh không lành mạnh đó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà kinh doanh chân chính mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, làm nhà nước thất thu thuế và nguy hiểm nhất là ẩn chứa những nguy cơ tai nạn, cháy nổ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Ông Hữu cũng cho biết vì tình trạng kinh doanh gas bất ổn như vậy mà nhiều tên tuổi lớn như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas đã phải thu gọn lại hoặc rút khỏi Việt Nam.

TÚ ANH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chan-chinh-tinh-trang-canh-tranh-khong-lanh-manh-tren-thi-truong-gas-17948.html