Chấn chỉnh công tác lập và quản lý quy hoạch khu vực nông thôn

Xác định công tác quy hoạch xây dựng có vai trò đi trước, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung lập quy hoạch xây dựng nhiều phân khu, trong đó ưu tiên lập quy hoạch tại năm huyện thực hiện đề án lên quận. Tuy nhiên, chất lượng nhiều đồ án quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch còn hạn chế, cần được khắc phục.

Hạ tầng giao thông xã nông thôn mới Liên Trung (huyện Ðan Phượng) được quy hoạch tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Ảnh: BÁ HOẠT

Hạ tầng giao thông xã nông thôn mới Liên Trung (huyện Ðan Phượng) được quy hoạch tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Ảnh: BÁ HOẠT

Xác định công tác quy hoạch xây dựng có vai trò đi trước, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung lập quy hoạch xây dựng nhiều phân khu, trong đó ưu tiên lập quy hoạch tại năm huyện thực hiện đề án lên quận. Tuy nhiên, chất lượng nhiều đồ án quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch còn hạn chế, cần được khắc phục.

Thực hiện Luật Xây dựng năm 2003, từ năm 2008 đến 2012, toàn bộ 401 xã trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Ðây là công cụ quan trọng để các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Từ năm 2013 đến 2015 là giai đoạn triển khai quy hoạch cấp huyện và đến nay UBND thành phố đã phê duyệt 13 đồ án trong tổng số 14 đồ án quy hoạch cấp huyện. Tuy nhiên, quy hoạch các xã được thực hiện trước khi quy hoạch chung xây dựng các huyện được lập và phê duyệt, dẫn đến không ít hạn chế, bất cập như định hướng quy hoạch phát triển không gian xã nông thôn mới chưa dự báo được quy mô phát triển dân số; hạ tầng kỹ thuật khung của nhiều xã chưa khớp nối đồng bộ; mạng lưới điểm dân cư, chợ, cơ sở giết mổ gia súc còn có sự chồng lấn, không thống nhất với các quy hoạch ngành. Quy hoạch các xã trong từng huyện thiếu tính liên kết vùng, kết nối đồng bộ hạ tầng.

Ðáng chú ý, đối với các huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh đã được phê duyệt đề án phát triển thành quận, gồm: Hoài Ðức, Thanh Trì, Ðông Anh, Gia Lâm và Ðan Phượng, lại chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn. Vì thế, tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp xây dựng không có khoảng lùi công trình hoặc chia nhỏ diện tích đất vườn, ao liền kề để chuyển nhượng, xây dựng công trình làm gia tăng áp lực dân số, hạ tầng và môi trường. Trong năm huyện chuẩn bị lên quận, chỉ có huyện Thanh Trì có 100% diện tích nằm trong khu vực phát triển đô thị, còn nhiều xã của bốn huyện còn lại có một phần diện tích nằm ngoài vùng phát triển đô thị. Các quy hoạch đã phê duyệt có nhiều điểm không còn phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển từ xã lên phường, từ huyện lên quận.

Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh, Lê Trung Kiên cho biết: Tốc độ đô thị hóa tại 23 xã và một thị trấn của Ðông Anh rất nhanh chóng, với hàng trăm dự án, nhưng đến nay huyện còn ba đồ án quy hoạch phân khu đô thị chưa được phê duyệt, cho nên việc cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ giới đường đỏ để thực hiện dự án gặp khó khăn. Quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài quy định nhà ở riêng lẻ xây dựng không quá ba tầng, nhưng lực lượng quản lý trật tự xây dựng còn mỏng, chưa kiểm soát hết tình hình, dẫn đến nhiều hộ dân xây dựng vượt số tầng quy định. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Nguyễn Tiến Cường cũng phản ánh: Theo Luật Xây dựng năm 2013, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc đối tượng được miễn phép xây dựng, trong khi trên địa bàn huyện đã cơ bản phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, dẫn đến chính quyền cơ sở rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng. Mà nếu không quản lý trật tự xây dựng sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để lại hậu quả rất lớn sau này, nhưng quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng sẽ "vênh" với luật định. Một số quy hoạch chi tiết được phê duyệt trước khi có quy hoạch phân khu đô thị cho nên các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chưa phù hợp, không đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Nguyễn Trúc Anh, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có hướng dẫn việc chuyển tiếp để điều chỉnh từ quy hoạch xây dựng huyện sang quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch nông thôn cấp xã chưa cập nhật các chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cấp huyện, thành phố cho nên khi triển khai ở các địa phương còn nhiều vướng mắc, cách làm không thống nhất. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay phần lớn các xã đều phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới. Ngoài ra, công tác quy hoạch tại năm huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh còn dàn trải, chưa có phân tích, đánh giá tổng hợp và nhận diện đầy đủ các yếu tố đặc thù. Trong khu vực đô thị của các huyện, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết khu dân cư chưa được triển khai đồng bộ với các dự án đô thị tiếp giáp chung quanh sẽ dẫn đến bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch khi phát triển từ huyện lên quận.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác quy hoạch là do quy định về nội dung và phương pháp giữa các quy hoạch chung đô thị với quy hoạch nông thôn chưa được phân định rõ. Chất lượng quy hoạch nông thôn mới chủ yếu nhằm mục tiêu đáp ứng bộ tiêu chí nông thôn mới, chưa quan tâm đến nội dung quản lý không gian cảnh quan nông thôn. Tại nhiều huyện có tình trạng thiếu cán bộ về quy hoạch xây dựng hoặc năng lực cán bộ còn yếu, dẫn đến chất lượng thẩm định quy hoạch chưa cao, tầm nhìn và tính dự báo xu hướng phát triển còn hạn chế.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Thường trực HÐND thành phố Hà Nội với UBND thành phố và các sở, ngành về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Hùng cho biết, thời gian qua thành phố đã thực hiện nghiêm các quy định liên quan công tác quy hoạch. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới thực hiện trước quy hoạch phân khu bộc lộ nhiều hạn chế và đang được các địa phương rà soát, điều chỉnh. Ðối với năm huyện thực hiện đề án lên quận, thành phố chủ trương không điều chỉnh các quy hoạch nông thôn mới, mà sớm triển khai quy hoạch đô thị, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Quy hoạch xây dựng là nội dung quan trọng được thành phố rất quan tâm. Trên cơ sở những hạn chế, vướng mắc hiện nay, HÐND thành phố đề nghị UBND thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh phù hợp với những quy định mới, phù hợp tình hình thực tế; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch còn thiếu. Các sở, ngành và thành phố tăng cường phối hợp, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, hạn chế trong công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch vừa mang tính ổn định vừa mang tính định hướng. Ðồng thời tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quan tâm đến chất lượng tư vấn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị các huyện; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy hoạch.

NGỌC THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42941002-chan-chinh-cong-tac-lap-va-quan-ly-quy-hoach-khu-vuc-nong-thon.html