Chấn chỉnh công tác phòng cháy nhà cao tầng

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, vừa qua, số vụ cháy nhà cao tầng trên địa bàn thành phố có giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nguy cơ hỏa hoạn vẫn luôn tiểm ẩn bởi sự thiếu ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, cũng như của chủ đầu tư trong công tác an toàn PCCC.

Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra chung cư cao tầng Ecolife quận Nam Từ Liêm

Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra chung cư cao tầng Ecolife quận Nam Từ Liêm

Khắc phục kẽ hở về PCCC

Vụ cháy chung cư Carina tại TP.HCM, xảy ra cách đây tròn 1 năm là bài học đắt giá cho những nhà làm quản lý công trình cao tầng, cũng như cư dân và chủ đầu tư công trình. Vụ cháy không chỉ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, mà dư âm của nó còn gây hoang mang cho cư dân sinh sống tại nhiều chung cư cao tầng khác trên cả nước.

Nói như một chuyên gia về chữa cháy, CNCH của CATP Hà Nội: “Những công trình có đầy đủ thiết bị an toàn và được thẩm duyệt, nghiệm thu đúng tiêu chuẩn PCCC vẫn tiềm ẩn nỗi lo cháy, còn những công trình chấp hành chưa đầy đủ, người dân thờ ơ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe để người có trách nhiệm coi trọng, thì nhiệm vụ phòng cháy phải là trên hết”.

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.234 công tình nhà cao tầng. Đối với nhiều công trình trong số này, điều kiện đảm bảo an toàn số 1 phải là an toàn PCCC. Tuy nhiên, chất lượng thiết bị, thiết kế công trình PCCC trong các tòa nhà cao tầng, chung cư… vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng chung cư chưa đủ điều kiện an toàn PCCC, nhưng đã cho người dân vào ở vẫn diễn ra.

Xác định vai trò và tầm quan trọng trong việc phòng ngừa hỏa hoạn, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP tăng cường kiểm tra, rà soát, đặc biệt đối với nhà cao tầng phải làm quyết liệt và có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc CATP, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã chủ động triển khai các kế hoạch, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC và thực hiện nhiều kế hoạch cụ thể với mục đích cao nhất là phòng cháy để hạn chế tối đa thiệt hại do cháy gây ra.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng PCCC và CNCH đã kiểm tra 631 lượt cơ sở, lập 631 biên bản kiểm tra, phát hiện 38 cơ sở chưa được thẩm duyệt, chưa nghiệm thu về PCCC; 336 cơ sở có hồ sơ không đảm bảo các điều kiện về PCCC và 220 cơ sở không đảm bảo các điều kiện về PCCC. Từ các vi phạm được phát hiện nêu trên, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về PCCC đối với 41 cơ sở, với số tiền phạt vi phạm hành chính lên đến hơn 840 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, từ sự quyết liệt trong việc xử lý, đôn đốc, khuyến nghị, hướng dẫn chấp hành các quy định về PCCC của người đứng đầu tại các cơ sở, đa số những tồn tại được khắc phục ngay sau khi có kiến nghị của Cảnh sát PCCC. Các công trình cao tầng đều được lập hồ sơ quản lý công tác PCCC và ban hành các nội quy, quy định về PCCC phù hợp với đặc điểm tòa nhà.

Chỉ rõ những tồn tại

Ngoài những chuyển biến tích cực về an toàn PCCC và CNCH tại các tòa nhà cao tầng vẫn còn những trường hợp chủ công trình bế tắc trong cách giải quyết những vấn đề tồn tại mang tính lịch sử, nên việc khắc phục rất khó khăn.

Trung tá Trần Văn Hùng, Phó trưởng CAQ Hà Đông cho hay: “Tại các tòa nhà cao tầng nằm trên địa bàn, đơn vị quản lý, vận hành hoạt động chưa hiệu quả, thiếu tính chuyên nghiệp, dẫn đến lực lượng PCCC tại chỗ được thành lập chỉ mang tính hình thức. Lực lượng PCCC tại chỗ hầu hết đã được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC định kỳ, tuy nhiên chỉ có một vài đội viên nắm được cách vận hành hệ thống PCCC, cũng như kiến thức cơ bản về chữa cháy, hướng dẫn thoát nạn, cứu nạn khi có cháy, nổ xảy ra, phần còn lại vẫn lúng túng khi cơ quan chức năng yêu cầu xử lý tình huống sự cố giả định trong tòa nhà”.

Cũng trong quá trình kiểm tra, rà soát, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP nắm được hiện nay, đối với các nhà chung cư, nhất là chung cư tái định cư không đảm bảo về số lượng và chất lượng của lực lượng PCCC. Qua kiểm tra thực tế một một số công trình, cơ sở cho thấy, không thường xuyên duy trì các điều kiện phục vụ thoát nạn như để đồ dùng, vật dụng cản trở lối thoát nạn; chèn, chặn, đóng khóa cửa buồng thang. Hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật liên quan của các cơ sở chưa trang bị đầy đủ theo quy định, hoặc có trang bị đầy đủ nhưng không duy trì hoạt động, không đảm bảo theo yêu cầu. Những tồn tại này thường thấy tại các nhà cao tầng xây dựng và đưa vào hoạt động trước năm 2010.

Điều đáng lo ngại là: Tại sao chung cư không đủ điều kiện vẫn cho người vào ở?... Theo quy định các lực lượng chức năng không được kiểm tra trong quá trình chung cư đang thi công, cơ quan PCCC hiện chỉ làm công tác nghiệm thu khi chung cư đã được hoàn thành. Kẽ hở này khiến cho lực lượng thực thi nhiệm vụ rất khó khăn trong việc kiểm soát, tư vấn, giám sát hệ thống PCCC tại các chung cư, khi công trình chưa được hoàn thiện. Bởi vậy nhiều công trình trang bị hệ thống PCCC, hoặc triển khai các quy trình PCCC không đạt tiêu chuẩn, dẫn đến việc một số chủ đầu tư chỉ trang bị hệ thống PCCC cho các công trình mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng, chứ không làm đúng trách nhiệm an toàn là nhiệm vụ số 1.

Chưa kể, các phương tiện PCCC thiếu hụt hoặc không đồng bộ, đến khi xảy ra cháy nổ đã không phát huy được hết công năng. Nhiều chủ đầu tư cố tình không hợp tác, tránh né tiếp xúc lực lượng chức năng, không đóng tiền nộp phạt hoặc không tiếp tục thi công hệ thống chữa cháy, trong khi người dân đã được đưa vào ở. Ngoài ra, mức xử phạt trong vi phạm về PCCC hiện không đủ sức răn đe, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn tình trạng người dân vào ở tại các công trình đang thi công, chưa nghiệm thu an toàn PCCC.

Từ thực trạng chung này, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng PCCC và CNCH Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng cho người đứng đầu cơ sở và lực lượng cứu hỏa tại chỗ, để phát huy thế mạnh phương châm “4 tại chỗ”, lan tỏa phong trào toàn dân tham gia PCCC. Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn PCCC, quyết không để những vi phạm là căn nguyên gây ra hỏa hoạn tồn tại.

Đức Trí

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/chan-chinh-cong-tac-phong-chay-nha-cao-tang/807523.antd