Chấn chỉnh hoạt động vận tải xây dựng ở Hà Nội

Theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay, tốc độ xây dựng trên địa bàn Hà Nội rất lớn, nhiều công trình nhà cao tầng có thời gian thi công kéo dài đến vài năm làm ảnh hưởng không nhỏ đời sống người dân khu vực lân cận. Nhiều nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm, làm hư hỏng đường, gây ách tắc giao thông, thậm chí không bảo đảm an toàn lao động…

Nhiều con đường bị hỏng nặng do xe tải

Người dân đi qua đoạn đường Nguyễn Cảnh Dị kéo dài (thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) nhiều năm nay bị “tra tấn” bởi tình cảnh “nắng bụi, mưa ngập” do con đường xuống cấp nghiêm trọng. Hàng chục ổ gà, ổ voi hình thành từ hoạt động của các loại xe, máy thi công các công trình xây dựng trên khu vực này khiến cho con đường biến dạng thảm hại. Đây là đường tránh giảm quá tải cho nút thắt ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, cho nên có rất đông người qua lại. Đã có nhiều vụ tai nạn do “ổ voi” trên đoạn đường này nhưng chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý. Đường Đại Từ và đường Định Công (Hoàng Mai) là hai tuyến đường nối với đường Nguyễn Cảnh Dị cũng xuất hiện nhiều ổ gà, nắp cống thoát nước lún, sập và thường xuyên ùn tắc.

Tương tự như vậy, hoạt động của các loại xe trọng tải lớn trên đường đê sông Hồng và các đường nhánh từ đê vào nội đô, đoạn từ phía nam cầu Vĩnh Tuy xuôi xuống Thanh Trì, khiến con đường này xuống cấp nghiêm trọng. Đây là tuyến đường chính của các loại xe tải chuyên chở vật liệu từ cảng và vùng phụ cận vào nội đô cho nên mật độ xe qua lại hằng ngày rất lớn. Rất nhiều xe chở quá tải trọng hoạt động hầu hết vào ban đêm, lúc vắng bóng lực lượng chức năng.

Trên địa phận quận Thanh Xuân, dọc khu vực đường Nguyễn Xiển có rất nhiều công trình xây dựng lớn đang thi công. Xe tải hạng nặng, xe trộn bê-tông và các loại máy móc công trình khác ngày đêm hoạt động không chỉ “băm” nát các đoạn đường dân sinh mà còn thải ra một lượng lớn khói bụi, tiếng ồn. Nhiều xe tải công trình làm rơi vãi vật liệu, đất bẩn ra đường nhưng không xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông cũng như của những người dân sinh sống ở khu vực phụ cận.

Các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông và huyện Hoài Đức, Đông Anh cũng là những địa bàn có tốc độ và mật độ xây dựng khá lớn. Một số tuyến đường huyết mạch bị các loại xe trọng tải lớn làm hư hỏng, mặt đường lồi lõm, sụt lún, nhiều nắp cống bị nứt vỡ, bong tróc… gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại. Tại một số công trình, đơn vị thi công ngang nhiên quây lấn vỉa hè, lề đường trái phép, dừng đỗ xe, máy không đúng vị trí và thời gian quy định, gây ùn tắc vào giờ cao điểm. Một số công trình tòa nhà cao tầng nằm ở các vị trí mặt đường phố chính, công trình đường trên cao, việc bảo đảm an toàn cho người lao động và người tham gia giao thông cũng là điều đáng bàn. Đã nhiều lần vật liệu xây dựng rơi từ trên cao xuống làm hư hại phương tiện, thậm chí gây thương vong cho người tham gia giao thông.

Cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng

Theo sự phân cấp, phân ngành quản lý, an toàn xây dựng là trách nhiệm của thanh tra ngành xây dựng; kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải thuộc lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông; xử lý các vi phạm về ô nhiễm là công việc của ngành tài nguyên và môi trường. Tuy vậy, việc sửa chữa, khắc phục các tuyến đường bị hư hại, xuống cấp lại là nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Với trách nhiệm được giao, các cơ quan chức năng không thể “quản” được hết số lượng các phương tiện là nguyên nhân khiến cho một số tuyến đường bị xuống cấp như hiện nay.

Hơn nữa, việc xử phạt đối với các vi phạm liên quan hoạt động vận tải xây dựng của các cơ quan chức năng trung bình mỗi năm khoảng 300 lượt là rất nhỏ so với những vi phạm thường xuyên hiện nay. Theo báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay lực lượng thanh tra của sở rất mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ. Đơn vị này không đủ người để thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận tải của xe, máy công trình xây dựng làm ảnh hưởng hạ tầng giao thông trên toàn địa bàn thành phố, nhất là trong thời điểm việc xây dựng phổ biến như hiện nay.

Giống như Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Thanh tra các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ có quyền hạn, trách nhiệm trong lĩnh vực do ngành mình quản lý. Nếu không có sự phối hợp liên ngành để xử lý triệt để thì hậu quả đương nhiên người dân và ngân sách nhà nước phải gánh chịu.

Việc sửa chữa, làm mới các tuyến đường bị xuống cấp hầu hết đều nằm trong kế hoạch năm của chính quyền địa phương, ngoại trừ một số tuyến đường hư hỏng quá nặng có thể sử dụng ngân sách để khắc phục đột xuất, không cần chờ kế hoạch. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, rất nhiều tuyến đường tiếp tục xuống cấp, hư hỏng ngay sau khi được sửa chữa. Lý do là tại khu vực chung quanh các tuyến đường này vẫn tấp nập mọc lên nhiều công trình xây dựng nhà ở cao tầng. Xe tải nặng, xe, máy công trình hầu như hoạt động suốt đêm. Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với các tuyến đường được xác định là hư hỏng chủ yếu do hoạt động vận tải xây dựng thì chủ đầu tư công trình cũng liên đới có trách nhiệm đóng góp kinh phí để sửa chữa. Tuy nhiên, để xác định rõ được trách nhiệm thì còn tùy thuộc vào sự phối hợp kiểm tra, xử lý của nhiều cơ quan, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Trong khi đó, việc phối kết hợp kiểm tra giữa các cơ quan liên quan còn ít và chưa thật sự hiệu quả.

“Thanh tra Sở Giao thông vận tải chỉ được phép xử phạt đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như lấn chiếm lòng, lề đường, xe chở quá tải trọng, làm rơi vãi nguyên vật liệu ra đường… Việc kết luận hoạt động vận tải có làm hư hỏng đường hay không, phải có sự phối hợp kiểm tra, xác minh của lực lượng liên ngành”.

TRẦN ĐĂNG HẢI

Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội

Bài và ảnh: NAM PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/34964902-chan-chinh-hoat-dong-van-tai-xay-dung-o-ha-noi.html