Chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đô thị

Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải sửa đổi một số luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Đầu tư công... nhằm chấn chỉnh tình trạng quy hoạch treo, bất cập trong quản lý và sử dụng đất đô thị.

Hàng loạt các vấn đề "nóng" liên quan đến đất đai như: quy hoạch treo, bất cập trong quản lý và sử dụng đất đô thị đã được các đại biểu quan tâm và tập trung thảo luận tại hội trường ngày 27/5. Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải sửa đổi một số luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Đầu tư công... nhằm chấn chỉnh tình trạng trên. Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ). Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ). Ảnh: Thành Trung/BNEWS

* Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ): Nhiều bất cập cần được khắc phục
Hiện nay, giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách còn nhiều bất cập, không sát với thị trường. Điều này làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách. Vấn đề này, trong báo cáo giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ những khó khăn trong việc xác định khung giá đất của Chính phủ và việc xác định Bảng giá đất, giá đất cụ thể của các địa phương vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời; chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường; đồng thời, cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất. Từ đó làm căn cứ để các địa phương xác định Bảng giá đất, giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách. Bên cạnh đó, Chính phủ rà soát lại các chính sách liên quan đến tái định cư, hỗ trợ sinh kế để bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần rà soát lại các dự án không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam về bố trí đất cho giáo dục, y tế, bãi đỗ xe, cây xanh, giao thông nội bộ…; các dự án không tuân thủ giấy phép xây dựng, các qui định về phòng cháy chữa cháy… không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với người dân mua nhà, đất, căn hộ để yêu cầu chủ đầu tư có phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân. Bởi, đây là vấn đề rất bức xúc, tại nhiều chung cư người dân tập trung đông người, treo băng rôn khẩu hiệu để đòi quyền lợi.
Chẳng hạn như tòa nhà Kinh đô tại ngõ 102 Trường Chinh - Hà Nội từ năm 2017 đến nay người dân nhiều lần tập trung phản đối nhà đầu tư, khẩu hiệu, băng rôn giăng kín mặt tiền tòa nhà, kéo dài, chưa chấm dứt; hàng loạt các dự án khác trên địa bàn Hà Nội cũng có tình trạng tương tự.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần rà soát lại các dự án "treo" để xử lý dứt điểm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đối với những vùng đất quy hoạch cho lâu dài, chưa thực hiện dự án ngay được thì cần di dời dân để tạo quỹ đất sạch hoặc phải có chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo nhà, về tách hộ… Đây cũng là vấn đề rất bức xúc vì liên quan đến quy hoạch đất từ Trung ương đến địa phương và người dân ở vùng đất quy hoạch này không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá.
* Đại biểu Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An): Xử lý dứt điểm các quy hoạch, dự án "treo"

Đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An)

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, tôi quan tâm đến vấn đề quy hoạch "treo", dự án "treo" gây bức xúc cho người dân và dẫn đến khiếu kiện trong thời gian qua. Thực tế, tại các dự án "treo", do vướng quy hoạch nên người dân không được xây dựng mới nhà cửa, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển, gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực xã hội, quốc gia.
Để giải quyết vấn đề này tôi cho rằng, cần có quy định rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch, cụ thể liên quan quy hoạch "treo", dự án "treo". Bởi hiện nay, theo Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai có ràng buộc thời gian về triển khai dự án, cũng như có những ràng buộc, chế tài nhưng vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân do không triển khai dự án theo quy hoạch là không rõ ràng. Do đó, tôi đề nghị cần quy định rõ thời gian phải triển khai, hoàn thành quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng.
* Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai): Thắt chặt quản lý quy hoạch
Theo tôi, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiển hiện quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu. Theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 – 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tuân theo lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như: giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh…
Bên cạnh đó, các khu tái định cư lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị là thấp nhất. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo thắt chặt quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng những hiện tượng nêu trên.
Một vấn đề nữa là việc giao đất, cho thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí không tuân thủ pháp luật. Đồng thời, việc lợi dụng cơ chế để "vừa đá bóng vừa thổi còi" làm thiệt hại lớn đến lợi ích của nhà nước, của nhân dân. Do đó, Quốc hội và Chính phủ kịp thời bịt lỗ hổng này như kiến nghị của Đoàn giám sát. Đó là, thu hẹp đối tượng định giá đất, mở rộng cho thuê đất; thực hiện cho thuê đất theo đấu giá; xử lý nghiêm và dứt điểm trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích.../

Thành Trung/BNEWS/TXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chan-chinh-cac-sai-pham-trong-quan-ly-su-dung-dat-do-thi/123530.html