Chấn chỉnh những bất cập tại các lễ hội, di tích

Năm nay, công tác tổ chức, quản lý các lễ hội đầu xuân tại Hà Nội có nhiều đổi mới. Hầu hết các lễ hội lớn được tổ chức thành công, bảo đảm không khí tôn nghiêm, tươi vui của lễ hội. Tuy nhiên, tình trạng xem bói, đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đốt vàng mã, nâng giá dịch vụ trông giữ xe… xuất hiện khá phổ biến tại các lễ hội, di tích, đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc, tìm giải pháp khắc phục triệt để.

Người dân đi lễ tại phủ Tây Hồ đầu năm mới. Ảnh: ĐĂNG ANH

Người dân đi lễ tại phủ Tây Hồ đầu năm mới. Ảnh: ĐĂNG ANH

Năm nay, công tác tổ chức, quản lý các lễ hội đầu xuân tại Hà Nội có nhiều đổi mới. Hầu hết các lễ hội lớn được tổ chức thành công, bảo đảm không khí tôn nghiêm, tươi vui của lễ hội. Tuy nhiên, tình trạng xem bói, đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đốt vàng mã, nâng giá dịch vụ trông giữ xe… xuất hiện khá phổ biến tại các lễ hội, di tích, đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc, tìm giải pháp khắc phục triệt để.

Ðổi mới trong tổ chức

Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) diễn ra vào ngày mồng 6 tháng Giêng vốn là một trong những lễ hội lớn nhất của Thủ đô. Tại đây từng nhiều lần xảy ra xô xát trong việc giành lộc (giò hoa tre, trầu cau). Sau khi dừng rước lộc năm 2018 và thay đổi hình thức tán lộc, năm nay, lại tổ chức đoàn rước lộc từ đền Thượng xuống đền Hạ, đền Mẫu, khiến nhiều người lo ngại lộn xộn xảy ra. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chu đáo, Ban tổ chức kết hợp tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời bố trí đông đảo lực lượng an ninh, thanh niên tình nguyện để bảo vệ lễ vật trên đường rước, nhờ vậy không xảy ra tình trạng tranh cướp lộc. Vào buổi chiều, khi bố trí đủ lực lượng mới tổ chức phát lộc. Người dân cũng như khách tham quan đều phấn khởi khi lễ hội giữ được các hoạt động truyền thống.

Tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Ðức), năm nay, Ban tổ chức quyết định cấm hoàn toàn việc kinh doanh tại khu vực bên trong các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn... Ðiều này khiến những không gian tâm linh bớt những hình ảnh phản cảm. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức Nguyễn Văn Hậu cho biết, năm nay, Ban tổ chức phối hợp các sở, ngành tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý những hiện tượng chèo kéo, đeo bám khách; sử dụng thuyền đò gắn máy; dịch vụ mê tín dị đoan… Các đò chở khách đều được tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo đảm an toàn, có túi đựng rác... Bởi vậy, trong dịp khai hội và dịp cuối tuần, mặc dù có lúc lượng khách quá tải, gây ùn tắc cục bộ nhưng nhìn chung, lễ hội vẫn giữ được sự trang nghiêm, ít có những hình ảnh phản cảm.

Cho đến thời điểm này, các lễ hội lớn trên địa bàn như: lễ hội Gò Ðống Ða, lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội đền Cổ Loa (huyện Ðông Anh)… đều được tổ chức tốt, không xảy ra lộn xộn trong các hoạt động nghi lễ, hoạt động vui chơi trong hội. Hội đền Hai Bà Trưng tiếp tục là điểm sáng khi tổ chức khu vực dịch vụ độc lập với khu vực thực hiện các nghi lễ tâm linh.

