Chấn chỉnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

* Điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án đã quá 3 năm chưa được thực hiện

(ĐN)- UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.

Dự án làm đường ở huyện Nhơn Trạch giải ngân chậm là do vướng giải phóng mặt bằng (ảnh: tư liệu)

Dự án làm đường ở huyện Nhơn Trạch giải ngân chậm là do vướng giải phóng mặt bằng (ảnh: tư liệu)

Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện và thành phố trong tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường và các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh, hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng đã quá 3 năm chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần rà soát, thống kê các dự án, công trình đã có quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhưng còn tồn đọng, chưa triển khai được, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 1-7-2014. Từ đó, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp giải quyết hoặc đề xuất xử lý dứt điểm.

Kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng công trình trái phép, nhất là trên đất nông nghiệp.

Triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đồng bộ với việc bố trí các nguồn vốn cho các dự án và đồng bộ với kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch định giá đất cụ thể đã được phê duyệt. Thực hiện việc thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải phù hợp với thời điểm phê duyệt giá đất để bồi thường.

Thực hiện đúng quy trình, thời gian đối với các khâu trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai, quy định của UBND tỉnh và tiến độ đầu tư dự án. Việc lập phương án bồi thường, thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường không được tự ý chia ra nhiều lần để tạo nên sự so bì của các đối tượng cùng dự án nhưng phê duyệt khác thời điểm và hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khác nhau.

Theo UBND tỉnh, trong những năm qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm, kéo dài; việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu; tình hình khiếu kiện trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn diễn ra phổ biến…

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/201909/chan-chinh-cong-tac-boi-thuong-giai-phong-mat-bang-2965044/