Chấn chỉnh quản lý, sử dụng thiết bị giáo dục quốc phòng an ninh

Sở GD&ĐT Đồng Nai vừa có văn bản triển khai thực hiện Thông báo số 5125/TB-UBND và khắc phục những hạn chế sau kiểm tra việc quản lý, giảng dạy và sử dụng thiết bị Giáo dục Quốc phòng an ninh (GDQPAN).

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Trong đó yêu cầu phát huy trách nhiệm của cán bộ quản lý các cấp trong công tác quản lý và triển khai nhiệm vụ về công tác GDQPAN, kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ về công tác GDQPAN ở cơ sở.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho cán bộ, công chức, viên chức chưa được bồi dưỡng, chú trọng các đồng chí cán bộ mới được bổ nhiệm. Nghiêm chỉnh chấp hành việc cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN đối tượng 3, 4 và các đối tượng khác theo kế hoạch, quyết định chiêu sinh của từng cấp. Phối hợp với các đơn vị quân đội có quân đứng chân trên địa bàn tổ chức cho học sinh trải nhiệm thực tế tại các đơn vị trong thời gian sinh hoạt, học tập ngoại khóa.

Đối với các trường THPT bố trí sử dụng giáo viên giảng dạy môn học GDQPAN đúng chuyên môn, cử giáo viên giảng dạy môn học GDQPAN tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ môn học. Tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả thiết bị phục vụ môn học GDQPAN đã được trang bị tại các trường THPT. Hiện

Hiện nay số thiết bị đã trang bị cho các trường THPT đủ để thực hiện dạy học tập trung các nội dung thực hành theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và của Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, do một số trường chưa có điều kiện sân bãi, giáo viên đủ để thực hiện việc dạy và học tập trung các nội dung thực hành nên vẫn tiến hành học rải theo phân phối chương trình tại Quyết định số 79/2007/QĐ-BGDĐT, vì vậy một số thiết bị đã trang bị chưa sử dụng đến.

Qua kiểm tra thấy rằng việc quản lý thiết bị của một số trường thiếu chặt chẽ, như giao cho Tổ Bộ môn Thể dục – QPAN quản lý và sử dụng mà không giao cho nhân viên thiết bị quản lý, không lập sổ theo dõi nhật ký sử dụng; một số trường chưa có kho cất giữ trang bị đủ bảo đảm an toàn…

Vì vậy Sở GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường THPT phải bố trí nơi bảo quản trang bị môn học GDQPAN ở kho đủ bảo đảm an toàn, tránh mất mát hư hỏng thiết bị; riêng đối với mô hình súng Tiểu liên AK phải thực hiện nghiêm Công văn số 131/SGDĐTGDTrH ngày 18/01/2017 về việc hướng dẫn, sử dụng, bảo quản, quản lý mô hình súng tiểu liên AK và súng tiểu liên AK đã được hoán cải.

Các trường tổ chức học tập trung các nội dung thực hành có sử dụng trang thiết bị thì sau khi kết thúc giai đoạn học tập trung phải lau chùi, sạch sẽ và đưa vào kho cất giữ, niêm phong. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng phải kiểm tra; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và khắc phục những nguyên nhân gây hư hỏng, mất an toàn đối với thiết bị. Lưu ý phải lập biên bản mỗi lần nhập kho, xuất kho và đóng, mở niêm phong.

Các trường tổ chức học rải theo theo phân phối chương trình tại Quyết định 79, phải tính toán số lượng thực tế sử dụng thường xuyên theo nhu cầu của trường trong năm học, giao số thiết bị sử dụng thường xuyên cho nhân viên thiết bị quản lý, theo dõi và ghi nhật ký cụ thể. Số thiết bị chưa sử dụng thực hiện việc niêm cất theo quy định.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chan-chinh-quan-ly-su-dung-thiet-bi-giao-duc-quoc-phong-an-ninh-4009942-v.html