Nếu như Ban Tổ chức các lễ hội đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, thì ý thức của người tham gia lễ hội tại các di tích đầu năm vẫn là một vấn đề nan giải. Hầu hết các di tích tại thành phố đều niêm yết quy tắc ứng xử nơi công cộng ở nơi dễ thấy, trong đó có nội dung về quy tắc ứng xử tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều người đi lễ vẫn cố tình "lờ" quy tắc này. Tại đền Sóc, chùa Hương… vẫn còn tình trạng cắm hương bừa bãi, thậm chí cắm hương cả vào gốc cây ven đường. Tình trạng đặt tiền giọt dầu còn lộn xộn ở hầu hết các di tích, lễ hội. Tại phủ Tây Hồ trong ngày rằm tháng Giêng, khắp các ban lớn, nhỏ, tiền lẻ được đặt bừa bãi. Tại Chùa Trấn Quốc trong ngày rằm tháng Giêng vừa qua, ngay tại cổng chùa, có nhiều người bán động vật để phóng sinh với giá cao. Trong đó, có người bán rùa tai đỏ, loài động vật bị các nhà khoa học cảnh báo là gây hại cho môi trường nhưng không thấy lực lượng chức năng can thiệp. Năm 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành công văn yêu cầu các chùa không đốt vàng mã, nhờ đó, tình trạng đốt vàng mã đã giảm ở nhiều chùa. Tuy nhiên, tại các đình, đền, miếu, phủ, việc đốt vàng mã vẫn diễn ra rầm rộ.

Tình trạng đổi tiền lẻ năm nay có dấu hiệu bùng phát trở lại, nhất là tại phủ Tây Hồ. Khu vực gần cổng vào có gần 10 hàng đổi tiền lẻ công khai, với mức giá khá cao. Tại chùa Hương, tình trạng đổi tiền lẻ không công khai, nhưng vẫn có một số người sẵn sàng đổi nếu khách tham quan có nhu cầu.

Quản lý chặt an toàn thực phẩm và dịch vụ trông giữ xe

Nhiều năm qua, Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào tại các lễ hội, tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất cập trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vừa qua, Ðoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố đã kiểm tra hoạt động kinh doanh ẩm thực tại lễ hội đền Sóc. Tại đây, ba cơ sở kinh doanh không xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhiều hộ kinh doanh không có tủ kính, thức ăn sống, chín để lẫn lộn trên bàn; hai mẫu bát được xác định là không bảo đảm vệ sinh. Tại chùa Hương đã thành lập 23 đoàn kiểm tra, giám sát ATVSTP. Tuy nhiên, ngày 14-2, Ðoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố đã kiểm tra ba nhà hàng tại khu vực chùa Thiên Trù, phát hiện nhiều vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Nhà hàng Mai Lâm bày hơn 10 khay thịt sống ngay cạnh thức ăn chín. Nhà hàng Doanh Hạnh, thực phẩm chín để trên mặt bàn, không được che đậy, khu vực rửa bát, đĩa của nhà hàng rất nhếch nhác, tạm bợ. Khi đoàn kiểm tra xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát tại đây thì có đến chín mẫu bát bẩn. Tại thời điểm kiểm tra, chủ nhà hàng cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Tình trạng không sử dụng găng tay khi bốc thực phẩm chín, để bánh tôm, bánh bột lọc… ngay bên đường đi cũng phổ biến ở các nhà hàng khu vực phủ Tây Hồ.

Tình trạng chặt chém giá trông giữ xe tại các lễ hội, di tích cũng tồn tại, gây tâm lý bức xúc cho người dân. Ðể đáp ứng nhu cầu đỗ gửi phương tiện của người dân tăng đột biến trong những ngày đầu xuân, nhiều điểm trông giữ xe đã được lập chung quanh một số đền, chùa. Trong đó có điểm được địa phương cấp phép, có điểm tự phát, nhưng hầu hết đều thu quá giá quy định. Tại lễ hội Ðền Sóc, vé xe ô-tô dưới chín chỗ quy định 10 nghìn đồng/lượt, nhưng nhà xe thu 30 nghìn đồng/lượt; tại Phủ Tây Hồ, vé xe ô-tô dưới 9 chỗ quy định 25 nghìn đồng/lượt, nhưng nhà xe vẫn thu 50 nghìn đồng/lượt. Nhiều nơi khác thu phí gửi xe máy đồng giá là 10 nghìn đồng/lượt.

Những hạn chế nêu trên rất cần được cơ quan chức năng của thành phố và chính quyền các địa phương có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm người dân và khách thập phương trẩy hội, du xuân ở Thủ đô không bị phiền lòng về những bất cập mà năm nào cũng gặp trong mùa lễ hội.

Giang Nam và Quốc Toản

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/39274202-chan-chinh-nhung-bat-cap-tai-cac-le-hoi-di-tich.html